Nghệ An: Hút FDI hàng đầu nhưng thu ngân sách lại đạt kết quả thấp

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã lọt vào tốp 6 tỉnh có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước, tăng 2 bậc so với đầu năm 2023 nhưng thu ngân sách lại đạt kết quả thấp.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ A, trong vòng 10 tháng năm 2023, Nghệ An cán mốc thu hút đầu tư FDI được 1,272 tỷ USD. Trong đó có 14 dự án cấp mới với 1,015 tỷ USD và 7 dự án điều chỉnh tăng quy mô, với số vốn 256,79 triệu USD.

Lũy kế vốn trước đến nay, Nghệ An thu hút được 145 dự án FDI, với tổng số vốn là 3,874 tỉ USD. Nhờ sự chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng và môi trường đầu tư thông thoáng, Nghệ An đã trở thành địa chỉ lựa chọn của các nhà đầu tư FDI lớn, các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Luxshare-ICT; Goertek Vina; Everwin Precision Việt Nam, Foxconn- đối tác hàng đầu của Apple, Tập đoàn Ju Teng.

Bình quân mỗi dự án từ 100 đến 200 triệu USD và có một số dự án mở rộng giai đoạn 2, lên tới 500 triệu USD. Cùng thu hút được các Tập đoàn lớn, thông qua kết nối, đã có doanh nghiệp phụ trợ, vệ tinh là đối tác đi kèm tạo thành hệ sinh thái, chuỗi cung ứng cho nhau.

Dù kết quả thu hút đầu tư là rất ấn tượng nhưng kết quả thu ngân sách của Nghệ An lại không đạt như kỳ vọng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của Nghệ An ước tính 13.034 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán và bằng 70,9 % so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu nội địa ước thực hiện 12.131 tỷ đồng.

Lãnh đạo Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư FDI

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước trong 10 tháng chưa đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Hầu hết các khoản thu chính của tỉnh Nghệ An đều đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 12.131 tỷ đồng, đạt 83,17% dự toán và bằng 70,48% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Trung ương 449,2 tỷ đồng, đạt 77,45% dự toán; thu từ khu vực công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh là 4.405,2 tỷ đồng, đạt 84,44% dự toán và bằng 99,06% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp nợ thuế…Các dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhưng nộp ngân sách không nhiều.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản hạ nhiệt cùng là một nguyên nhân khiến cho ngân sách tỉnh thu được đạt kết quả thấp.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, việc thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Nghệ An thu ngân sách đạt thấp. Các cơ quan thuế, hải quan đã và đang triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trước thực tế nói trên, tỉnh Nghệ An quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho năm tài chính 2023.

Tác giả: Phan Huy

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn