Mang thùng, can xếp hàng mua xăng: Cảnh báo những “quả bom nổ chậm”

Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) khuyến cáo người dân không nên mua xăng dầu tích trữ, đặc biệt có một số loại hình nhà "không nên dại mua mang về".

0

Cuộc sống người dân đảo lộn khi mang thùng, can xếp hàng mua xăng

Những ngày qua, không riêng Hà Nội mà một số thành phố lớn trong cả nước, cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua xăng khiến không ít người ngán ngẩm, mệt mỏi.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại Hà Nội, nhiều người kiên nhẫn xếp hàng xuyên đêm, chấp nhận cuộc sống bị đảo lộn trong bối cảnh khó đổ xăng. Trong khi đó, nhiều người, nhất là những người lao động, mang theo vật dụng để mua xăng tích trữ vì sợ hết hàng.

Hình ảnh người dân mang theo can, chai… xếp hàng dài chờ mua xăng trong đêm gây xôn xao dư luận. Ảnh: CTV

Chị Nguyễn Quỳnh An (32 tuổi, ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chứng kiến cảnh tượng dòng người xếp hàng dài tràn xuống lòng đường ở cả 3 cây xăng gần nhà, chị bất lực nhờ một người bạn sống ở quận Long Biên mua hộ một can xăng giá 85.000 đồng.

Chị Quỳnh An nhờ bạn sống ở quận Long Biên mua xăng mang lên công ty “giải cứu”. Ảnh: NVCC.

“Hà Nội những ngày này dù có tiền cũng rất khó mua được xăng. Khi người bạn đưa can xăng đến tôi mừng rơi nước mắt và nhờ bảo vệ công ty hỗ trợ đổ xăng vào xe bằng cách sử dụng một chiếc túi bóng cứng uốn cong thành phễu. Suýt thì phải dắt bộ xe máy 12km từ cơ quan về nhà”, chị An nói, hài hước nghĩ đến cảnh “phải xin nghỉ học cho con vì xe hết xăng”, chưa kể ảnh hưởng công việc đòi hỏi di chuyển nhiều.

Người dân xếp hàng chờ đổ xăng. Ảnh: Viết Niệm

Đứng xếp hàng ở cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội trong đêm, anh Nguyễn Văn Tú (27 tuổi, Hà Nội) cho biết, cả ngày đi cây xăng nào cũng đông, nên anh nghĩ ra đêm khuya sẽ vắng, nhưng không ngờ giữa đêm mà vẫn đông kín.

“Tôi đợi gần 20 phút rồi mà vẫn chưa được đổ xăng, việc xếp hàng giữa đêm đổ xăng như thế này thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Ngành chức năng phải có giải pháp gì đi chứ gần cả tháng nay mỗi lần đổ xăng thực sự là một lần ám ảnh, tôi chán ngán cảnh này lắm rồi”, anh Tú nói.

Theo quan sát không ít người dân mang theo can để mua xăng mang về nhà, thậm chí có nơi người dân mang theo chai, can… xếp hàng dài chờ mua xăng. Theo anh Tú, mặc dù mua xăng khó khăn nhưng người dân không nên tích trữ xăng dầu tại nhà, vì từ trước đến nay đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm ảnh hưởng tính mạng và tài sản bắt nguồn từ hành động dại dột này.

“Tôi nghĩ người dân nên trực tiếp đổ xăng ở cửa hàng để đảm bảo an toàn, tránh mua về, không may gặp sự cố”, anh chia sẻ thêm.

Cảnh báo những “quả bom nổ chậm” nếu mang thùng, can xếp hàng mua xăng để tích trữ

Trao đổi với PV Dân Việt, đại tá PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC khuyến cáo người dân không nên mua xăng dầu tích trữ bởi hiện nay Nhà nước, Chính phủ vẫn luôn quan tâm, không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Theo đại tá Xiêm, hiện nay không ít người mang tâm lý một lần xếp hàng tiện thể mua luôn can xăng dự trữ. Tuy nhiên việc này hết sức nguy hiểm nếu không quản lý tốt bởi xăng là vật liệu rất dễ cháy và có thể gây ra những ẩn hoạ vô cùng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu xảy ra hoả hoạn.

Đại tá Ngô Văn Xiêm khuyến cáo người dân không nên mua xăng tích trữ về nhà đặc biệt nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà chung cư, nhà ống. Ảnh: Viết Niệm

Đại tá Xiêm đưa ra dẫn chứng như vụ cháy chung cư Carina ở TP.Hồ Chí Minh xảy ra tháng 3/2018 khiến 13 người thiệt mạng. Cụ thể, nam thanh niên 27 tuổi ở Lô A chung cư Carina đi xe Attila về để dưới hầm xe khu số 6. Đến 1h15 ngày 23/3/2018, xe này xuất hiện khói và tia lửa nhỏ ở khu vực để chân. Trong vòng 6 phút lửa bùng phát ở đầu xe và bốc cao ngang ống thông gió tầng hầm.

Chỉ ít phút sau hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, sau đó lửa bùng lên dữ dội, cháy lan các xe máy và ôtô để trong hầm. Khói, khí nóng và khí độc theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng trên chung cư dẫn đến hậu quả làm 13 người chết, hơn 60 người bị thương; gần 500 xe máy, hơn 80 ô tô bị cháy rụi…

“Tôi khuyến cáo các dạng nhà như nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, nhà ống chỉ có một cửa thoát hiểm hay nhà chung cư kể cả chung cư cao cấp không nên dại gì mua xăng về tích trữ. Đặc biệt nhà chung cư cũ bởi diện tích hẹp, người đông, số lượng chất cháy trong nhà ở chung cư rất nhiều như quần áo, bàn ghế, nguy hiểm dẫn đến nguy cơ rất cao. Mọi người thà mất thêm 10 đến 20 phút còn hơn mang những quả bom nổ chậm về nhà”, đại tá Xiêm nhấn mạnh.

Người dân hớn hở khi mua xăng mang về nhà, đại tá Xiêm cho rằng người dân thà chờ 10-20 phút còn hơn nguy hiểm rình rập. Ảnh: Viết Niệm

Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC cho rằng nếu khuyến cáo người dân không nên mua xăng về sẽ rất khó. Tuy nhiên, nếu mua mang về nhà phải làm sao an toàn nhất.

“Tôi có lời khuyên người dân khi mua xăng phải tính phương thiết bị chứa xăng phải chất lượng, an toàn, nắp kín, chỉ dò chút xăng cũng nguy hiểm. Vị trí để can xăng phải để ngoài trời phải an toàn, cách nguồn nhiệt, nguồn điện, tạo khoảng cách giữa xăng với vật liệu khác. Người mua phải thường xuyên kiểm tra xăng đưa về ở mức độ an toàn cho mình và gia đình. Cháy không ai muốn xảy ra nhưng ngoài ý muốn phải tính phương án thoát hiểm tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc”, đại tá Xiêm đưa ra khuyến cáo.

Ngày 7/11, Bộ Công thương cho biết pháp luật không có quy định cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về, bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như vận hành máy xay xát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác…

Tuy nhiên, theo Bộ, việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng, do đó người tiêu dùng cần hạn chế cách thức này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng, không tích trữ tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe.

Trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng dầu cần có biện pháp bảo quản an toàn như sau: Bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở; Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu; Có biện pháp ngăn xăng dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt.

Ngoài ra, các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…) trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa….; Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu.

Theo báo cáo, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11 và giá xăng RON95 vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn “hết hàng” hoặc bán “nhỏ giọt”.

Theo báo cáo, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11 và giá xăng RON95 vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn “hết hàng” hoặc bán “nhỏ giọt”.

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ Công Thương còn có trách nhiệm rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11/2022.

Theo Gia Khiêm

Link gốc: https://danviet.vn/mang-thung-can-xep-hang-mua-xang-canh-bao-nhung-qua-bom-no-cham-20221114071911687.htm