Nghệ An: Kinh doanh gặp khó, nhiều cửa hàng đóng cửa

Do kinh doanh gặp khó khăn, nhiều cửa hàng, ki ốt ở TP Vinh (Nghệ An) buộc phải đóng cửa hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.

0
Một cửa hàng ở đường Nguyễn Văn Cừ sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh.

Một cửa hàng ở đường Nguyễn Văn Cừ sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh.

Phố xá đìu hiu, hàng hóa ế ẩm

Vòng quanh một số tuyến đường trung tâm ở TP Vinh (Nghệ An) thời gian này, không khó để bắt gặp cảnh nhiều cửa hàng, ngôi nhà đóng cửa im lìm, bên ngoài treo biển sang nhượng hoặc cho thuê mặt bằng.

Là một trong những tuyến phố vốn sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất TP Vinh, sau khi được đầu tư hạ tầng, đường Nguyễn Văn Cừ trở thành khu vực “đất kim cương”. Có thời điểm giá đất ở đây lên tới 100 – 200 triệu đồng/m2.

Chính vì thế, giá mặt bằng cho thuê ở đây cũng cao hơn so với mặt bằng chung của thành phố. Hầu hết các gia đình cho thuê nhà với giá hàng chục triệu đồng/tháng tùy vào diện tích hoặc thuê nguyên căn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh ế ẩm, nhiều người thuê trả lại ki ốt, giá cho thuê cũng giảm xuống.

Có nhiều năm kinh doanh mỹ phẩm trên đường Nguyễn Văn Cừ, chị Nguyễn Thị Hà (trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh) cho biết, giá cho thuê ki ốt dọc tuyến phố này dao động từ 10 – 50 triệu đồng/tháng.

Trong khi các cửa hàng khoảng 50 – 100m2 có giá khoảng 10 triệu đồng/tháng thì những căn nhà 2 – 3 tầng có giá thuê lên đến 30 – 50 triệu đồng/tháng, tùy diện tích.

Theo chị Hà, từ năm ngoái đến nay, lượng khách đến cửa hàng mua sắm giảm thấy rõ qua từng tháng. Trước đây, mỗi tháng cửa hàng mỹ phẩm vẫn duy trì được mức lợi nhuận khoảng 20 – 30 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm nay doanh thu càng ngày càng giảm dần, trong khi phải gánh đủ chi phí như: Mặt bằng, vận hành, nhân viên, điện nước, các loại thuế…

Chị Hà cho biết, cửa hàng chị đang thuê có diện tích gần 100m2 với giá 15 triệu đồng/tháng. Nếu sắp tới tình hình kinh doanh không cải thiện, chị sẽ phải suy nghĩ đến phương án sang nhượng cửa hàng hoặc trả lại mặt bằng.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, không chỉ đường Nguyễn Văn Cừ, mà nhiều mặt bằng tại các tuyến phố lớn ở trung tâm TP Vinh như: Đường Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Nin… cũng đóng cửa, trở nên vắng lặng.

Vào giờ cao điểm nhưng rất ít khách hàng ghé các ki ốt mua hàng hay yêu cầu dịch vụ. Số lượng xe máy, ô tô đậu trước các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thưa thớt, lác đác.

Đang rao cho thuê mặt bằng rộng 90m2 trên đường Lê Hồng Phong, chị Nguyễn Ngọc Tú (trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh) cho biết, trước đây chị và bạn chung vốn kinh doanh shop thời trang. Sau vài năm đầu làm ăn khấm khá thì năm 2020 gặp phải dịch Covid-19 nên cửa hàng phải đóng cửa trong thời gian dài.

Sau khi hết dịch, chị kinh doanh trở lại, nhưng 2 năm trở lại đây lượng khách mua ít hẳn. Trong khi đó, chi phí mặt bằng, thuê nhân công đắt nên việc kinh doanh thua lỗ. Vì không còn vốn duy trì nên chị Tú quyết định sang nhượng mặt bằng kèm đồ đạc bên trong.

Theo chị Tú, ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, khách hàng mua sắm nhiều hơn qua mạng, trên các trang mua bán trực tuyến như Tiki, Shopee, Lazada, TikTok… Chính vì thế mà các cửa hàng truyền thống dần bị mất khách và trở nên ế ẩm.

“Hàng hóa trên mạng cực kỳ phong phú, giá rất rẻ do không có chi phí mặt bằng, có thể đổi trả hàng. Ngoài ra, khách cũng có thể lựa chọn, đắn đo thoải mái, giao hàng tận nhà cho nên nhiều người ưa thích”, chị Tú nhận định.

Người phụ nữ này cũng cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ cố gắng tham gia một lớp đào tạo bán hàng qua mạng để bắt kịp với xu thế, cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh sau khi nhượng lại ki ốt.

Tuyến phố Nguyễn Văn Cừ vốn sầm uất nay vắng khách đến mua hàng.

Tuyến phố Nguyễn Văn Cừ vốn sầm uất nay vắng khách đến mua hàng.

Thích nghi để vượt qua khó khăn

Chợ Vinh là chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An với tuổi đời gần 300 năm. Chợ gồm khu đình chính 3 tầng và khu chợ tạm bán bánh kẹo, sản phẩm cơ khí, rau củ. Tầng 1 có diện tích hơn 8.000m2, bố trí 692 gian hàng kinh doanh vải, tạp hóa, văn phòng phẩm… Tầng 2 diện tích hơn 7.500m2, có 676 gian hàng, chủ yếu kinh doanh đồ may mặc sẵn. Tầng 3 là khu văn phòng cho thuê.

Thời điểm mới xây dựng, đây là trung tâm mua bán hiện đại, sầm uất và lớn nhất tỉnh Nghệ An. Trước đây, lượng khách đến đây mua sắm nhộn nhịp, ken đặc các lối đi.

Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây theo quan sát, nhiều ki ốt ở tầng 2 đóng cửa im ỉm. Các tiểu thương cho biết, một số đang chuẩn bị bán ki ốt để chuyển công việc khác, một số do lượng bán ra không đáng kể nên không mở cửa. Các mặt hàng tiêu thụ chậm khiến nhiều tiểu thương cắt giảm nhân công.

Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng ban quản lý chợ Vinh cho biết, sau dịch Covid-19 đến nay, có khoảng 15% ki ốt tại đây ngừng hoạt động. Thời gian vừa qua, hoạt động mua bán ở chợ Vinh có sự phục hồi, nhưng chưa được như kỳ vọng.

Chị Lê Hồng Hoa, nhân viên một công ty môi giới mặt bằng kinh doanh chia sẻ, trước đây các ki ốt kinh doanh ở các mặt đường lớn có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc kinh doanh trở nên khó khăn do giá cả thuê mặt bằng cao, chật chội, thiếu chỗ đậu xe. Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến và có độ tin cậy nên khách hàng càng ít đến mua trực tiếp.

Chi phí mặt bằng tăng cao, trong khi sức mua giảm khiến nhiều cửa hàng ế ẩm.

Chi phí mặt bằng tăng cao, trong khi sức mua giảm khiến nhiều cửa hàng ế ẩm.

Theo chị Hoa, đây là một xu hướng tất yếu, buộc các chủ cơ sở kinh doanh phải thay đổi để đáp ứng xu hướng mua sắm mới của khách hàng, đồng thời giải phóng tình trạng ách tắc, lộn xộn do việc kinh doanh ở các ki ốt mặt tiền gây ra.

Ông Hà Phạm Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng, ki ốt phải sang nhượng, đóng cửa như: Ảnh hưởng sau đợt dịch Covid-19; tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trong nước dẫn đến thu nhập, sức mua của người dân kém đi.

Tuy nhiên, theo ông Hóa, hiện cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ có các chính sách vĩ mô nhằm phục hồi, phát triển nền kinh tế, chứ chưa có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ loại hình kinh doanh này.