Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công

Tổng vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An đến ngày 20/9 đã giải ngân hơn 4.979 tỷ đồng, đạt 47,04% kế hoạch.

Theo báo cáo của ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An phiên họp thường kỳ tháng 9/2023 của UBND tỉnh Nghệ An, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 là 7.134,628 tỷ đồng; trong đó kế hoạch năm 2023 là 5.583,8 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 kéo dài là 1.550,828 tỷ đồng; đến nay đã cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết đến từng đơn vị để triển khai thực hiện.

Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An đã giải ngân hơn 4.979 tỷ đồng, đạt 47,04% kế hoạch, trong đó nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 2.982 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch. Toàn tỉnh có 41 đơn vị giải ngân trên mức bình quân của tỉnh, trong đó có 30 đơn vị giải ngân trên 50%; 29 đơn vị đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh. Sau hội nghị giao ban toàn tỉnh, có 18 đơn vị đã giải ngân tăng thêm trên 10%; 22 cơ quan, đơn vị không có chuyển biến.

Nghệ An tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh P.B.

Hiện tại, có 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân, gồm: Sở Y tế, Trường Cao đẳng Việt – Đức, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Trường THPT Mường Quạ.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 75,17%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 2,13%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 18,93%. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đạt 18,41%.

Tính theo dự án, có 80/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 34 dự án chưa giải ngân. 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới giải ngân 137,675 tỷ đồng, đạt 18,41%. Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 – Km76 giải ngân đạt 68,29%; Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) giải ngân đạt 3,73%.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu và so với cùng kỳ năm 2022. Tiến độ một số dự án công nghiệp trọng điểm chậm đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.

Ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: P.B

Theo ông Phạm Hồng Quang ngoài nguyên nhân khách quan, về nguyên nhân chủ quan là do năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng.

Năng lực chuyên môn của một số Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục còn chậm. Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ.

Mặt khác, cấp uỷ, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thái độ, tinh thần làm việc của một số cán bộ làm công tác đầu tư công chưa cao, số lượng nhân lực còn hạn chế.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành ngay các văn bản để chỉ đạo triển khai giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; Thành lập các Tổ công tác về đầu tư công để trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư có tiến độ giải ngân chậm.

Tỉnh đã thực hiện thông báo kết quả giải ngân tới từng Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện 10 ngày 1 lần; đồng thời các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung cả tỉnh 10 ngày/1 lần báo cáo tiến độ thực hiện và kế hoạch triển khai của 10 ngày tiếp theo. Thường xuyên rà soát, điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm.

Tác giả: Hà Thị Hằng

Nguồn: nguoiduatin.vn