Kỷ niệm 28 năm thành lập thị xã Cửa Lò (29/8/1994 – 29/8/2022): Đột phá để phát triển

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, thị xã Cửa Lò từ một làng chài nhỏ đã phát triển trở thành đô thị du lịch biển đầy tiềm năng, trẻ trung, thân thiện và hiện đại… Không tự hài lòng, thị xã Cửa Lò hôm nay đã và đang tiếp tục có những nỗ lực đột phá để đi lên.

0

Đô thị du lịch biển tỏa sáng

Cửa Lò trong suốt chiều dài lịch sử tự nhiên vốn là một địa phương có bãi biển dài, đẹp với dải cát trắng và ánh nắng vàng. Cửa Lò là nơi cư trú của các làng chài và nơi tắm biển, nghỉ ngơi, dạo chơi của cộng đồng dân cư. Vẻ đẹp của Cửa Lò bắt đầu được khai phá khi mà thực dân Pháp chọn nơi đây để xây dựng những khu nghỉ dưỡng cho đội ngũ viên chức đang làm việc tại Vinh – Trung tâm công nghiệp trong cuộc khai thác thuộc địa. Sau Sapa (1903), Mẫu Đơn (1906), Bà Nà (1904), Cửa Lò chính thức trở thành một khu du lịch danh tiếng tại Việt Nam khi vào ngày 5/6/1907 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định về việc xác định phương thức sở hữu đất ở bãi biển Cửa Lò.

Bình minh Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng

Những thăng trầm của lịch sử với 2 cuộc chiến tranh cứu nước, vệ quốc vĩ đại đã khiến những kiến trúc người Pháp xây dựng ở Cửa Lò dần hư phế. Tuy nhiên, những giá trị quý báu vốn có và lâu đời nơi đây là bất diệt. Và chính những giá trị đó đã khiến Cửa Lò một lần nữa được “đánh thức”. Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 114/NĐ-CP thành lập thị xã Cửa Lò. Từ đây, Cửa Lò nhanh chóng vươn dậy trở một thị xã biển trẻ trung đầy sức sống. Du lịch Cửa Lò từng bước được khẳng định vị thế của mình trong công cuộc phát triển của đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng… Ngày 18/4/2014, Cửa Lò được Chính phủ công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước.

Không ngừng tôn tạo để phát triển, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò đã ra sức xây dựng thị xã du lịch biển xanh, sạch, đẹp, hiện đại và bền vững. Thị xã Cửa Lò đã quyết liệt thực hiện chủ trương “5 không”, thực hiện tốt phương châm “Du lịch Cửa Lò: Kỷ cương – Thương hiệu”. Thị xã đẩy mạnh công tác quảng bá trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, đặc biệt các hoạt động quy mô cấp tỉnh; phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tập huấn văn hóa ứng xử trong giao tiếp cho người dân… Cùng với đó, thị xã còn chăm lo đến công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan khu du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác cứu hộ, cấp cứu biển.

Cửa Lò dần trở thành một đô thị du lịch đầy tiềm năng, trẻ trung, thân thiện và hiện đại. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng

Vậy nên, thị xã Cửa Lò đã trở thành nơi hội tụ thu hút hàng triệu du khách mỗi năm về tham quan, nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị và tổ chức sự kiện. Thương hiệu du lịch Cửa Lò dần trở nên nổi tiếng, thân quen, hấp dẫn trong lòng bè bạn, du khách trong nước, quốc tế… Tính riêng trong năm 2019, thị xã đã đón 3.178.000 lượt khách, khách lưu trú đạt 1.620.000 lượt. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 3.450 tỷ đồng, thu thuế, phí dịch vụ du lịch đạt 50 tỷ đồng. Toàn thị xã có 304 cơ sở lưu trú, có khả năng phục vụ 25.000 ngàn lượt khách lưu trú/ngày đêm; trong đó có 54 cơ sở lưu trú 1 – 5 sao đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm Quốc tế.

Từ một làng chài nghèo ven biển, Cửa Lò đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biết nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy lợi thế từ biển để trở thành một đô thị du lịch đầy tiềm năng, trẻ trung, thân thiện và hiện đại; trở thành điểm nhấn quan trọng trên hành trình di sản miền Trung. Cửa Lò nổi bật lên như “viên ngọc xanh” của biển cả xứng đáng với lời đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO): “Đó là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu, cũng như du lịch sở thích đặc biệt. Về lâu dài Cửa Lò có thể là một trong những điểm du lịch thu hút đông khách đến thăm nhất Việt Nam”.

Thay đổi để phát triển

Khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò năm 2022. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong 2 năm 2020-2021, do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách, doanh thu du lịch của Cửa Lò giảm mạnh. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động cầm chừng, đóng cửa. Số lao động trong ngành bị mất việc làm tăng cao. Nhiều kết quả, chỉ tiêu hoạt động du lịch không đạt được như kế hoạch đề ra. Bước vào năm 2022 khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, khống chế, thị xã Cửa Lò đã có nhiều nỗ lực để khôi phục và phát triển du lịch trở lại.

Cụ thể: Thị xã Cửa Lò đã chủ động tạo dựng môi trường du lịch an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch, chỉnh trang đô thị xanh – sạch – đẹp để đón du khách; đảm bảo an ninh trật tự mọi mặt; xây dựng các điểm đến, trong đó điểm nhấn chính là các điểm đến tại phường Nghi Thủy; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Đồi hoa Cúc biển – một sản phẩm du lịch mới của Cửa Lò trong năm 2022. Ảnh: Đức Anh

Hướng tới du lịch 4 mùa, thị xã đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh tăng tần suất, số lượng các hoạt động du lịch tổ chức tại địa phương gồm các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, hội chợ với quy mô cấp tỉnh, khu vực, quốc gia xuyên suốt cả năm. Đặc biệt, trong tháng 7/2022 đã diễn ra các lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Cửa Lò: Lễ hội Cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, Lễ hội Khinh khí cầu, Lễ hội Hoa đăng được nhân dân, du khách hưởng ứng và đánh giá cao.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thị xã Cửa Lò đã thu được nhiều thành quả trong việc phục hồi và phát triển du lịch. Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: Kết quả tổng lượng khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.586.000 lượt khách, đạt 166% kế hoạch đề ra; trong đó khách lưu trú 800.000 lượt, đạt 155% kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 2.610 tỷ đồng, đạt 171 % kế hoạch… Hiện nay, thị xã Cửa Lò đã và đang tập trung cho việc kích cầu du lịch mùa thấp điểm để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và quốc tế về với địa phương vào mùa Thu – Đông (từ sau lễ Quốc khánh 2/9 đến tháng 12/2022). Mục tiêu đặt ra trong mùa Thu – Đông này, thị xã Cửa Lò đón khoảng 150.000 lượt người, trong đó khách lưu trú khoảng 23.000 lượt người, doanh thu trên 200 tỷ đồng.

Thị xã Cửa Lò chuẩn bị thực hiện một cuộc “cách mạng lớn” – giải tỏa các ki ốt khu vực lâm viên phía Đông đường Bình Minh nhằm tạo bước đột phá, phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của đô thị du lịch biển. Ảnh: Thành Cường

Các hoạt động du lịch trọng tâm trong mùa Thu – Đông của Cửa Lò là: Hội thi cắm trại và hội thi tiếng hát Hoa Phượng đỏ; Giải đua xe đạp phong trào mở rộng tranh Cúp “Hoa cúc biển”; Lễ hội Halloween; Tổ chức các giải thi đấu thể thao quy mô toàn quốc, cấp tỉnh và thị xã từ tháng 9 – tháng 12/2022; Chương trình nghệ thuật “Về miền Ví Giặm”; Lễ hội âm nhạc chào năm mới…

Các nội dung tập trung: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng những mức giá ưu đãi nhất định, cam kết về chất lượng dịch vụ tương xứng; liên kết với các công ty lữ hành, tổ chức các tour du lịch đến các điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, điểm du lịch trên địa bàn và vùng phụ cận; chỉnh trang, nâng cấp các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh một số điểm check-in; tập trung xây dựng các sản phẩm tại các làng nghề Nghi Thủy, Nghi Hải, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển du lịch mùa thấp điểm, thời gian này, thị xã Cửa Lò sẽ thực hiện một cuộc “cách mạng lớn” nhằm thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của đô thị du lịch biển. Cụ thể, ngày 22/8/2022, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò đã thống nhất Kế hoạch giải tỏa các ki ốt khu vực lâm viên phía Đông đường Bình Minh và tổ chức hoạt động kinh doanh phía Tây đường Bình Minh. Thị xã Cửa Lò xác định vấn đề giải tỏa các ki ốt khu vực lâm viên phía Đông đường Bình Minh là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung chỉ đạo thực hiện “thần tốc”, giải tỏa đồng bộ, đồng loạt, nhanh gọn, không có trường hợp ngoại lệ (hoàn thành trong tháng 10/2022). Vấn đề chỉnh trang các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phía Tây đường Bình Minh năm 2023 đến 2025 gắn với tổ chức hoạt động kinh doanh phía Tây đường Bình Minh là vấn đề “ sống còn” và dài lâu, xóa bỏ tính mùa vụ, hướng đến du lịch 4 mùa.

Với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng trong tương lai gần, hệ thống cơ sở hạ tầng tại thị xã Cửa Lò sẽ khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cửa Lò sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng để tắm biển, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, để lại ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước./.

Theo Thanh Chung

Link gốc: https://baonghean.vn/ky-niem-28-nam-thanh-lap-thi-xa-cua-lo-29-8-1994-29-8-2022-dot-pha-de-phat-trien-post258044.html