‘Mùn biển’ xâm nhập Cửa Lò, cảnh báo tình trạng rác thải đại dương

Sáng ngày 27/12, biển Cửa Lò đoạn gần đảo Lan Châu với chiều dài khoảng 1km chuyển màu xám đen; trực quan những cơn sóng lớn, nhận thấy trong nước biển dày cặn đen. Theo những người am hiểu môi trường biển, gió mùa đông bắc đã đẩy "mùn biển" - một loại rác thải đại dương vào bờ.

0

Có mặt tại biển Cửa Lò đoạn gần đảo Lan Châu lúc 9h sáng ngày 27/12/2022, nhận thấy biển ở khu vực này chuyển màu đen thẫm, nước biển gần bờ sóng sánh như luyn. Ảnh: Nhật Lân

Tình trạng nước biển chuyển màu đen kéo dài khoảng 1km. Ảnh: Nhật Lân

Trực quan sóng biển, có thể thấy rõ trong nước dày đặc những cặn đen. Ảnh: Nhật Lân

Lúc lặng sóng, trên bề mặt nước dày đặc cặn rác. Ảnh: Nhật Lân

Theo những người làm công tác môi trường ở thị xã Cửa Lò, đã vài năm qua, mỗi khi có gió mùa đông bắc, biển động thì đẩy theo thứ mùn đen vào bờ; không chỉ ở eo biển gần đảo Lan Châu mà vùng Cửa Hội cũng đã từng có tình trạng này. Năm nay, tình trạng này diễn ra hơn một ngày (ngày 26/12 – PV), cảm giác màu nước biển đen hơn, và diện tích cũng khá lớn so với các năm trước. Ảnh: Nhật Lân

Những người làm công tác môi trường ở thị xã Cửa Lò gọi thứ cặn đen trong nước biển là “mùn biển”. Họ giải thích, hầu hết “mùn biển” đều sinh ra từ các hoạt động kinh tế. Cũng có thể từ xả thải của tàu biển; cũng có thể từ các hoạt động sản xuất trên bờ thải rác xuống biển; cũng có thể do mưa lũ từ thượng nguồn đẩy rác về biển… Những loại rác này qua nhiều thời gian tích tụ, phân hủy tạo thành mùn biển chìm sâu trong đại dương, cũng có thể những túi rác nổi trên mặt biển, có thể gọi là “rác thải đại dương”. Mùa biển động, sóng cuộn đưa rác vào bờ. Ảnh: Nhật Lân

Họ cũng cho biết rằng, những ngày biển Cửa Lò xuất hiện “mùn biển”, lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường ở Cửa Lò thêm việc, thêm vất vả. Vì họ có trách nhiệm thu gom “mùn biển” mang đi xử lý, và phải làm sạch những đoạn bờ kè, đường đi bị mùn biển bám bẩn. Ảnh: Nhật Lân

Một đoạn đường dạo bộ bị “mùn biển” vấy bẩn đã được người làm vệ sinh môi trường dọn, rửa. Tuy nhiên, màu ố đen vẫn bám dính bề mặt đường. Ảnh: Nhật Lân

Ông Lê Văn Hưng – Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cũng xác định đã dăm năm qua, mỗi khi có gió mùa đông bắc thì biển Cửa Lò bị “mùn biển” xâm nhập. Ông Hưng phân tích, mùn biển khi vớt lên có hình dạng, màu sắc khá đồng nhất, giống như mùn cưa đen; hơn nữa, theo chiều gió mùa đông bắc đẩy về biển Cửa Lò, nên có thể nghi vấn “mùn biển” sinh ra từ hoạt động kinh tế, và ở phía Bắc. Ông Hưng trao đổi: “Tình trạng “mùn biển – rác thải đại dương” đã từng xuất hiện ở nhiều địa phương của cả nước. Chính vì vậy, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn có những chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân ý thức gìn giữ môi trường biển, không xả thải ra biển. Với biển Cửa Lò, nghi vấn nguyên nhân về “mùn biển” là vậy nhưng rất khó khẳng định được chính xác để có giải pháp xử lý triệt để. Vì vậy, mỗi khi phát hiện tình trạng này thì Chi cục hướng dẫn thị xã Cửa Lò và các địa phương ven biển làm công tác vệ sinh, để môi trường biển đảm bảo trở lại…”. Ảnh: Nhật Lân.

Theo Nhật Lân

Link gốc: https://baonghean.vn/mun-bien-xam-nhap-cua-lo-canh-bao-tinh-trang-rac-thai-dai-duong-post263413.html