Nghệ An: Người dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ ngóng chờ hỗ trợ

Suốt hơn 3 năm qua, gần 40 tỷ đồng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hứa sẽ hỗ trợ người dân tỉnh Nghệ An thuộc diện tái định cư và ảnh hưởng bởi thiên tai đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

0

Điều này cũng đồng nghĩa với việc không ít hộ dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án thuỷ Bản Vẽ vẫn phải sống trong cảnh dặt dẹo vì không thể ổn định nơi ở, sinh hoạt.

Người dân “dài cổ ngóng chờ hỗ trợ

Được biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thuỷ điện Bản Vẽ được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2012 đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống cho người dân tái định cư và đã được UBND tỉnh Nghệ An báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9344/UBND-CN ngày 07/12/2018.

Sau đó, trên cơ sở nội dung báo cáo trình của UBND tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Bản Vẽ.

Tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8 năm 2018) của người dân vùng dự án thuỷ điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án. Trên cơ sở đó, xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của dự án thuỷ điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành.

Dự án thuỷ điện Bản Vẽ đã đi vào hoạt động từ 10 năm trước nhưng những bất cập, tồn tại vẫn chưa được Tập đoàn điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm cho người dân

Bộ Công Thương đã có văn bản số 3096/BCT-ĐL ngày 04/5/2019, yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8 năm 2018) của người dân vùng dự án thuỷ điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án.

Trên cơ sở đó, xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của dự án thuỷ điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành; Báo cáo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về kết quả rà soát và mức hỗ trợ kinh phí.

Tiếp đó, EVN cũng đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 18/9/2019 trên tinh thần cả 02 bên đã tiến hành rà soát, thống nhất nội dung hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân sau lũ năm 2018 và giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thuỷ điện Bản Vẽ theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An với tổng giá trị 39.736.836.000 đồng.

Trong đó, tại huyện Thanh Chương được thống nhất sẽ hỗ trợ 14.954.050.000 đồng, huyện Tương Dương được thống nhất hỗ trợ tổng cộng 21.831.471.000 đồng.

Vẫn chưa thể “chốt” phương án hỗ trợ 

Ngày 19/3/2020, EVN đã có Báo cáo số 1654/EVN-QLXD gửi Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước kiến nghị Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước xem xét thông qua và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để EVN có cơ sở thực hiện hỗ trợ cho địa phương. Sau khi nhận được báo cáo của EVN, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo số 652/UBQLV-NL ngày 20/4/2020 với nội dung:

Căn cứ các quy định của pháp luật, đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng, Uỷ ban có thẩm quyền phê duyệt để Hội đồng thành viên EVN quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm A, không có thẩm quyền phê duyệt hoặc thông qua các khoản chi phí để thực hiện các công việc đầu tư dự án, mà công việc này thuộc hoạt động quản lý, điều hành của EVN và phải được thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Đến nay, mặc dù đã có không ít văn bản liên quan đến công tác hỗ trợ người dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ đi và đến nhưng nhiều nội dung vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm

Vì thế, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước đề nghị EVN tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở pháp lý các đề xuất, trường hợp cần thiết báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật.

Sau đó, EVN đã có văn bản số 3606/EVN-QLXD ngày 27/5/2020 gửi UBND tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 4368/UBND-CN ngày 08/7/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN sớm giải quyết các nội dung hỗ trợ đã được EVN thống nhất.

Đến ngày 23/7/2021, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Công văn số 5100/UBND-CN gửi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành, đơn vị liên quan giải quyết các nội dung UBND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị tại Công văn số 4368/UBND-CN ngày 08/7/2020. Các nội dung thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ chưa được giải quyết, người dân và cử tri đã nhiều lần kiến nghị.

Khu TĐC bản Minh Phương, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) bị sạt lở nhưng chưa có vốn khắc phục khiến các hộ dân chưa thể vào ở

Tiếp đó, vào ngày 18/8/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4945/BCT-KH về trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An, trong đó có nêu “đối với kinh phí hỗ trợ thực hiện bổ sung ngoài kinh phí của dự án do UBND tỉnh Nghệ An và EVN thống nhất, UBND tỉnh đã có văn bản số 4368/UBND-CN ngày 08/7/2020 báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Hiện, Bộ Công Thương không có căn cứ pháp lý (khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) để chỉ đạo EVN thực hiện. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện theo quy định”.

Như vậy, việc giải quyết các tồn tại vướng mắc đến nay vẫn chưa được thực hiện, thời gian kéo dài quá trong khi các cơ quan Bộ, ngành Trung ương chưa thể “chốt” phương án hỗ trợ cho người dân ở Nghệ An. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ các năm, các công trình khắc phục mưa lũ năm 2018 đang dở dang, nhà ở của người dân tại các khu tái định cư ngày càng hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Theo Ngọc Thái

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/nghe-an-nguoi-dan-tai-dinh-cu-thuy-dien-ban-ve-ngong-cho-ho-tro-237413.html