Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc

Thời gian qua, trên bờ kênh Vách Bắc lại tái xuất hiện bãi rác tự phát lớn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị trên tuyến giao thông huyết mạch đi từ QL1A đến địa bàn các xã phía Đông Bắc của huyện Yên Thành (Nghệ An).

Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, bãi rác nằm ngay trên bờ kênh Vách Bắc thuộc địa bàn xã Thọ Thành quản lý tiếp giáp với xóm Dạ Sơn, xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Bãi rác luôn trong tình trạng ùn ứ với đủ các loại rác thải như rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, kính vỡ, chai lọ tủy tinh… chất đống nhiều tháng mà không được chuyển đi để xử lý, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài mà cơ quan có thẩm quyền và chính quyền sở tại chưa xử lý được.

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 1
Bãi rác tự phát chất đống, ùn ứ gây ô nhiễm môi trường ngay trên bờ kênh Vách Bắc giáp ranh giữa xã Thọ Thành và Đô Thành. Ảnh: Nguyễn Công.

Một số người dân tham gia giao thông qua khu vực này cho biết: “Khi đi qua đây chúng tôi phải nín thở vì mùi hôi thối và mùi khét của khói do người dân đốt rác. Điểm tập kết rác này xuất hiện cả mấy năm nay rồi, cứ vào buổi tối một số người lại dùng xe kéo đưa rác từ khu dân cư ra đây đổ khiến bãi rác ngày càng ùn ứ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thậm chí các xưởng làm nhôm kính còn kéo cả xe ra đổ chất đống lâu ngày vẫn không thấy công ty môi trường bốc đi, gây nguy hiểm cho người dân và gia súc nếu đi vào khu vực này”.

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 2
Kính vỡ được vứt lẫn lộn trong rác sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Công.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Võ Thành Đông, Chủ tịch UBND xã Thọ Thành cho biết: “Bãi rác đó thuộc địa phận xã Thọ Thành quản lý, giáp ranh với xóm Dạ Sơn xã Đô Thành. Trước đây Công ty CP Dịch vụ Môi trường Yên Thành mượn để làm bãi tập kết tạm, sau khi Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường có bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nên xã đã bảo công ty môi trường dọn sạch và không cho tập kết tại đây nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số người dân thuộc xã Đô Thành không đóng phí môi trường lại mang rác ra đây đổ trộm mà không được chuyển đi nên đống rác ngày càng lớn. Địa phương cũng đã đặt vấn đề phối hợp với xã Đô Thành can thiệp mà chưa làm được”.

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 3
Biển “Cấm đổ rác” bị bẻ đi chữ cấm chỉ để lại hai chữ “Đổ rác”. Ảnh Nguyễn Công.

Trước đó, ngày 28/2/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có bài phản ánh “Nghệ An: Bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc” phản ánh việc trên bờ kênh Vách Bắc xuất hiện một bãi rác tự phát lớn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, đây là tuyến giao thông huyết mạch đi từ QL1A đến địa bàn các xã phía Đông Bắc của huyện Yên Thành (Nghệ An).

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 4
Hàng trăm chai bia bằng thủy thinh được người dân đổ lẫn trong rác sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Công.

Việc đổ rác bừa bãi gây ra ảnh hưởng vô cùng xấu đến môi trường. Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí…Không những thế, nó còn gây mất mỹ quan đô thị, thôn xóm.  Hành vi xả rác bừa bãi còn là nguyên nhân gây nên nhiều mầm mống bệnh tật. Trong những năm qua, các bệnh viện nước ta đã phải tiếp nhận biết bao trường hợp bệnh nhân bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp do rác thải gây nên. Việc xả rác bừa bãi cần lên án và có chế tài xử phạt nghiêm minh.

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 5
Rác thải chất thành đống tràn ra tận lòng đường, gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Công.

Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường của toàn xã hội nói chung, chính quyền xã Thọ Thành và xã Đô Thành, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Thành cần sớm có biện pháp, phương án xử lý. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm, công tác bảo vệ môi trường cho người dân cũng hết sức quan trọng để công tác bảo vệ, gìn giữ môi trường của người dân ngày được nâng cao, trách nhiệm.

Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 6
Tủ gỗ ép được người dân vứt ở mép bờ kênh. Ảnh: Nguyễn Công.
Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 7
Lông lợn với số lượng lớn được người dân đem đến đổ ngay trên lòng đường. Ảnh: Nguyễn Công.
Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 8
Nhiều tấm nệm được vứt tại bãi rác tự phát. Ảnh: Nguyễn Công.
Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 9
Ruồi bu đầy ngoài bì rác. Ảnh: Nguyễn Công.
Nghệ An: Cận cảnh tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên bờ kênh Vách Bắc - Ảnh 10
Bao tải rác khối lượng lớn được vứt ngay dưới biển cấm đổ rác. Ảnh: Nguyễn Công. 

Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng,

b) Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này.

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn: kinhtemoitruong.vn