Lắp điện mặt trời mái nhà có thể được hỗ trợ 2,5 triệu/hộ

Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa 500.000 đồng/1 kWp nhưng không vượt quá 2,5 triệu.

0

Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống (các tấm pin mặt trời), nhưng không vượt quá 2,5 triệu đồng cho một hộ gia đình.

Bên cạnh đó, hộ gia đình lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà còn được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư như: được áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân khoản vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại.

Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm pin mặt trời lắp đặt trong hệ thống, nhưng không vượt quá 35 triệu đồng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ tài chính được cân đối trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Hàng năm, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định cụ thể mức hỗ trợ tài chính, bảo đảm phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên địa bàn.

Cùng với hỗ trợ về tài chính, các chủ hộ có đề nghị sẽ nhận được hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác. Trong đó đơn vị điện lực địa phương có hướng dẫn kỹ thuật về đấu nối, điều khiển, giám sát, bảo vệ; hướng dẫn công tác lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn điện.

Trách nhiệm của các đơn vị này hướng dẫn trong 5 ngày kể từ khi nhận được đề nghị. Nếu chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình lên lưới điện, đơn vị điện lực tại địa phương có trách nhiệm phối hợp lắp đặt, thay thế hệ thống đo đếm điện năng hai chiều phù hợp công suất; hướng dẫn thủ tục và ký hợp đồng mua bán.

Dự kiến quyết định này áp dụng đối với các hệ thống điện mặt trời hộ gia đình hoàn thành các thủ tục theo quy định trước ngày 1/1/2031.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Các tấm pin mặt trời là không sử dụng diện tích đất; chỉ đấu nối vào hệ thống lưới phân phối (chủ yếu lưới hạ áp) đã có sẵn của ngành điện, do đó không phải đầu tư xây dựng thêm lưới từ 110 kV trở lên; bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nêu rõ nhược điểm của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ là phụ thuộc vào diện tích mái nhà, thời tiết, độ ổn định cung cấp điện không cao (đặc biệt khi không kết hợp với hệ thống lưu trữ điện), chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao nếu lắp thêm hệ thống lưu trữ điện (nguy cơ cháy nổ đối với hệ thống lưu trữ điện nếu sử dụng thiết bị không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn).

Theo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời tập trung dự kiến đạt khoảng 46.459-73.416 MW.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn: vietnamfinance.vn