Nghệ An nhanh chóng đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống
Nhận thức được việc bảo vệ môi trường (BVMT) luôn có vai trò rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vì thế, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nội dung này.
Đặc biệt, từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và có hiệu lực, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống và có những dấu ấn tích cực, đậm nét.
Nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết, để kịp thời phổ biến chủ trương chính sách về công tác quản lý BVMT trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT ở địa phương. Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2022 – 2030 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 14/7/2022 triển khai thực hiện. Trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường gắn với địa phương, lĩnh vực quản lý.
Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 06/01/2023 quy định về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh đã giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham mưu xây dựng 8 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường ở địa phương, gồm có: quy định khu vực địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh, chất thải y tế, chất thải rắn xây dựng, bùn thải; quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ của các tổ chức, hộ gia đình; hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải nông nghiệp, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; chính sách khuyến khích tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các chuyên đề làm cơ sở tham mưu ban hành quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh, chất thải y tế, chất thải rắn xây dựng và bùn thải.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền với hình thức đa dạng, nội dung dễ hiểu, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng đã được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình, các đơn vị thực hiện trong năm 2022, góp phần thiết thực đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt là đã phát huy rất tốt vai trò của người dân, doanh nghiệp cùng tham gia BVMT”.
Ông Hoàng Quốc Việt
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An
Vấn đề công khai thông tin môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, kết quả quan trắc môi trường) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND cấp huyện thực hiện kịp thời trên website của đơn vị, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.
Về triển khai thực hiện các thủ tục hành chính, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 25/07/2022 về việc Phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trong đó, kết quả đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết: cắt giảm 20 – 40% thời gian thực hiện 8/8 (cấp tỉnh); 4/4 (cấp huyện) thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương. Hiện nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường được tiếp nhận qua hệ thống https://dichvucong.nghean.gov…., thanh toán trực tuyến. Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường đều được xử lý đúng và trước hạn, không có thủ tục hành chính xử lý chậm so với quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh đang chỉ đạo triên khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.
Cần “tháo gỡ” nhiều vướng mắc
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như:
Điều 75, 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, chậm nhất là ngày 31/12/2024 phải triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang triển khai thí điểm ở một số địa phương, trong đó có xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thành phần các loại rác cụ thể trong 3 nhóm trên, do đó, tỉnh chưa có căn cứ để ban hành hướng dẫn, quy định về giá dịch vụ thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hạ tầng thu gom, xử lý riêng biệt các loại chất thải sau phân loại trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng để triển khai trên thực tế như chưa có nhà máy xử lý chất thải thực phẩm tập trung; việc đầu tư trang thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn, trang thiết bị thu gom vận chuyển rác thải theo phân loại đòi hỏi các tổ chức, cá nhân, cơ quan bố trí kinh phí lớn, phải được triển khai đồng bộ mới đảm bảo tính hiệu quả.
Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường quy định các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, tức là thời hạn chậm nhất là 31/12/2024. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 12 cụm công nghiệp đang hoạt động mà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đều là các cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý, để đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường cần bố trí khối lượng lớn kinh phí, trong khi ngân sách hạn hẹp.
Việc xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt với khối lượng công việc, thông tin, số liệu đầu vào lớn, đặc biệt là nội dung đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải nên UBND tỉnh xác định thời hạn xây dựng Kế hoạch này là vào năm 2027.
Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu bảo vệ môi trường tại Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp, xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại về môi trường.
Theo Đình Tiệp
Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/nghe-an-nhanh-chong-dua-luat-bao-ve-moi-truong-2020-vao-cuoc-song-356736.html