Nghệ An: Có hay không sử dụng chữ ký người bị tâm thần vào hồ sơ cấp đất?

Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được phản ánh của ông Nguyễn Hữu Giáp ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An về tranh chấp đất đai với gia đình ông Nguyễn Hữu Trang trú cùng địa phương này.

0

Đây là vụ án tranh chấp đất rừng xảy ra từ năm 2006 và đã được Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm nhưng bản án này đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên huỷ. Đến nay, đã gần 3 năm vụ việc này vẫn chưa ngã ngũ.

“Nâng đỡ” người bị tâm thần ký hồ sơ đất đai?

Theo trình bày của ông Giáp, năm 1994, ông vào khu vực rừng Đá Dựng, thuộc xã Thanh Thủy khai hoang để làm trang trại. Năm 1998, ông được UBND xã Thanh Thuỷ xét cấp cho hai vợ chồng diện tích 20ha, có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Võ Văn Thịnh.

Năm 2006, xã Thanh Thủy thông báo cấp đổi sổ lâm bạ thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Đến ngày 26/5/2006, UBND huyện Thanh Chương cấp 2 sổ đỏ ở thửa 114 và thửa 212, thuộc tờ bản đồ số 2, tại khu vực Đá Dựng, có tổng diện tích 7,7 ha, thời hạn sử dụng đến năm 2048. Thấy diện tích được giao ban đầu là 20ha nhưng khi cấp sổ đỏ thì chưa đầy 8ha, ông Giáp đã làm đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền.

Cùng ngày 26/5/2006, ông Nguyễn Hữu Trang cũng được UBND huyện Thanh Chương cấp thửa đất lâm nghiệp số 120, tờ bản đồ số 2 tại khu vực Tròi, xã Thanh Thủy, diện tích hơn 8,2ha, mục đích rừng sản xuất. Cho rằng, quá trình trồng rừng, ông Nguyễn Hữu Giáp đã có hành vi lấn chiếm diện tích rừng của mình nên ông Trang đã làm đơn khởi kiện ông Giáp ra tòa án.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 21/11/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử sơ thẩm vụ án thụ lý số 20/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 về tranh chấp đất đai. Tại đây, Toà đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Trang, buộc ông Giáp có trách nhiệm trả lại cho ông Trang diện tích trên 7,7ha đất rừng đã lấn chiếm, thuộc thửa đất số 120, tờ bản đồ số 2, tại khu vực Tròi, xã Thanh Thủy, trị giá hơn 232 triệu đồng.

Bản án còn yêu cầu ông Giáp tháo dỡ và di chuyển một ngôi nhà và chuồng chăn nuôi mà theo phán xét của tòa án là do ông Giáp xây trên phần đất lấn chiếm; yêu cầu ông Giáp thu hoạch các loại cây trồng trị giá khoảng 500 triệu đồng. Toà còn bác đề nghị của ông Giáp về việc yêu cầu hủy sổ đỏ mà UBND huyện Thanh Chương đã cấp cho ông Trang.

Nguyễn Hữu Giáp đã nhiều năm nay khiếu kiện để đòi lại đất rừng nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách kịp thời và thấu tình, đạt lý

Ông Nguyễn Hữu Giáp bức xúc: “Diện tích tranh chấp nằm hoàn toàn trong diện tích 20ha mà ông được xã cấp. Ngoài ra, hồ sơ cấp đất cho ông Trang có thể hiện chữ ký hộ liền kề là bà Lê Thị Thìn, vợ của tôi. Trong khi đó, vợ tôi bị bệnh tâm thần từ năm 1990. Hiện nay, hàng tháng vẫn phải dùng thuốc và điều trị nên không thể ký vào hồ sơ.

Mặt khác trong thông báo Kết luận giám định số 646 ngày 8/11/2019 của Công an huyện Thanh Chương cũng xác nhận, chữ viết “Thìn” trên biên bản xác định ranh giới thửa đất so với chữ viết của Lê Thị Thìn trên các tài liệu mẫu so sánh không phải do một người viết ra. Do đó, thủ tục cấp sổ đỏ ngày 26/5/2006 cho ông Trang là chưa đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đất của tôi cũng không tiếp giáp với đất ông Trang nên từ tháng 1/2007, tôi đã gửi đơn đến UBND huyện Thanh Chương, khiếu nại về việc chính quyền cắt 8ha đất lâm nghiệp của ông để giao cho ông Trang nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, tại báo cáo giải quyết đơn thư công dân Số 93/BC-UBND ngày 26/8/2019 của UBND xã Thanh Thuỷ thì lại ghi “…hộ ông Nguyễn Hữu Giáp diện tích theo sổ là 20ha; diện tích theo bìa là  7,8ha”.

Ông Giáp còn cho biết, hồ sơ cấp sổ đỏ của ông Trang không có xác nhận ý kiến của Phòng TN&MT huyện Thanh Chương, không có ý kiến của người thẩm tra hồ sơ cũng như ý kiến của Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhưng huyện Thanh Chương vẫn cấp sổ đỏ cho ông này.

Ngoài ra, ông Giáp còn cho rằng, mặc dù ông và ông Trang đều cung cấp sổ hồ sơ giao đất lâm nghiệp do UBND huyện Thanh Chương ký quyết định giao vào ngày 15/10/1998, song, hai bộ hồ sơ này khác nhau về mặt hình thức, nhưng TAND tỉnh Nghệ An không tiến hành xác minh loại sổ nào là thật được sử dụng vào thời điểm năm 1998. Hiện, diện tích tranh chấp này, hộ ông Nguyễn Hữu Trang đã chuyển nhượng cho người khác sử dụng.

Ông Giáp đưa chúng tôi đi xem thực địa khu vực rừng bị tranh chấp và chỉ rõ, địa danh Tròi và Đá Dựng nằm là 2 vị trí hoàn toàn khác nhau. Theo Quốc  lộ 46B, nếu đi từ ngã ba Thanh Thủy ngược lên cửa khẩu Thanh Thuỷ thì địa danh Tròi nằm bên phía tay trái, còn Đá Dựng nằm bên tay phải. Thửa đất số 120 đang tranh chấp nằm ở khu vực Đá Dựng chứ không phải Tròi. Hai thửa đất số 121, 114 mà ông Giáp đã được cấp sổ đỏ thuộc khu vực Đá Dựng.

Nhiều chứng cứ, tài liệu bị bỏ qua

Không chấp nhận bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An, ông Giáp đã kháng cáo toàn bộ bản án lên TAND cấp cao tại Hà Nội. Ngày 14/11/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử công khai và đã chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn là ông Nguyễn Hữu Giáp.

TAND cấp cao tại Hà Nội còn nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ tính xác thực, ý nghĩa của tài liệu, sổ quản lý việc giao đất cũng như quá trình sử dụng đất của các hộ từ 1994 đến 2001 cho các hộ dân; quá trình sử dụng đất của ông Giáp tại thửa số 120 có trước thời điểm năm 1998.

Tòa cấp sơ thẩm không thu thập ý kiến của ông Võ Văn Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch xã và ông Nguyễn Dương Công, nguyên Chủ tịch xã để làm rõ thời điểm năm 1998-1999 hộ ông Trang, ông Giáp có sử dụng đất liền kề hay không? Thực tế quản lý và sử dụng thửa 120 từ năm 1998 đến 2006 như thế nào.

Khu vực ông Giáp làm chuồng trại và trồng cây mà theo phán xét của toà án cấp sơ thẩm là do ông Giáp xây trên phần đất lấn chiếm

Ngoài ra, Toà cấp sơ thẩm cũng không tiến hành lấy ý kiến của các hộ liền kề tiếp giáp với hộ ông Trang, ông Giáp, cũng như không giám định chữ ký của bà Thìn theo yêu cầu của bị đơn và thu thập kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện Thanh Chương. Mặt khác, Toà cấp sơ thẩm cũng không thu thập các chứng cứ như: sổ đỏ và ý kiến chủ hộ các thửa tiếp giáp tứ cận thửa số 120, ý kiến của xã Thanh Thủy và của UBND huyện Thanh Chương về mốc giới giữa khu vực Đá Dựng và khu vực Tròi, quá trình quản lý và sử dụng thửa đất số 120 của hộ ông Trang từ trước đến nay…

Toà cấp cao còn khẳng định, theo tài liệu của hồ sơ vụ án này về thủ tục, trình tự, đối tượng được cấp sổ đỏ thửa 120 của cơ quan có thẩm quyền là chưa đủ cơ sở vững chắc đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội đã hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 và chuyên hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Nghệ An để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tuy nhiên, đến nay, vụ án này vẫn chưa được xét xử lại. Kéo theo đó, quyền lợi chính đáng của người dân cũng bị cấp có thẩm quyền tỉnh Nghệ An “treo” suốt nhiều năm qua khiến họ không thể yên tâm sản xuất, tạo kế sinh nhai ngay chính trên mảnh đất của mình đã dày công khai phá.

Theo Cao Sơn/DĐDN

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/nghe-an-co-hay-khong-su-dung-chu-ky-nguoi-bi-tam-than-vao-ho-so-cap-dat-224898.html