Khách hàng đồng loạt tố Fastship Việt Nam có dấu hiệu chiếm dụng tiền

Công ty TNHH Fastship Việt Nam do ông Phạm Văn Hoàng đứng đầu đã có dấu hiệu chiếm dụng tiền của nhiều khách hàng...

0
Đồng loạt “Đơn kêu cứu” của khách hàng gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam tố cáo hành vi chiếm dụng tiền của Công ty TNHH Fastship Việt Nam. Ảnh: Công Lý.

Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp nhận “Đơn kêu cứu” đồng loạt của các đơn vị bị Công ty TNHH Fastship Việt Nam chiếm dụng tiền. Được biết, người đứng ra thành lập doanh nghiệp trên là ông Phạm Văn Hoàng.

Một trong những trường hợp bị hại là bà Đ. T. A., sinh ngày 13/10/1973, trú tại số nhà 62 Lý thái Tông, khối 2, phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An. Bà A. là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư HAM.

Trong Đơn kêu cứu, bà Đ. T. A. phản ánh hành vi mang dấu hiệu chiếm dụng tiền của ông Phạm Văn Hoàng, SN 1/10/1991; hộ khẩu thường trú: Đội 3, thôn Đông Thanh, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; chỗ ở hiện tại, cũng là trụ sở chính của Công ty TNHH Fastship Việt Nam: 637 – 639  Nguyễn Tất Thành, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng, Việt Nam.

Ông Phạm Văn Hoàng là người thành lập, đồng thời giữ chức vụ Giám đốc của Công ty TNHH Fastship Việt Nam. Nhận thấy thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực chuyển phát hàng hóa đang trong giai đoạn cực kì sôi động, ông Hoàng đã thuê hệ thống phần mềm để chủ động quản lý, theo dõi hàng hóa chuyển phát nhanh trong nước.

Nhiều đơn vị điêu đứng vì trót đặt niềm tin vào Fastship Việt Nam. Ảnh: Công Lý.
Quá trình thực hiện, Fastship Việt Nam đã quảng bá rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tạo dựng niềm tin, thông qua hình thức “bán nhượng quyền thương hiệu, chiếm dụng tiền cọc và tiền thu hộ hoàng hóa (thu hộ COD) sau khi được gửi qua hệ thống”.

Với thái độ hết sức bất bình, bà Đ. T. A. kể về chiêu bài cao tay của Công ty TNHH Fastship Việt Nam: “Vào khoảng tháng 7/2022, tôi thấy Công ty TNHH Fastship Việt Nam đăng thông tin nhượng quyền bưu cục với nhiều điều khoản hấp dẫn. Sau khi tìm hiểu tôi có để lại thông tin liên lạc, về sau được ông Phạm Thế Cường, giới thiệu là quản lý khu vực Nghệ An gọi đến để đặt vấn đề cùng hợp tác.

Qua những lời chào mời cùng những cam kết, đi kèm với đó là các loại giấy tờ liên quan (bản mềm hợp đồng), tôi đã đồng ý mua nhượng quyền khu vực thành phố Vinh, Nghệ An”.

Bà Đ. T. A. quả quyết, chỉ trong thời gian ngắn, ông Cường liên tục hối thúc, khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, bằng không sẽ… mất cơ hội.

Theo yêu cầu của ông Cường đưa ra, bước đầu bà Đ. T. A. phải đặt cọc 5.000.000 đồng, đồng thời bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh trong giấy phép công ty, hợp đồng thuê mặt bằng, làm bảng hiệu trang trí bưu cục, hoàn thiện hợp đồng giữa 2 bên (bản mềm) thì Công ty Fastship mới đóng dấu, gửi bản cứng ra.

Sau đó ông Cường lại yêu cầu chuyển vào tài khoản của công ty Fastship Việt Nam số tiền lên đến 90.000.000 đồng, xem đây là mấu chốt để chính thức kích hoạt hệ thống hoạt động, vận hành.

Kế đó ông Cường cung cấp một tài khoản trên Intenet để đăng nhập vào hệ thống vận chuyển hàng hóa do Công ty Fastship quản lý. Ngoài ra còn có một APP của shipe để vận hành, đăng nhập thông tin khách hàng khi gửi hàng vào hệ thống.

Fastship thừa nhận “chưa hoàn thành tốt nghĩa vụ tài chính” nhưng không khắc phục. Ảnh: Công Lý.

Tuy nhiên, khi truy cập, phía Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư HAM nhận thấy nhiều nội dung không đúng như cam kết của ông Cường trước đó. Cụ thể là không có hệ thống xe kết nối để vận chuyển hàng hóa, không có hàng hóa vận chuyển về bưu cục để giao cho khách hàng. Thực tế chỉ nhận hàng hóa gửi đi qua hệ thống quản lý (hệ thống qua giao diện dạng APP) của công ty Fastship, sau đó thuê đơn vị trung gian chuyển phát nhanh Ninja Van để giao cho khách hàng.

“Không tuân thủ theo cam kết đã đành, đội ngũ của ông Phạm Văn Hoàng còn chiếm dụng luôn tiền thu hộ hàng hóa (tiền thu hộ COD) của chúng tôi. Nhận thấy dấu hiệu chiếm dụng tiền, tôi tức thì rút lại tiền PICKUP (gọi là tiền phí vận chuyển hàng hóa được nạp vào tài khoản của công ty Fastship 19000100999, mở tại Ngân hàng Tiền Phong (TPbank) để trừ dần tự động trên APP) nhưng không giao dịch được.

Đến tháng 11/2022, tôi liên lạc với ông Cường yêu cầu dừng hoạt động và đề xuất hoàn trả lại số tiền 95.000.000 đồng đã nộp 2 lần trước đó. Một mặt ông Cường hứa hẹn, mặt khác yêu cầu tôi phải thanh lý hợp đồng theo nội dung Công ty Fastship đưa ra để đổ lỗi cho chúng tôi. Về sau, phía Công ty Fastship cũng như bản thân ông Cường chủ động cắt đứt liên lạc”, bà Đ. T. A. bức xúc.

Cùng chung cảnh ngộ là trường hợp của ông B. Đ. Tr. trú tại tổ 11, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là Giám đốc Công ty TNHH chuyển phát nhanh Sáng Bình Minh.

Theo ông Tr., đầu năm 2022 ông được tư vấn các nội dung liên quan đến hợp đồng (thủ tục, chính sách, hình thức kết nối, phương thức hoạt động) cũng như chi phí nhượng quyền với số tiền ký quỹ 113.000.000 đồng từ ông Bùi Trọng, nhân viên khu vực Bắc Ninh.

Chấp nhận hợp tác cùng Công ty TNHH Fastship Việt Nam, đại diện pháp lý là ông Phạm Văn Hoàng, ông Tr. đã chuyển vào tài khoản của đối tác đủ số tiền nêu trên. Đáng nói khoản này chưa bao gồm tiền làm bảng hiệu, tiền thuê mặt bằng, nhân viên, mua sắm máy móc… để vận hành theo yêu cầu của Fastship Việt Nam.

Khách hàng vạch trần chiêu trò của Công ty TNHH Fastship Việt Nam. Ảnh: Công Lý.

Trong thời gian hoạt động từ 15/7 – 15/10/2022, ông Tr. tá hỏa khi phát hiện đối tác có dấu hiệu vi phạm hợp đồng kinh doanh, thực hiện hành vi chiếm dụng tài sản bằng cách không trả tiền COD (150.000.000 đồng) cho bưu cục để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho khách hàng.

“Từ 15/10/2022 đến nay Công ty TNHH Fastship Việt Nam đơn phương dừng nhận và gửi hàng gây thiệt hại nặng về mặt kinh tế. Thời gian qua, các đơn vị được nhượng quyền đã nhiều lần yêu cầu Fastship Việt Nam, đại diện là ông Phạm Văn Hoàng trả lời rõ các vấn đề thiếu minh bạch và nêu hướng xử lý cụ thể cho các bưu cục.

Ông Hoàng đã gửi rất nhiều văn bản xin lỗi đến các đơn vị được nhượng quyền và hứa sẽ khắc phục hậu quả, tuy nhiên đến nay đã gần 1 năm nhưng bưu cục của tôi vẫn chưa được thanh toán tiền COD, tiền tài chính và các thiệt hại kinh tế khác”, ông Tr. nói.

Ông Tr. khẳng định đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo và đội ngũ nhân viên của  Fastship Việt Nam bằng nhiều hình thức nhưng không nhận được phản hồi: “Ông Phạm Văn Hoàng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm dụng tổng cộng 264.000.000 đồng của tôi”, ông Tr. lật tẩy chiêu trò ma mãnh.

Hành vi chiếm dụng tiền của Công ty TNHH Fastship Việt Nam với vai trò chủ mưu của ông Phạm Văn Hoàng đã rõ, nhất thiết các đơn vị chức năng cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh.
Theo Nhóm PVĐT

 

Link gốc: https://nongnghiep.vn/khach-hang-dong-loat-to-fastship-viet-nam-co-dau-hieu-chiem-dung-tien-d358642.html