Kinh doanh tư vấn du học: Những thực tiễn cần tháo gỡ

Luật Đầu tư 2020 ghi nhận ngành nghề Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thực chất đây lại là một quy định mở cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi thực hiện kinh doanh dịch vụ này, doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật và phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình thực hiện chuyên đề nghiên cứu: ”Kinh doanh tư vấn du học: Những thực tiễn cần tháo gỡ”, Kinh doanh và Phát triển điện tử đã nhận được một số phản ánh trái chiều tại một trường THPT ở Nghệ An về vấn đề này.

0

Góc nhìn căn cứ pháp lý

Qua phân tích, rà soát văn bản, hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được hướng dẫn thực hiện dựa trên: Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; Thông tư số 10/2014/TT-BGD ĐT ngày 11/04/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài. Từ đó cho thấy, điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như sau: Các tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Điều kiện về nhân sự: Trình độ của đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học, cụ thể: có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, theo quy định hiện hành, Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã lược bỏ điều kiện về ký quỹ và lược bỏ điều kiện về trình độ của người đứng đầu tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Cũng theo quy định pháp lý, quy trình kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm 2 bước: Bước 1 thành lập công ty và Bước 2 là thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Về bước 1, trước khi thực hiện xin cấp phép tư vấn du học, thì doanh nghiệp phải đăng ký thành lập công ty, trong đó bắt buộc phải đăng ký kinh doanh ngành nghề Dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Chi tiết: Dịch vụ tư vấn du học. Hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư khá nhanh gọn, chỉ từ 6-8 ngày doanh nghiệp có thể hoàn thành xong tất cả thủ tục.

Về bước 2, tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, hồ sơ phải bảo đảm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng); Hồ sơ nhân sự; Thông tin thị trường tư vấn du học (đối tác) gồm: Các thoả thuận hợp tác và hồ sơ pháp lý của cơ sở đào tạo nước ngoài; Thông tin về cơ sở vật chất: hợp đồng thuê nhà, bản sao công chứng sổ đỏ, địa chỉ phải đáp ứng điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.

Thực tiễn theo phản ánh tại Trường THPT Quế Phong

Trong quá trình triển khai Chuyên đề nghiên cứu đa chiều, nhất là dưới góc nhìn pháp lý và xã hội, qua khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, chúng tôi nhận được phản ánh về vấn đề đi du học và xuất khẩu lao động của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Quế Phong (tỉnh Nghệ An).

Theo thông tin phản ánh, gồm những vấn đề thực tiễn như sau:

Ban giám hiệu nhà trường THPT Quế Phong cùng với một số thầy cô chủ nhiệm khối 12 đã cho Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ và Hợp Tác Quốc Tế Đông Dương, địa chỉ: Số 80, đường Lý Tự Trọng, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh – (Gọi tắt Công ty Đông Dương) – vào tư vấn du học, xuất khẩu lao động và thu tiền của học sinh khối 12. Trong khi đó, về pháp lý, Công ty Đông Dương không được sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cấp phép. Trong nội dung phản ánh đề cập, qua trao đổi với thầy Nguyễn Tiến Trung – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, thì thầy Nguyễn Tiến Trung vẫn khẳng định là nhà trường đúng và nhà trường rất tạo điều kiện để Công ty Đông Dương vào hoạt động trong trường.

Công ty Đông Dương được thành lập vào ngày 10/12/2021, tính đến nay mới được 6 tháng, mà nhà trường đã cho vào tư vấn từ nhiều tháng trước. Như vậy đặt ra vấn đề đặt ra là: Thời gian tối thiểu của một kỳ đào tạo để học sinh bay đi du học là vào khoảng 6 tháng, đối chiếu với thời gian từ lúc thành lập đến lúc Công ty Đông Dương vào trường THPT Quế Phong tư vấn cho học sinh, thì nhà trường đã nghiên cứu và làm rõ vấn đề chất lượng chưa? Điều này liệu có rủi ro cho tương lai của học sinh và tài chính của phụ huynh.

Cũng theo phản ánh, căn cứ quy định của luật pháp, Công ty Đông Dương không được đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng vẫn quảng cáo đưa người đi xuất khẩu lao động. Công ty Đông Dương quảng cáo trên tờ rơi là có văn phòng tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Đức. Vậy nếu Công ty có văn phòng tại các nước đó thì Trường THPT Quế Phong và các cơ quan chức năng đã xem giấy tờ pháp lí để khẳng định chưa?

Khi đề cập về sự an toàn, rủi ro có thể xảy ra trong tương lai của các em học sinh và tài chính của phụ huynh, theo thông tin phản ánh, thì thầy Nguyến Tiến Trung cho rằng: Việc này nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm, nếu hậu quả xấu thì phụ huynh tìm công ty giải quyết.

Trong nội dung phản ánh chúng tôi nhận được, cũng nêu một vài ý kiến của phụ huynh và đơn vị chức năng. Như bác Mong Văn Phương, cho biết, dựa vào những lời nói của ông Hồ Văn Danh – Giám đốc Công ty, thì có nhiều em học sinh Trường THPT Quế Phong đã đóng số tiền tối thiểu 5 triệu/học sinh cho Công ty Đông Dương, hiện nay có khoảng 40 gia đình đã đóng tiền cho Công ty Đông Dương; Thầy Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo Dục Chuyên Nghiệp – Giáo Dục Thường Xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) – phụ trách về mảng tư vấn du học, khẳng định: Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn về các trường THPT trên địa bàn và tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An có công văn chấn chỉnh về các hoạt động tư vấn du học. Trong đó có một nguyên tắc rất rõ ràng và tuyệt đối không được làm sai đó là: Những công ty muốn hoạt động tư vấn du học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì điều kiện tiên quyết là phải được sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cấp phép, đối với các công ty không được cấp phép thì tuyệt đối không được hoạt động và không được vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tư vấn, thu tiền học sinh.

Như vậy, với toàn bộ những thông tin phản ánh nêu trên chúng tôi nhận được trong quá trình thực hiện Chuyên đề nghiên cứu, rất cần Ban giám hiệu và các thầy cô chủ nhiệm Trường THPT Quế Phong xem xét lại quy trình cho phép Công ty Đông Dương vào tư vấn, các thủ tục pháp lý đã đúng chưa? Công ty Đông Dương đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tư vấn chưa? Về đơn vị chức năng, thiết nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cần rà soát, thanh kiểm tra, để làm rõ, minh bạch, khách quan những thông tin đang phản ánh.

Theo PV

Link gốc: https://kinhdoanhvaphattrien.vn/kinh-doanh-tu-van-du-hoc-nhung-thuc-tien-can-thao-go.html