Nghệ An nhọc nhằn xử lý hệ lụy của các dự án thủy điện

Những dự án điện năng quy mô lớn như thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na đã vận hành thương mại từ lâu, lợi lộc doanh nghiệp hưởng, trong khi trách nhiệm chưa tròn.

0
Thủy điện Bản Vẽ đi vào hoạt động đã lâu nhưng chưa xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan. Ảnh: VK.

Những nút thắt dai dẳng xoay quanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án thủy điện trên địa bàn Nghệ An được cử tri, nhân dân và chính quyền vùng ảnh hưởng phản ánh từ năm này sang năm khác. Dù rất cấp bách nhưng quá trình tháo gỡ chậm như rùa bò, đến nay tình hình vẫn căng như dây đàn. Ghi nhận đến ngày 17/1/2024 nhiều nội dung vẫn bế tắc toàn tập.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thực hiện Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh về việc thành lập Tổ công tác giải quyết những tồn tại, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án thuỷ điện. Ngày 3/1/2024 Tổ công tác đã tổ chức buổi làm việc với UBND các huyện Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương và các chủ đầu tư liên quan. Kết quả thực tế cho thấy còn cả “núi” công việc phía trước.

Nhờ diện tích lòng hồ khổng lồ, hàng năm thủy điện Bản Vẽ thu về trên dưới ngàn tỷ đồng. Ảnh: VK.

Về phần thủy điện Bản Vẽ, được biết đến là đại công trình điện năng lớn nhất trên đất Nghệ An đang tồn tại 7 vấn đề chưa được xử lý.

Thứ nhất là công tác bàn giao mặt bằng công trường đối với phần diện tích 2,88 ha/ 7,73 ha (thuộc quy hoạch mặt bằng công trường), tương tự là diện tích 4,45 ha/68,9 ha (ngoài quy hoạch mặt bằng công trường).

Thứ hai là việc lập hồ sơ bồi thường bổ sung phần diện tích đất thực tế bị ngập tại 2 bản Con Phen (xã Hữu Khuông) và Xốp Cháo (xã Lượng Minh). Đối với các hộ dân đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, Tổ công tác đề nghị UBND huyện Tương Dương phối hợp với Ban quản lý dự án (BQLDA) thủy điện 2 phê duyệt phương án bồi thường để thực hiện nghĩa vụ pháp lý.

Đối với nội dung chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm dự án thủy điện Bản Vẽ, đề nghị UBND huyện Tương Dương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 làm việc với Sở TN-MT để được hướng dẫn, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý.

Đối với diện tích bị ảnh hưởng nằm ngoài ranh giới đường viền lòng hồ tại bản Con Phen, xã Hữu Khuông, đề nghị BQLDA thủy điện 2 phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Trái ngược với quyền lợi của doanh nghiệp, rất nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư chịu cảnh thua thiệt đủ bề. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ ba là sự chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bản Cà Moong, xã Lượng Minh đối với phần diện tích 181 ha điều chỉnh từ đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp. Tương tự là những diện tích đất ở.

Thứ tư là nội dung lập hồ sơ bồi thường chênh lệch về đất tại các khu tái định cư tại huyện Tương Dương. Kế đó là công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ thuộc diện tái định cư tập trung, việc này BQLDA thủy điện 2 được giao chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tương Dương và Thanh Chương để xử lý dứt điểm trong tháng 6/2024…

Thiếu đất sản xuất trầm trọng, đan xen phong tục, tập quán, văn hóa khác biệt khiến nhiều hộ dân không thể hòa nhập với môi trường mới. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh thủy điện Bản Vẽ thì thủy điện Hủa Na cũng là cái tên “chiếm sóng” với hàng loạt vấn đề bức bí, nổi cộm là việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho hơn 100 hộ dân.

Trở lại câu chuyện của thủy điện Bản Vẽ, dự án “khủng” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Để phục vụ cho đại công trình điện năng này Nghệ An đã mất đi hàng ngàn ha đất các loại. Không chỉ mất nhà cửa, mất đất, mất rừng, mất luôn kế sinh nhai, gần 3.000 hộ dân với khoảng 13.700 nhân khẩu của huyện Tương Dương, vốn sinh sống tại vùng lòng hồ thủy điện phải nhọc nhằn chuyển đến các khu tái định cư, phần lớn thuộc địa phận huyện Thanh Chương, cách chốn cũ xa tít mù khơi.

Khẩu hiệu “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” xem ra chẳng thực chất khi đời sống của nhiều gia đình đến nay vẫn lắm cơ cực, họ khó hòa nhập với môi trường mới do khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, trên hết là quỹ đất canh tác quá hạn hẹp.

Mỗi năm có hàng trăm hộ dân tại các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương vẫn quay về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để kiếm kế sinh nhai. Ảnh: Việt Khánh.

Qua ghi nhận sơ bộ, hàng năm có khoảng 200 – 400 hộ thuộc diện tái định cư từ huyện Thanh Chương vẫn kéo nhau quay về lòng hồ kiếm kế sinh nhai, con số đáng để các nhà chức trách phải suy ngẫm. Ở chiều ngược lại, thủy điện Bản Vẽ chính thức vận hành thương mại hơn chục năm rồi, mỗi năm đều đặn thu về trên dưới ngàn tỷ đồng.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn: nongnghiep.vn