Nghệ An: Làm gì để khắc phục những “lỗ hổng” trong quản lý khoáng sản

Việc khắc phục những “lỗ hổng” trong công tác quản lý lĩnh vực khoáng sản đã được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đưa ra tại các diễn đàn. Nhưng, để có giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục vấn đề này đang là bài toán khá nan giải.

0

Tăng cường giám sát 

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác cấp phép, quản lý, khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi cho biết, ngày 05/9/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề và Kế hoạch số 190/KH-ĐGS giám sát về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Đoàn giám sát ngay sau đó đã vào cuộc, thực hiện việc giám sát tại một số sở, ngành cấp tỉnh, UBND huyện có liên quan và các xã, thị trấn trên địa bàn. Khảo sát, làm việc trực tiếp tại một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản.

Hoạt động giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân tỉnh tập trung vào những nội dung cơ bản gồm: Việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản; Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản; Tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về khoáng sản; Việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Như Khôi làm Trưởng đoàn làm việc với huyện Quỳ Hợp (Ảnh TL)

Theo nhận định, việc duy trì giám sát đối của Hội đồng Nhân dân tỉnh trong lĩnh vực khoáng sản tại một địa phương như tỉnh Nghệ An là hết sức cần thiết, được dư luận hết sức quan tâm. Vậy, Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào để khoa học và đạt được hiệu quả? Về nội dung này, ông Ngyễn Như Khôi cho rằng: Để thực hiện nhiệm vụ này một cách khoa học và đạt được hiệu quả, sau khi hoàn thành quá trình giám sát, Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó sẽ đánh giá những kết quả đạt được, nêu lên những hạn chế, bất cập và nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả chuyên đề giám sát; Tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan; Trách nhiệm thi hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết.

Cùng với đó, thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, trong đó có nội dung giám sát trong lĩnh vực khoáng sản như đã nêu.

Cụ thể, chậm nhất là ngày 30/3 và ngày 30/8 hằng năm, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ tổng hợp kết quả thực hiện nghị quyết giám sát của Hội đồng nhân dân. Trong đó làm rõ những nội dung chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu (nếu có) để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các Ban Hội đồng Nhân dân tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động thẩm tra các Báo cáo về kinh tế – xã hội nói chung và báo cáo chuyên đề về khoáng sản 6 tháng và hằng năm. Theo dõi, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua đó tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề nhằm tiếp tục phát hiện những “điểm nghẽn”, những vướng mắc, bất cập, hạn chế để đề xuất giải pháp khắc phục.

Cần sớm khắc phục những “lỗ hổng”

Trải qua một quá trình thực hiện giám sát lĩnh vực khoáng sản đang “gây nóng” tại địa phương, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã nhận thấy cần sớm đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục “lỗ hổng” này.

Để từng bước quản lý có hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động khoáng sản và cơ quan thuế phải nâng cao trách nhiệm của mỗi đơn vị trước, trong và sau quá trình khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, để có căn cứ thực hiện, UBND tỉnh cần rà soát lại, điều chỉnh Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp, sát với tình hình thực tế, quy định cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Cần bổ sung thẩm quyền của UBND cấp huyện, xã tại nơi có mỏ hoạt động. Bổ sung nội dung phối hợp liên ngành, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế. Đồng thời, phải rà soát, tổng hợp những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thực tế tại địa phương so với các quy định pháp luật hiện hành để có kiến nghị, đề xuất có văn bản hướng dẫn kịp thời từ các cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng đề án giám sát các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn để truyền số liệu từ các trạm cân, camera giám sát của các đơn vị khai thác khoáng sản về cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán, nguồn gốc xuất xứ, nhất là đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các công trình, dự án. Các Sở, ngành, địa phương cần thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, xây dựng, quy hoạch,… đến các doanh nghiệp. Thực hiện tái kiểm tra các doanh nghiệp đã được xử lý, theo dõi, rà soát việc khắc phục và chấp hành pháp luật sau thanh tra, kiểm tra.

Khoáng sản Nghệ An phong phú nhưng việc khai thác lại chưa tương xứng, còn bao bất cập

“Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện công tác giám sát là “đồng hành” cùng với UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành và các địa phương liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nói chung và quản lý khoáng sản nói riêng. Mục đích cuối cùng là qua các hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực Hội đồng Nhân dân và các Ban Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ kịp thời phát hiện, thu nhận những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ở trung ương và địa phương xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện đang còn bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước cũng như thực tế hoạt động khai thác khoáng sản trong việc thu, nộp, quản lý thuế. Đồng thời đề xuất các giải pháp để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong công tác thu, nộp, quản lý thuế. Đảm bảo hiệu quả, khoa học, đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, tăng thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”, – Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An nói.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu phục vụ cho các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm cũng như các công trình xây dựng nông thôn mới và dân sinh khác. Giải quyết việc làm cho hơn một vạn lao động. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản tăng đều hàng năm, như: năm 2016 thu hơn 519 tỷ đồng; năm 2017 thu 591,8 tỷ; năm 2018 thu 658,8 tỷ; năm 2019 thu 583 tỷ; năm 2020 thu 906,5 tỷ và năm 2021 thu trên 1.122 tỷ đồng…
Theo Hoàng Phạm

 

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-lam-gi-de-khac-phuc-nhung-lo-hong-trong-quan-ly-khoang-san.html