Nắng nóng khắc nghiệt, nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng, lo tiết kiệm nước
Do hiện tượng thời tiết El Nino khiến lượng mưa thấp nên nhiều hồ thủy điện đang phải phải hoạt động cầm chừng để tích nước, phục vụ cao điểm mùa khô.
Thông tin với VTC News, ông Hồ Trung Đông, Giám đốc Công ty thủy điện Sê San (Gia Lai) cho biết, dự báo tổng thể năm nay là hạn hán, lượng nước về thấp hơn mọi năm. Do vậy, ngành điện tiếp tục chỉ đạo, các nhà máy thủy điện phải giữ được mực nước lớn nhất, phục vụ cho cao điểm phát điện những ngày hè.
“Hiện nay chúng tôi đang giảm công suất phát điện để tích nước, giữ nước. Thủy điện Sê San chỉ chạy hết công suất 3 tiếng vào khung giờ cao điểm 17 – 20h với tổng lượng phát 360MW. Vào thời điểm ban ngày, chúng tôi phải tạm dừng phát điện để trữ nước phục vụ cho dài hạn của năm 2024”, ông Đông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Thác Bà (Yên Bái) cũng cho biết, lưu lượng nước về hồ Thác Bà năm nay thấp hơn những năm trước. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhà máy đang hoạt động cầm chừng bằng cách các tổ máy thay phiên nhau phát điện.
Theo kế hoạch, lưu lượng nước về hồ năm 2024 phải đạt 175,3 m3/s, nhưng trung bình quý I năm 2024 mới chỉ đạt 73,4 m3/s.
“Do nguy cơ thiếu nước nên nhà máy phải tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất điện. Cũng vì phải hoạt động luân phiên nên trong quý I, sản lượng điện chỉ đạt hơn 82 triệu kwh so với 138 triệu kwh cùng kỳ của năm 2023”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, thông thường vào thời điểm này hằng năm đều có lũ tiểu mãn nên lượng nước về hồ trung bình khoảng 100 m3/s. Nhưng hiện nay, dù đã gần cuối tháng 4 lũ vẫn chưa về khiến lượng nước về hồ trung bình ngày khoảng 31 m3/s.
“Nguyên nhân lượng nước thấp là do hiện tượng El Nino kéo dài gây nắng nóng và ít mưa, dự đoán năm nay lượng nước sẽ thiếu khoảng 30% so với trung bình nhiều năm. Nếu hiện tượng thời tiết này tiếp tục kéo dài đến ngoài tháng 6 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất điện và kinh doanh của công ty. Thậm chí việc tiếp tục sản xuất điện có nguy cơ thua lỗ.
Theo kế hoạch, tháng 4 chúng tôi sẽ phải sản xuất khoảng 35 triệu kwh điện. Nhưng đến hiện tại mới chỉ đạt được hơn 6 triệu kwh. Và đến cuối tháng đạt khoảng 10 triệu kwh, tức là chưa bằng 1/3 kế hoạch đề ra”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường thông tin thêm lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, do đó sẽ phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế.
Hiện nay để tiết kiệm nước, nhà máy chỉ xả nước 2 lần khoảng 500 triệu m3 phục vụ sản xuất nông nghiệp, so với 3 lần khoảng 700 triệu m3 như mọi năm.
“Hoạt động của nhà máy năm nay cực kì khó khăn, vì vậy chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ và hy vọng vào tình hình thủy văn để cải thiện việc sản xuất điện”, ông Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ.
Trước nguy cơ thiếu nước cho hồ thủy điện, mới đây Tập đoàn EVN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổng công ty phát điện, các đơn vị thủy điện tiếp tục làm việc, đề nghị các địa phương, các sở, ban, ngành lập kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo hướng tiết kiệm nguồn nước.
Lập kế hoạch vận hành các nhà máy thủy điện cấp nước hạ du, hiệu quả, tiết kiệm để dự trữ nguồn nước nhằm ứng phó với tình hình thiên tai, hạn hán; đảm bảo khả năng huy động đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Đồng thời theo dõi, cập nhật thường xuyên về dự báo thủy văn, thực tế nguồn nước các hồ chứa, kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp để nâng cao hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện, thường xuyên cập nhật về nhu cầu dùng nước hạ du, vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện đảm bảo các yêu cầu về cấp nước hạ du với mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Bên cạnh đó, EVN cũng đề nghị các đơn vị theo dõi sát tình hình dự báo, thực tế nguồn nước các hồ chứa thủy điện, tình hình vận hành của hệ thống để kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định của hệ thống điện.
Theo dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trước tình hình nắng nóng được dự báo sẽ diễn ra gay gắt trong năm 2024. Đặc biệt trong những tháng cuối mùa khô từ tháng 5 – 7, nhu cầu phụ tải sẽ tăng cao, có thể đạt mức 17%.
Tác giả: Phạm Duy
Nguồn: Vtcnews.vn