Ngân hàng ‘bốc thuốc’ gì, chữa bệnh thừa tiền thế nào?

Sau hơn một tháng triển khai chương trình vay vốn ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, nhiều ngân hàng cho biết đang tăng tốc giải ngân để giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng.

0

Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực về cho vay trả nợ các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất còn 5,6%/năm, thời gian vay lên tới 30 năm.

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất thấp cho khách hàng vay trả nợ ngân hàng khác (ảnh: Như Ý).

Cụ thể, Vietinbank đưa lãi suất cho vay khách hàng cá nhân còn chỉ từ 5,6% với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Vietcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.

Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

MB cho biết, đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

Agribank đưa ra 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Anh Minh Đức (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi được giải ngân 1,5 tỷ đồng cho khoản vay bất động sản để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất 5,6%/năm tại nhóm ngân hàng nhà nước trong năm đầu. Năm thứ 2 trở đi khoảng 9- 10%/năm. Trước đó, tôi phải trả lãi lên tới 14,5%, thậm chí có thời gian tôi phải trả lãi lên tới 15,6%/năm. Thủ tục cho vay đơn giản, ngân hàng thẩm định lại từ đầu. Dù tôi phải chịu lãi phạt ngân hàng trước nhưng tính tổng thể lãi suất vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất vay trước”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng MB cho biết ngân hàng đang có nhiều chương trình áp dụng gói lãi suất cho vay dưới 10%/năm cho khách hàng. Khách hàng lâu năm có thể vay lãi suất ưu đãi hơn, 7-8,2%/năm. Đây là mức giảm tương đối mạnh so với đầu năm, tạo điều kiện cho khách hàng có lãi suất ổn định, ngân hàng chi phí tài chính tốt hơn.

“Thông tư 06 cho vay trả nợ ngân hàng khác là giúp các ngân hàng cạnh tranh đưa lãi suất thấp cho khách hàng. Khách hàng chỉ mất chi phí định giá lại tài sản, nhưng hệ sinh thái của MB có công ty định giá, xác định khoản vay, đưa ra gói phí phù hợp, giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn, với chi phí hợp lý. Chi nhánh MB chúng tôi đã tái tài trợ hơn 200 tỷ đồng cho khách hàng”, vị này nói.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấytín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế.

Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng nhà nước (6,1-6,2%).

Trước đó, cơ quan quản lý từng cho biết đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn: tienphong.vn