Lãng phí nhà máy nước hơn 9,3 tỷ đồng ở thị xã Hoàng Mai
Từng được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ nước sạch cho người dân xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), thế nhưng, Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Quỳnh Lộc sau khi xây dựng xong đã không thể hoạt động. Đến nay, sau 16 năm, công trình trị giá hơn 9,3 tỷ đồng đang phơi nắng, phơi mưa, nhiều tài sản đã xuống cấp, hư hỏng.
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Xã Quỳnh Lộc nằm cạnh Khu Công nghiệp Hoàng Mai. Người dân khu vực này từ trước đến nay rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước, bởi khu vực phía Đông Nam giáp với Lạch Cờn bị nhiễm mặn, còn các khu vực xung quanh thì bị bao bọc bởi các nhà máy, xí nghiệp. Năm 2006, từ nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), ngân sách Nhà nước và từ đóng góp của người dân khu vực hưởng lợi, nhà máy cấp nước sinh hoạt có tổng công suất 45m3/h, mục tiêu cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân xã Quỳnh Lộc được đầu tư xây dựng.
Công trình này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 khởi công ngày 1/4/2006 và hoàn thành vào ngày 5/5/2006, với mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho xóm 6 và xóm 7 của xã Quỳnh Lộc, với công suất 15m3/h. Ngày 17/5/2006 công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và được phê duyệt quyết toán hoàn thành theo Quyết định số 513 của UBND huyện Quỳnh Lưu (khi chưa chia tách thị xã Hoàng Mai) với tổng giá trị được duyệt hơn 1,686 tỷ đồng, trong đó, DANIDA hỗ trợ 80%, người dân hưởng lợi đóng góp 20%.
Sau khi công trình hoàn thành đã đưa vào sử dụng cung cấp nước cho 2 xóm 6 và xóm 7, tuy nhiên, thời gian vận hành chỉ được 3 tháng. Chưa kể, quá trình vận hành không thu được tiền nước của dân. Nhiều hộ dân hưởng lợi của dự án này cho rằng, sau khi sử dụng đã có nhiều cặn đá vôi bám vào các thiết bị của gia đình nên chẳng dám dùng; chưa kể có một vài khu vực nước chảy lên khó khăn do chênh lệch về độ cao. Chính vì thế mà nhà máy nước đã phải dừng hoạt động.
Điều đáng nói là khi công trình này vừa hoàn thành giai đoạn 1 đã bị tố cáo thi công không đúng thiết kế, nghiệm thu vượt dự toán. Vì thế, ngày 28/8/2006, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập đoàn thanh tra để xử lý. Sau đó, đoàn thanh tra đã chỉ ra một số sai phạm của giai đoạn 1 dự án này như: Quy trình thủ tục còn có một số thiếu sót, sai phạm; Một số tuyến chưa thi công; Tư vấn giám sát không thường xuyên có mặt tại công trình; Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án xã Quỳnh Lộc đã buông lỏng kiểm tra, giám sát công trình, quản lý vốn. Điều này dẫn đến việc nghiệm thu không đúng khối lượng xây lắp hơn 197 triệu đồng; chưa thi công 466m đường ống phi 48 và 1.619m đường ống phi 34 trị giá hơn 51 triệu đồng; Vật tư không đúng chủng loại dẫn đến sai lệch hơn 37 triệu đồng; Quyết toán quá chi phí khác gần 23 triệu đồng. Ngày 28/12/2006, UBND huyện Quỳnh Lưu đã phê chuẩn kết luận thanh tra thu hồi hơn 100 triệu đồng do nghiệm thu, thanh toán không đúng khối lượng xây lắp và thanh toán quá chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Dù ngay sau khi giai đoạn 1 hoàn thành đã bộc lộ những bất cập, hiệu quả sử dụng thấp nhưng cuối năm 2006, chủ trương thực hiện giai đoạn 2 vẫn được thông qua và đến tháng 4/2009 thì bắt đầu khởi công. Giai đoạn này mục tiêu là cấp nước cho xóm 1, 2, 3A, 3B, 4, 5, 8, 9A, 9B và 10 cũng của xã Quỳnh Lộc với chi phí đầu tư quyết toán được phê duyệt hơn 7,656 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 94%, ngân sách xã đóng góp 6%.
Bước sang giai đoạn 2, công trình này tiếp tục bộc lộ sai phạm, trong đó, việc quản lý xây dựng cơ bản thiếu trách nhiệm dẫn đến thiếu hồ sơ, mất hồ sơ; Kiểm tra hồ sơ dự thầu của nhà thầu chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Hải (có trụ sở tại thành phố Vinh), cơ quan chức năng xác định năng lực kinh nghiệm không đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu (không có đăng ký kinh doanh ngành nghề: Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật) nhưng tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt. Tổ chuyên gia đấu thầu thì không thấy chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu của các thành viên tổ chuyên gia; Chất lượng nước có hàm lượng CaCo3 là 390mlg/lít vượt mức quy định, đơn vị tư vấn đã thiết kế bổ sung thiết bị làm mềm nước nhưng thiết bị này chưa được kiểm nghiệm lúc đưa vào lắp đặt cũng như sau khi lắp đặt. Chất lượng nước sau khi lắp đặt chưa được kiểm nghiệm. Không nghiệm thu chạy thử thiết bị đủ thời gian 72 giờ liên tục theo quy định; Biên bản nghiệm thu thiết bị chạy thử ngày 29/5/2010 chưa ký nhưng công trình vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Loay hoay tìm cách xử lý
Mặc dù hoàn thành vào 7/2010 nhưng Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Quỳnh Lộc đã không hoạt động từ đó đến nay. Đặc biệt, đầu năm 2015, UBND xã Quỳnh Lộc trên cơ sở chỉ đạo của UBND thị xã Hoàng Mai (lúc này đã tách ra từ huyện Quỳnh Lưu) đã tổ chức cuộc họp và mời các đơn vị liên quan bàn phương án khắc phục công trình này.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sửa chữa hệ thống cấp nước phục vụ 2 thôn 6 và 7 nếu hoạt động ổn định và được sự đồng thuận cao từ nhân dân thì tiếp tục đầu tư sửa chữa tiếp. Thế nhưng, khi họp dân để lấy ý kiến thì tỷ lệ đồng ý cho việc sửa chữa đạt tỷ lệ chưa đến 20% nên kế hoạch này đã bị gác lại. Nhiều người dân địa phương cho rằng, vị trí nhà máy ở dưới thấp đẩy ngược lên cao một mặt gây tiêu hao điện năng lớn, mặt khác lượng nước yếu, kém chất lượng. Việc sửa chữa sẽ tốn kém, trong khi chưa chắc đã vận hành hiệu quả.
Cuối cùng, giải pháp tạm thời được đưa ra là tổ chức đấu thầu khai thác sử dụng nhà máy nước. Thế nhưng, sau đó UBND xã Quỳnh Lộc đã thông báo 2 đợt nhưng không có người nhận thầu. Tháng 4/2017, UBND xã Quỳnh Lộc một lần nữa tổ chức hội nghị họp bàn tìm phương án giải quyết và đi đến thống nhất bước một là sửa chữa, khắc phục vận hành nhà máy nước phục vụ cho 2 thôn 6 và 7, sau đó tìm phương án tiếp theo. Khi tiến hành sửa chữa chính quyền địa phương đã huy động tại 2 thôn này mỗi hộ 500.000 đồng.
Thế nhưng, sau khi đã khắc phục các sự cố đường ống tại thôn 6 và 7 để tiến hành cho chạy thử thì trạm điện của nhà máy bị cháy. Lúc này, người dân địa phương tiếp tục có ý kiến rằng, không nên cố sửa chữa công trình này vì sẽ không mang lại hiệu quả gì trong khi Nhà máy nước sạch của thị xã Hoàng Mai cũng đã hoàn thành, nếu đấu nối từ đây chi phí có khi thấp hơn. Kể từ đó, công trình tiếp tục nằm trong cảnh “đắp chiếu”.
Đến nay theo quan sát của chúng tôi, hệ thống nhà điều hành, máy hút, bể lọc, bể chứa, máy bơm ở trung tâm đã xuống cấp; hệ thống đường ống đi các xóm đã hư hỏng do thời gian dài không sử dụng.
Tại Kết luận thanh tra ngày 21/10/2019 của UBND thị xã Hoàng Mai cũng yêu cầu UBND xã Quỳnh Lộc phải lập các phương án xử lý nhà máy nước này theo quy định. Ông Nguyễn Hữu Túy – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết, hiện việc xử lý công trình này vẫn chưa thể thực hiện được. Ông Túy cho rằng, công trình này thực hiện từ các đời chủ tịch trước, trong khi ông mới tiếp nhận công việc nên chưa nắm rõ, cần phải xem xét các hồ sơ, tài liệu liên quan mới biết được.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước sinh hoạt xã Quỳnh Lộc không hiệu quả nhưng chưa có biện pháp xử lý đã làm lãng phí lớn và gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Để công trình này không bị hư hỏng thêm đòi hỏi chính quyền địa phương, các bên liên quan cần phải vào cuộc một cách nghiêm túc, xử lý dứt điểm.
Theo Tiến Đông
Link gốc: https://baonghean.vn/lang-phi-nha-may-nuoc-hon-9-3-ty-dong-o-thi-xa-hoang-mai-post258483.html