Lũ dữ khiến 5.000 người dân Quỳ Châu rơi cảnh tạm bợ, đói rét
142 tỷ đồng mới chỉ là ước lượng, mức độ thiệt hại do thiên tai chắc chắn lớn hơn nhiều. Huyện nghèo Quỳ Châu đang khốn khó trăm bề, rất cần sự sẻ chia.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa to (lượng mưa đo được trên 310mm), lũ trên thượng nguồn chảy về dồn dập, kết hợp các nhà máy thủy điện xả lũ đồng loạt đã gây lũ quét và ngập lụt diện rộng trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Sự thể chuyển biến quá nhanh khiến địa phương không kịp ứng phó, phải gánh chịu hậu quả nặng nề trên nhiều phương diện, với những gì đã diễn ra có lẽ rất lâu nữa “vết thương mới liền da”.
Còn nhớ như in chiều ngày 26/9/2023, thời tiết lúc này không quá bất thường, PV Nông nghiệp Việt Nam được ông Sầm Văn Túc, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến dẫn đi khảo sát thực tế cuộc sống của 22 hộ dân tại bản Minh Tiến, khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất trên đất Quỳ Châu.
Tại hiện trường, đại diện lãnh đạo địa phương và người dân không ngần ngại giãi bày tâm sự, họ khẳng định quá trình “chống lũ” như thể thói quen thường nhật, tiếp diễn suốt năm này qua năm khác: “Dù luôn sẵn sàng phương án ứng phó nhưng cứ nghe phong phanh thông tin mưa bão sắp đổ bộ là ai nấy đều bất an tột độ, thiên tai ngày một khó lường, sức người thì nhỏ bé, không lo sao được. Bình quân mỗi năm chống chọi vài cơn, may thay năm nay bão chưa ghé thăm lần nào”, một hộ dân bản Minh Tiến chia sẻ.
Niềm hân hoan chưa dứt thì “cơn cuồng phong” đã đến tức thì, tầm 3h sáng ngày 27/9, bão lũ tràn về với tốc độ kinh hoàng, mưa to gió lớn kéo theo những âm thanh chát chúa như sấm rền bên tai, bất giác xé toạc không gian tĩnh mịch.
Qua điện thoại, Phó Chủ tịch Sầm Văn Túc giọng trầm buồn: “Gia đình đang tất bật khắc phục hậu quả sau lũ lụt anh ạ, đợt rồi nước ngập đến nửa nhà, vật dụng thiết yếu, đồ điện tử, ti vi, tủ lạnh hỏng hết; gia súc, gia cầm, đặc biệt là số lượng lớn cá trắm cỏ trong áo cũng trôi tuột theo dòng nước bạc”.
Gia đình anh Túc nằm trong số hàng ngàn hộ dân bị nước lũ bủa vây đợt rồi, thiên tai nghiệt ngã đẩy hơn 5.000 người dân Quỳ Châu vào tình cảnh tạm bợ, đói rét. Quá trình “chạy lũ”, tiếp tế, cứu trợ… diễn tiến hết sức nhọc nhằn và tiềm ẩn muôn vàn nguy cơ khi hàng loạt tuyến đường trọng yếu bị chia cắt, ngưng trệ (quốc lộ 48 A dài khoảng 44km, bị chia cắt 8 điểm; tỉnh lộ 544 dài khoảng 34km, có 3 điểm sạt lở; quốc lộ 48 D có 8 điểm sạt lở nặng; nhiều tuyến đường chính tại các xã đứt gãy, chia cắt nhiều thôn, bản…).
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp có gần 1.000ha diện tích lúa hè thu, 125ha hoa màu, 156ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 50 con gia súc, gần 19.900 con gia cầm bị chết… Với một huyện nghèo, nơi người dân chủ yếu làm nông thì mức độ thiệt hại nêu trên sẽ ám ảnh mãi không thôi.
Mưa bão không chỉ cướp đi tài sản hiện hữa mà còn gây ra trường hợp tử vong đau xót, nạn nhân xấu số là một người dân trú tại bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, vốn được xem “tâm lũ” trong những đợt thiên tai trước đó. Nguyên nhân được xác định do chết đuối, thi thể tìm thấy lúc 12h30 ngày 29/9/2023.
Qua thống kê sơ bộ, thiệt hại toàn huyện đến lúc này khoảng 142 tỷ đồng, đáng nói đây chắc chắn chưa phải là con số sau cùng.
Ghi nhận đến sáng 1/10, sau nhiều ngày khắc phục cơ bản mới thông tuyến đường quốc lộ 48A, 48D, tỉnh lộ 544. Ngược lại, tuyến từ UBND xã Châu Tiến đi bản Kiềng chưa thông xe; tuyến đường sang xã Thanh Quân, tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở nghiêm trọng, khối lượng đất sạt xuống mặt đường rất lớn, hiện đang ách tắc hoàn toàn…
Ngoài ra vẫn còn gần 700 hộ tại các bản Piêng Cắm, Bản Đôm, Bản Chiềng xã Châu Phong chưa có điện. Tương tự, các bản Can, Bản Tằn, Bản Xớn, Hội 1, Cằng Bài, Na Lạnh, Bản Đôm cũng chưa khôi phục được sóng viễn thông.
Đối với diện tích lúa, ở những vùng lúa chín 80 – 85%, phương châm của huyện là “nước rút đến đâu thu hoạch đến đó”. Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu xác nhận: “Công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang tiếp tục, lúc này cơ bản mới giải tỏa được nhu cầu thông tuyến, quá trình thống kê mức độ thiệt hại vẫn chưa hoàn tất”.
Từ nhu cầu cấp thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quỳ Châu đã kêu gọi, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm lan tỏa lòng nhân ái, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng những việc làm ý nghĩa để giúp đỡ nhân dân sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hưởng ứng lời kêu gọi, Tỉnh đoàn Nghệ An ủng hộ 100 triệu đồng, nhân dân và cán bộ huyện Con Cuông đã ủng hộ 230 triệu đồng (tiền + hiện vật), nhân dân và cán bộ huyện Quế Phong 50 triệu đồng, Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội 200 triệu đồng, Hội doanh nhân trẻ Nghệ An 100 triệu đồng…
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn: nongnghiep.vn