Nghệ An khuyến cáo người dân thận trọng với thực phẩm “bẩn”
Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng gia tăng. Chính bởi vậy, các đối tượng đã lợi dụng cơ hội này để tuồn thực phẩm “bẩn” vào thị trường nhằm kiếm lời bất chính…
Nắm bắt trước tình hình, trong suốt thời gian qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã liên tục phát ra những khuyến cáo tới người tiêu dùng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, kiểm tra, kiểm soát toàn diện; qua đó đã phần nào giảm thiểu được mối nguy hại này.
Phát hiện nhiều vi phạm
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Nghệ An về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong tháng 1/2024, toàn tỉnh xảy ra 218 vụ phạm pháp kinh tế, tăng 140 vụ, gấp 2,8 lần so với tháng trước. Số tang vật bị thu giữ, bao gồm: Hơn 19.000 gói kẹo, 2.539 bao thuốc lá, 738 hộp bánh, 67 kg xúc xích, 190 gói chân gà, và đặc biệt là gần 5.000 hàng hóa là thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc và hơn 1.600 sản phẩm tiêu dùng khác…
Những số liệu nêu trên đã phản ánh rõ nét sự quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng thực phẩm “bẩn” trà trộn vào thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Điển hình như vụ vi phạm xảy ra vào ngày 9/1 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo đó, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp cùng lực lượng công an, y tế đã kịp thời phát hiện chiếc xe ô tô tải mang BKS 36C-092.58 đang vận chuyển 70kg chân gà rút xương đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn.
Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện, đồng thời buộc tiêu hủy số thực phẩm “bẩn” nói trên đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có một thực tế đáng lo ngại hiện nay, đó là vấn đề ngộ độc thực phẩm tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2024. Cụ thể, theo số liệu thống kê, tính riêng trong tháng 1/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 125 vụ ngộ độc, tăng 6 vụ so với tháng trước và tăng 28 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, số vụ ngộ độc thức ăn là 120 vụ, tăng 27 vụ so với cùng kỳ.
Ông Phạm Ngọc Quy – Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An khuyến cáo, mọi người dân cần tuân thủ tuyệt đối 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu chín kỹ thức ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Số người ngộ độc thức ăn là 135 người, tăng 31 người so với cùng kỳ năm ngoái; xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh như: TP Vinh 55 người, Hưng Nguyên 12 người, Kỳ Sơn 12 người và Quế Phong 13 người…
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Quy – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An từng đưa ra những khuyến cáo đến người tiêu dùng trước đó và nhận định: Tết và mùa lễ hội chính là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến và kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính thời điểm này, các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì lợi nhuận, các đối tượng đã đưa vào thị trường các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; bán thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, một số người tiêu dùng trên địa bàn vẫn chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nên vẫn còn mua, sử dụng những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát
Cùng chung nhận định vấn nạn trên sẽ nở rộ dịp Tết và mùa lễ hội, một đại diện lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Nghệ cho biết: Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã lén lút đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng để bán kiếm lời, bất chấp hậu quả xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Do vậy, nhằm đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang cận kề, lực lượng QLTT và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã và đang tăng cường triển khai công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm.
Đại diện Cục QLTT tỉnh Nghệ An thông tin thêm, so với những năm trước, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nắm bắt được Luật an toàn thực phẩm, thể hiện qua việc các cơ sở tuân thủ quy định mua bán các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ liên quan, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm khang trang…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình vi phạm, chưa tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, cơ sở chế biến tồi tàn, không đảm bảo vệ sinh.
Các lỗi vi phạm chủ yếu phát hiện trong qua trình kiểm tra như cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đã hết hạn. Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn. Người trực tiếp chế biến thức ăn không có trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm…
Qua tìm hiểu được biết, để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, ngày 2/1/2024, UBND Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về việc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bản tỉnh Nghệ An.
Tiếp đó, ngày 4/1/2024, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ký, ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 trên địa bàn.
Trong đó, nêu rõ mục tiêu chung là đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2024.