Lạ kỳ công trình kinh doanh du lịch không phép “trơ gan” giữa bản làng

Một quần thể các công trình, vật kiến trúc đang được chủ đầu tư tiến hành thi công giữa ban ngày trong khu vực sinh sống của đồng dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng không một cá nhân, tổ chức nào của 2 cấp từ xã đến huyện nắm được, khiến người dân không khỏi hoài nghi và bất bình. Chuyện “thật như đùa” đang diễn ra tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

0
Kết cấu các chòi nhà theo mẫu được xây dựng phía sau là diện tích rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn quản lý. Ảnh: Xuân Thống

Bản người Mông “bỗng dưng” có công trình “lạ”

Những ngày gần đây, qua nguồn thông tin từ người dân về việc tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống – là bản gần như 100% đồng bào Mông sinh sống – một vài cá nhân đang ngày đêm trực tiếp chỉ huy các tốp thợ cùng máy móc, phương tiện, nguyên vật liệu để hoàn thiện các hạng mục đầu tư phục vụ kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Tiếp xúc với một số hộ dân các bản Trung Tâm, Mường Lống 1, Mường Lống 2 đều chung phản ánh, từ gần 1 năm nay, họ đã thấy ở khu vực cuối bản Mường Lống 1 nhiều công nhân và phương tiện vận chuyển đất đá, gỗ và các thiết bị chuyên dụng để hoàn thiện công trình mà khi hỏi đều được trả lời là “để làm du lịch cộng đồng”.

Trưởng bản Mường Lống 1 Xồng Xái Khù cho hay, từ khoảng tháng 7, tháng 8 của năm ngoái có một thanh niên người ở địa phương khác đến địa bàn của bản đặt vấn đề để mua, chuyển nhượng một số diện tích đất vườn mà trước đây trồng cỏ chăn nuôi và trồng các loại cây ngắn ngày không hiệu quả. Hiện có khoảng 3 – 4 hộ trong bản bán cho nam thanh niên này. Sau đó không lâu, đến tháng 9 chứng kiến nhiều người lạ là người làm thuê và phương tiện đến cải tạo, san ủi mặt bằng để xây lên các chòi tự động

Các hạng mục kiên cố đang dần được hoàn thiện. Ảnh: Xuân Thống

Từ thông tin này, phóng viên đã có mặt tại khu vực đang được xây dựng.

Đập vào mắt chúng tôi là hiện trạng của vùng đất khó khăn này đã có thay đổi nhờ có công trình đang được đầu tư kiên cố, xen lẫn với vườn mận, vườn đào cùng lác đác mấy nếp nhà đặc trưng của kiến trúc nhà ở đồng bào Mông.

Tại không gian rộng lớn của bản, chúng tôi ghi nhận ngay bên lối đi của bản là chiếc cổng khá kiên cố được xây dựng bằng gạch nung đang hoàn thiện, phía trên là nhiều dãy nhà xây kiên cố được bài trí, thiết kế khá bắt mắt và khoa học. Ngay dưới lối đi là công trình phụ trợ với hệ thống nước sạch, nhà xây có kiến trúc gỗ, có ốp lát đá khối, lối trên là ngôi nhà sàn đang hoàn thiện. Phía trên là một dãy nhà chòi kiểu lắp ghép cùng mẫu (10 – 12 căn) lối trên cùng (nơi tiếp giáp với diện tích rừng phòng hộ) là dãy gồm 5 nhà mái bằng phục vụ nghỉ dưỡng. Quan sát tổng thể, trên hiện trạng đang xây dựng này còn có bể bơi đang dần hoàn thành và nhiều bậc lên xuống được trưng bằng sắt, thép, gỗ giữa bố trí giữa các phân khu.

Cổng chính là lối vào khu đất đang được xây dựng nhiều phân khu. Ảnh: Xuân Thống

Trong quá trình tìm hiểu tại “công trường” thi công, khi tiếp xúc một tốp thợ đang trong công đoạn hoàn thiện các hạng mục, trước câu hỏi ai là chủ của công trình này, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Cái này của anh L., người ở địa bàn thị xã Thái Hòa đang đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở đây”. Còn người lao động của Công ty TNHH Việt Nguyên House đang làm chỉ là hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư với công ty họ mà thôi.

 “Huyện không ai nắm được họ đang làm gì”

Trước sự bất ngờ đến khó tin về hiện trạng công trình có hiện diện tại địa bàn bản người Mông khu vực giáp biên giới, trao đổi nhanh với lãnh đạo Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn – cơ quan tham mưu trong việc tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định, nhất là dự án sử dụng nguồn ngân sách, chúng tôi nhận được phản hồi: Ban không hề nắm được thông tin về dự án, công trình nào đầu tư vào du lịch ở xã Mường Lống như phản ánh. Nếu có thì đây là công trình của chủ đầu tư là tư nhân vào thực hiện trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Mường Lống Và Chá Xà thừa nhận, xã chỉ nắm được từ giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh mà nhà đầu tư cung cấp cho xã. Ảnh: PV

Để bước đầu tìm hiểu về mục tiêu của nhà đầu tư cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, tại hội trường UBND xã Mường Lống, dưới sự chứng kiến, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của xã, tất cả đều tỏ ra bất ngờ khi đề cập nội dung chúng tôi cần xác minh.

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án này là của tư nhân đầu tư gần 3 tháng nay, còn thủ tục đầu tư hiện mới chỉ có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (hộ ông Nguyễn Duy Linh, ngành nghề gồm: Dịch vụ lưu trú nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, cơm, cháo, bún, phở, nước ngọt, nước giải phát và bia các loại – PV) do Phòng Kế hoạch – Tài chính huyện cấp.

“Họ vào tìm hiểu địa phương sau đó mua đất lại của dân rồi dân với họ thống nhất chuyển nhượng, sang tên cho họ, huyện làm thủ tục kinh doanh. Xã Mường Lống hiện tại đang triển khai đề án du lịch cộng đồng nên chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho họ trên cơ sở không ảnh hưởng gì”, ông Xà khẳng định.

Cũng theo cán bộ địa chính xã: “Lúc đầu họ lên bảo Mường Lống đẹp quá muốn mua lại của 1 hộ để làm nhà, về sau trong khi thấy các hộ xung quanh lúc đó trâu bò chăn nuôi và khó bán nên dân lại muốn bán đất luôn cho họ. Hiện, có khoảng 3 hộ bán lại cho dân có diện tích gần 5.000m2 được họ xây dựng lên thuộc đất dân khai phá, phía sau là khu vực thuộc diện tích rừng phòng hộ”.

Toàn cảnh khu đất đang được chủ hộ kinh doanh đầu tư xây dựng làm du lịch. Ảnh: Xuân Thống

Rõ ràng, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp (đất ở) và san gạt mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng công trình kiên cố khi chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định phê duyệt để quản lý, sử dụng đất trong khi khu đất hiện đang sử dụng được cá nhân đầu tư để xây dựng các homestay, quy mô cao cấp cần được chính quyền và sở, ngành liên quan tỉnh Nghệ An làm rõ về: Sự phù hợp với quy hoạch của các khu đất, cả về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung… Nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất với thửa đất; chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, Thời điểm tạo lập tài sản gắn liền với đất, công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với khu đất. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ sử dụng đất; quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng (nếu có) với các homestay như hiện trạng khu đất.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xác minh rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với hoạt động xây dựng công trình trên đất trái phép (nếu có).

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định, “huyện không hề hay biết họ làm gì, làm từ khi nào”. Ảnh: XT

Ngày 7/2, liên lạc với Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ông Thò Bá Rê thông tin, huyện rất bất ngờ khi một lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đi kiểm tra đầu Xuân rồi đưa lên mạng xã hội về công trình này. Huyện không nắm được. Chủ tịch huyện cũng không nắm được, không biết họ xây dựng từ khi nào. Xã cũng không báo cáo. Hiện, huyện vừa ban hành công văn yêu cầu UBND xã Mường Lống báo cáo khẩn trương để nhà đầu tư trình toàn bộ hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Xuân Thống

Link gốc: https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/la-ky-cong-trinh-kinh-doanh-du-lich-khong-phep-tro-gan-giua-ban-lang-206997.html