Nghệ An: Ô nhiễm môi trường ‘bủa vây’ làng nghề chế biến hải sản ở Diễn Ngọc

Mặc dù chính quyền đều biết tình trạng ô nhiễm làng nghề tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu song chưa có giải pháp xử lý triệt để, gây bức xúc cho người dân.

Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng với nghề chế biến hải sản, nhưng cũng chính vì nghề này người dân đang phải chịu những hệ lụy nặng nề vì ô nhiễm môi trường.

Sống chung với ô nhiễm

Vừa đặt chân đến thôn Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc chúng tôi không khỏi rùng mình bởi mùi hôi thối nồng nặc, đặc trưng của xác cá, mắm thối rữa xộc thẳng vào mũi.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân sống gần khu chế biến hải sản, phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhiều người mắc trọng bệnh.

Ngoài mùi hôi thối bay xa cả hàng km và chất thải tuôn xuống lạch thì hàng trăm hộ dân còn phải sống chung với bụi, khói ô nhiễm mỗi khi nhà máy hoạt động.

Bà Võ Thị Hồng – người dân xóm Ngọc Văn bức xúc: “Chúng tôi rất khổ sở bởi các cơ sở thu gom cá làm bột cá, làm mắm. Mỗi ngày họ thu gom hàng chục tấn cá ở các nơi về rồi đem phơi, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Ngoài ra, mùi khét từ các cơ sở, nhà máy chế biến bột cá, phi lê cá… làm cho cả khu dân cư ngộp thở”.

Bà Hồng thở dài cho biết: “Ở đây người dân hay bị bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt là trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phổi, nấm chân tay, ghẻ lở trầm trọng. 2 xóm Ngọc Văn và Ngọc Minh, nhiều năm trở lại đây có rất nhiều người trẻ chết vì ung thư”.

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường tại Cảng cá Lạch Vạn là xuất phát từ quá trình chế biến hải sản của cả doanh nghiệp và người dân tại xóm Đồng Lộc. Mỗi khi có gió nồm (gió biển) thổi lên thì mùi hôi thối lan tỏa rất nhiều trong không khí…”, bà Hồng nói.

Trao đổi với PV. Báo Công Thương – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc – Nguyễn Văn Dũng cho biết: Làng nghề Ngọc Văn ở xã Diễn Ngọc có 282 hộ làm nghề cá, nghề chế biến thuỷ sản, làm nước mắm, cá phi lê, ruốc, cá tạp chế biến, cá khô các loại…“Cũng nhiều lần dân phản ánh, các đoàn kiểm tra đến xử phạt, một số cơ sở đã khắc phục, nhưng một số khác không thể khắc phục. Cụ thể, 3 nhà máy làm bột cá luôn trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tiếng vang, ô nhiễm mùi…cũng đã nhiều lần bị cảnh sát môi trường nhắc nhở xử phạt lên đến 30 triệu đồng, nhưng đều không triệt để…”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết thêm, khu cảng cá, hàng ngày số tàu thuyền thường xuyên ra vào bến với trên 300 chiếc, mỗi ngày bình quân có khoảng 75 – 100 tấn hải sản vào cảng. Nước chảy từ rác thải, tập trung ở cảng. Khu cảng cá có bể lọc 80m2, tuy nhiên luôn trong tình trạng quá tải, một số cơ sở chế biến hải sản như làm tom nõn khô, phi lê cá tại nhà đều đạt được yêu cầu về môi trường.

Khu vực chế biến hải sản của người dân xóm Ngọc Văn (xã Diễn Ngọc).

Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các cơ sở sản xuất và chế biến thủy, hải sản đều phát triển theo hướng làng nghề tự phát, manh mún, không có quy hoạch, sản xuất kinh doanh theo hộ gia đình là chính. Các hộ kinh doanh chỉ chú trọng lợi nhuận, không quan tâm đến khâu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Đi vào các cơ sở sản xuất và chế biến thủy, hải sản, hai bên đường phủ kín xác thủy sản sau khi phân hủy. Mùi tanh nồng tới mức đeo tới hai chiếc khẩu trang vẫn thấy khó chịu.

Tại các xóm Ngọc Văn, Ngọc Minh, Đồng Lộc, Yên Thịnh ở xã Diễn Ngọc đang là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng do thứ mùi đặc trưng này. Khi biết có phóng viên về tìm hiểu, nhiều người đã tìm đến để trình bày bức xúc của mình.

Theo người dân xóm Ngọc Văn, trẻ em trong làng thường xuyên bị viêm phổi, đau ốm, nhập viện thường xuyên và ảnh hưởng học tập. Nhiều hộ gia đình phải chọn biện pháp bất khả kháng là đưa trẻ con đi gửi ở chỗ khác để… lánh nạn ô nhiễm.

Chị Trần Thị Hà, ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc cho biết, hằng ngày gia đình chị đều phải đóng cửa kín mít vì mùi khó chịu nồng nặc từ cảng cá, từ các nhà máy chế biến bột cá bay tới. “Không biết họ sản xuất chế biến như thế nào, còn tại các làng nghề chỉ làm nước mắm truyền thống hay nghề cá cũng chỉ có mùi biển đặc trưng thôi, chứ không hôi thối cả ngày cả đêm như vậy. Ngày nắng cũng như mưa mùi hôi thối, khó bụi bốc lên nồng nặc. Người dân ở đây, sống lâu nên quen rồi mà đôi khi cũng không thể chịu được, còn người lạ đi qua khu vực này cũng phải bịt khẩu trang kín mít”.

Ô nhiễm đến bao giờ?

Theo nhiều người dân ở xóm Ngọc Văn: “ Tại các kỳ họp hội đồng, chúng tôi đều đại diện cho dân phản ánh thực trạng ô nhiễm lên xã, đã có các đoàn về môi trường của huyện, tỉnh về kiểm tra, nhưng ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch xã Diễn Ngọc xác nhận việc ô nhiễm là có thật. “Ô nhiễm ở Diễn Ngọc lâu nay là ô nhiễm chung, bởi bến cảng là nơi giao lưu, thu nhập của 6 xã vùng biển, một ngày hàng trăm tấn hải sản. Người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất bột cá, nước mắm, nhiều hộ phơi rửa cá, xay bột cá, xả mắm, tạo ra ô nhiễm….”.

Nước thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong cảng cá chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường. (Trong ảnh; Cảng cá Lạch Vạn ở xã Diễn Ngọc).

Chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra xử lý. Hiện nay ở Diễn Ngọc đã xây dựng bãi rác tập trung, làm bể chiết, biogas… nên ô nhiễm có giảm đáng kể.

Nhưng thực tế những năm gần đây hệ thống xử lý nước thải ở đây hầu như không có tác dụng, nước thải ngấm xuống đáy bể vào lòng đất gây ô nhiễm cho nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ngoài mùi hôi thối bay xa cả hàng km và chất thải tuôn xuống lạch thì hàng trăm hộ dân còn phải sống chung với bụi, khói ô nhiễm mỗi khi nhà máy hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Dũng thừa nhận, xí nghiệp chế biến bột cá đã làm ảnh hưởng đến môi trường của xã Diễn Ngọc và các vùng xung quanh. “Vấn đề ô nhiễm môi trường đã có từ lâu, mấy năm trở lại đây thì huyện đã có những biện pháp quyết liệt nhưng rất khó triệt để…”. Cũng theo ông Dũng thì cũng chỉ mức hạn chế ô nhiễm môi trường chứ “Mùi ở làng biển là mùi đặc thù, còn ô nhiễm là không thể vì liên quan đến cảng cá 75- 100 tấn/ngày nên khó xử lý. Địa phương và tỉnh cũng có nhiều đoàn kiểm tra, một số cơ sở khắc phục dần. Đặc biệt là 3 nhà máy xay bột cá. Trước kia họ mua máy cũ, hệ thống xử lý mùi, tiếng ồn, tiếng vang của các lò đốt không được hiện đại. Hệ thống xử lý mới tạm được, hệ thống mương máng làng nghề chưa được lọc sạch sẽ…”.

Trước những vấn đề ô nhiễm từ cảng cá Lạch Vạn hàng trăm hộ dân ở xã Diễn Ngọc, đề nghị tỉnh UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Diễn Châu sớm vào cuộc và có giải pháp triệt để để người dân không phải chịu đựng thêm sự ô nhiễm nguồn nước và không khí nặng nề như hiện nay.

Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu là xã vùng biển với nhiều tiềm năng đánh bắt, chế biến thủy, hải sản lớn. Nơi đây có Cảng cá Lạch Vạn – Cảng là nơi lên bến của hơn 75% sản lượng khai thác hải sản của huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An).
Theo Hoàng Trinh

 

Link gốc: https://congthuong.vn/nghe-an-o-nhiem-moi-truong-bua-vay-lang-nghe-che-bien-hai-san-o-dien-ngoc-249843.html