“Lệnh bài” nào cho phép xe biển Lào “đại náo” đường Việt Nam?
Tải trọng hàng vượt gấp đôi so với quy định giới hạn cho phép theo quy định, vô tư rồng rắn tung hoành ngang dọc trên các cung đường nội địa Việt Nam trong suốt thời gian dài…
Thực trạng các phương tiện gắn biển kiểm soát Lào thường xuyên “đại náo” các cung đường trong nước không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn trở thành nỗi lo về sức cạnh tranh thiếu lành mạnh cho các doanh nghiệp vận tải liên vận trong nước nếu cơ quan chức năng vẫn cho phép tiếp tục được phép duy trì.
Xe biển Lào vô tư “trẩy hội” trên đường Việt
Suốt thời gian qua, khi theo dõi hành trình, hướng di chuyển, chúng tôi luôn bắt gặp hàng chục xe tải đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở đầy hàng hóa vô tư chạy trên cung đường từ Cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An hướng lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh. Cũng có không ít “binh đoàn” loại xe nói trên chở hàng hoá với tổng tải trọng không dưới 70 tấn lặc lè từ cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) theo QL12, QL1A xuống cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) ngược xuôi suốt những năm qua.
Khi tiến hành “bám đuôi” các “binh đoàn” xe tải trọng lớn gắn BKS Lào, phóng viên không khỏi rùng mình khi lưu thông trên các đoạn đường mà những chiếc xe này đi qua. Tiềm ẩn tai nạn giao thông do mặt đường chằng chịt các ổ voi, ổ trâu, nền đường bong tróc, sụt lún…xuống cấp ở các cung tướng, tuyến lộ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Thậm chí, những đoàn xe nói trên chở than đá, thạch cao, quặng, Kali…còn dễ dàng qua mặt cả các tổ chốt của CSGT và cơ quan chức năng để lưu thông xuôi, ngược. Đáng quan tâm, các xe gắn BKS Lào loại từ 26-28 bánh xe gắn trên thân trục nối tiếp 02 toa kéo chở hàng chẳng khác nào nào những đoàn tàu đường sắt vô tư di chuyển trên đường bộ.
Còn nhớ, vào ngày 13/12/2019, Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng đã phát đi văn bản yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan quan kiểm tra, xử lý phương tiện của Việt Nam và phương tiện mang biển số nước ngoài hoạt động vận tải liên vận tại Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 23/10/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn số 5593/TCĐBVN-ATGT hướng dẫn các Trạm Kiểm tra trọng tải xe lưu động thực hiện cân kiểm tra tải trọng xe loại phương tiện mang biển kiểm soát Lào.
Theo quy định nói trên, việc cân kiểm tra để xử lý xe quá tải được xem xét trên hai tiêu chí: quá tải so với tải trọng cho phép chở của xe được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; và quá tải so với tải trọng cho phép của cầu, đường. Vì vậy đối với xe ô tô biển kiểm soát Lào, dù xe có tải trọng cho phép tham gia giao thông lớn, cũng sẽ chịu sự kiểm soát tải trọng theo tải trọng cho phép của cầu, đường Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã liên tục phản ánh trong suốt thời gian qua nhưng thực trạng này vẫn không được cơ quan chức năng kiểm soát triệt để, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp.
Ai đang “bật đèn xanh” cho xe biển Lào?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ có hiện tượng xe mang biển kiểm soát Lào được phép vào địa phận Việt Nam bởi một văn bản được 2 quốc gia Việt Nam – Lào đã ký kết với nhau cách đây 14 năm về trước. Cụ thể, theo Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới Việt Nam và Lào ký ngày 13/4/2009 và Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký tại Hà Nội ngày 15/9/2010, có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2010.
Việc ký kết văn bản nói trên đã mở ra cơ hội giao thương giữa Lào và Việt Nam, tạo tiền đề cho doanh nghiệp, người dân 02 nước được tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, qua lại với nhau.
Tuy nhiên, theo Điều 4 của Hiệp định cũng nói rõ: “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó”. Nghĩa là, khi phương tiện của Việt Nam quá cảnh vào nước bạn Lào thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định của nước sở tại và ngược lại.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 17, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 nêu rõ xe gắn biển kiểm soát Việt Nam chỉ được phép chở tải trọng tối đa lớn hơn hoặc bằng 48 tấn nếu tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơmoóc có tổng số trục dài hơn 6,5m. Trong khi đó, tình trạng xe đầu thân liền kéo rơ moóc (còn gọi là xe 02 khúc) mang biển kiểm soát Lào hiện đang chở tổng tải trọng không dưới 70 tấn lưu thông tập trung ở khu vực từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình) xuôi theo Quốc lộ 8A, 12A về Vũng Áng và Cửa Lò…
Chưa hết, Điều 6 của Hiệp định cũng nói cụ thể như sau: “Phương tiện của Bên này không được vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Bên kia”. Điều này quy định các phương tiện lẫn chủ phương tiện không được phép lợi dụng cung đường, tuyến lộ của bên này hoặc bên kia để kinh doanh vận tải hàng hoá, hành khách mà phải bắt buộc đăng ký lộ trình, lộ tuyến rõ ràng điểm đi-đến nơi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
“Nếu không có chế tài đặc biệt về kiểm soát tải trọng thì nguy cơ hệ thống hạ tầng giao thông sẽ bị cày xới, phá nát chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi khi phương tiện vận tải mang biển kiểm soát Lào vô tư chở hàng với tổng tải trọng trên dưới 70 tấn. Trong khi đó, đối với xe biển kiểm soát trong nước, khi tham gia hoạt động vận tải liên vận Việt – Lào và ngược lại thì tổng tải trọng chỉ bằng ½ so với xe mang biển kiểm soát Lào có kết cấu theo kiểu đầu thân liền kéo rơ moóc.
Vấn đề hoạt động kinh doanh vận tải liên vận Việt – Lào đối với doanh nghiệp trong nước đang ngày càng bị bóp nghẹt vì rơi vào thực trạng cạnh tranh không nổi đối với dòng xe biển Lào nói trên. Lợi thế của xe vận tải mang biển kiểm soát Lào khi vào Việt Nam đang có một “lệnh bài” với nhiều ưu đãi chưa từng có. Chúng tôi không hiểu vì sao Hiệp định thư giữa 2 quốc gia đã quy định rõ ràng nhưng cơ quan chức năng ở Việt Nam lại để họ dễ dàng phá rào vào trong nước?” – đại diện một số đơn vị vận tải liên vận Việt – Lào có trụ sở doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh bức xúc.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn