Nga – Trung thắt chặt hợp tác trong thời đại mới

Tháng trước Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Trung Quốc mang theo lời cảnh báo Bắc Kinh về chuyện ủng hộ Nga. Và ngày 16-5, Tổng thống Putin đã có mặt tại Bắc Kinh.

0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi các văn kiện trong lễ ký kết sau hội đàm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16-5  - Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi các văn kiện trong lễ ký kết sau hội đàm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16-5 – Ảnh: AFP

Chưa bàn tới nội dung các cuộc trao đổi giữa hai bên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nga

 chọn Trung Quốc là điểm đến thăm cấp nhà nước đầu tiên chỉ 10 ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới đã cho thấy Matxcơva coi trọng việc tăng cường quan hệ với Bắc Kinh ra sao.

Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức long trọng lễ đón ông Putin tại Bắc Kinh ngày 16-5 với thảm đỏ và 21 phát đại bác.

“Cột mốc quan trọng”

Chuyến thăm hai ngày của ông Putin diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Tập gọi đây là “cột mốc quan trọng” trong lịch sử quan hệ Trung – Nga, và tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng luôn là láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt, tin cậy lẫn nhau với Nga”.

“Với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Trung – Nga đã và đang phát triển ổn định. Hai nước tăng cường phối hợp chiến lược toàn diện và hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực khác”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.

Trong cuộc gặp, ông Tập còn nói với ông Putin rằng quan hệ Trung – Nga “có lợi cho hòa bình” và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nga để “bảo vệ chính nghĩa, sự công bằng trên thế giới”.

Trong khi đó, ông Putin ca ngợi mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và đánh giá quan hệ đối tác Nga – Trung là “một trong những yếu tố mang lại ổn định chính trên trường quốc tế”.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Putin: “Điều quan trọng là mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không mang tính cơ hội và không nhắm vào bất kỳ ai”.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng công bố “Tuyên bố chung giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga về tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”.

Họ cùng chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác song phương về kinh tế và thương mại, bảo vệ thiên nhiên, truyền thông và các lĩnh vực khác.

Chú trọng kinh tế

Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2-2022, khi ông Putin đến thăm Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trước chuyến thăm này, ông Putin đã tìm cách mô tả Nga và Trung Quốc đoàn kết trong mục tiêu tạo ra một “thế giới đa cực”, khen ngợi kế hoạch hòa bình ở Ukraine của Bắc Kinh và ám chỉ vai trò có thể có của Trung Quốc trong việc làm trung gian để đạt được hòa bình với Kiev.

Đi cùng ông Putin vào cuộc hội đàm ở Bắc Kinh là một phái đoàn đầy quyền lực của Nga, trong đó có tân Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov và Thư ký Hội đồng an ninh Sergei Shoigu.

Các cuộc thảo luận được cho là tập trung đáng kể vào hợp tác quốc phòng giữa hai nước, khi mà một số chuyên gia nhận định ông Putin muốn tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa của Trung Quốc cho cuộc chiến tại Ukraine.

Bên cạnh đó, đối diện với các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng ông Putin cũng sẽ thảo luận cách đối phó các lệnh trừng phạt này trong chuyến thăm, cũng là cuộc gặp lần thứ 43 giữa hai nhà lãnh đạo.

Phái đoàn Nga gồm các quan chức kinh tế hàng đầu, trong đó có Thống đốc Ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov…

Ngoài ra có một số nhân vật cấp cao từ ngành năng lượng Nga, tín hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong tư cách là khách hàng của dầu mỏ Nga.

Tuy nhiên, sự vắng mặt dễ thấy của ông Alexei Miller, giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom, cho thấy vẫn còn những hạn chế trong việc Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác kinh tế.

Các cuộc đàm phán về Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) – đường ống mà Nga hy vọng sẽ thay thế lượng khí đốt xuất sang châu Âu – đã bị trì hoãn trong bối cảnh Matxcơva và Bắc Kinh bất đồng về các chi tiết quan trọng.

Đối với Bắc Kinh, báo Financial Times (Anh) nhận thấy một điều đáng chú ý: các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít phát biểu công khai chính thức về chuyến thăm của ông Putin.

Theo giới phân tích hiện trong lúc tăng cường quan hệ với Matxcơva, Bắc Kinh cũng phải cố gắng giảm nhẹ căng thẳng với các đối tác thương mại quan trọng ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Phương Tây đang theo dõi chặt quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc trong những tháng gần đây. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, thương mại Trung – Nga đã bùng nổ kể từ sau xung đột Nga – Ukraine và đạt 240 tỉ USD vào năm 2023.

Nhưng sau khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt các tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho Nga, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Quan hệ hiếm có

Với các phát biểu của ông Tập trong cuộc gặp ông Putin, Reuters nhận định Bắc Kinh phát đi tín hiệu họ sẽ chống lại áp lực của phương Tây, bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Trung Quốc vào tháng trước để cố gắng thuyết phục Bắc Kinh giảm hợp tác với Matxcơva. Theo Đài CGTN, ông Tập nhận định mối quan hệ Trung – Nga hiện nay “khó khăn lắm mới có được” và hai bên cần trân trọng, nuôi dưỡng quan hệ đó.

Tác giả: Bình An

Nguồn: Tuoitre.vn