Kết thúc ca cấy ghép thận từ lợn sang người kéo dài kỷ lục 61 ngày
Ngày 14/9, các bác sĩ phẫu thuật Mỹ cho biết họ đã ghép thận từ lợn biến đổi gien cho một bệnh nhân chết não, kết thúc thí nghiệm dài kỷ lục trong 61 ngày.
Quy trình thử nghiệm mới nhất này là một phần của lĩnh vực nghiên cứu đang diễn ra nhằm thúc đẩy việc cấy ghép bộ phận từ loài khác sang người. Các thí nghiệm như vậy đang ở giai đoạn tiến hành trên những cơ thể người đã được hiến tặng cho khoa học.
Chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 103.000 người chờ ghép tạng, trong đó 88.000 người cần thay thận.
Bác sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện Cấy ghép Langone thuộc Đại học New York, người đứng đầu cuộc phẫu thuật ở New York, cho biết: “Chúng tôi đã học được rất nhiều điều trong suốt hai tháng quan sát và phân tích chặt chẽ vừa qua, và có lý do chính đáng để hy vọng vào tương lai”.
Đây là ca cấy ghép dị chủng thứ năm được bác sĩ Montgomery thực hiện. Ông là người thực hiện ca ghép thận từ lợn biến đổi gien đầu tiên trên thế giới cho người vào tháng 9/2021.
Các mô được thu thập trong quá trình nghiên cứu cho thấy quá trình đào thải nhẹ đã xảy ra, đòi hỏi phải tăng cường dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Bằng cách loại bỏ gien tạo ra phân tử sinh học có tên alpha-gal, nhóm bác sĩ đã có thể ngăn chặn sự đào thải ngay lập tức.
Con lợn để lấy thận trong thí nghiệm này được chọn từ đàn lợn của công ty công nghệ sinh học Revivicor ở Virginia.
Đàn lợn của công ty này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận để cung cấp thịt cho những người quá mẫn cảm với phân tử alpha-gal, một chứng dị ứng do vết cắn của bọ ve gây ra.
Đàn lợn của công ty được nhân giống chứ không phải nhân bản, nghĩa là quá trình này có thể được mở rộng quy mô dễ dàng hơn.
Nghiên cứu cấy ghép dị chủng ban đầu dựa vào nội tạng từ các loài linh trưởng. Quả tim của khỉ đầu chó được cấy vào một đứa trẻ sơ sinh được gọi là “Baby Fae” năm 1984, nhưng em bé chỉ sống được 20 ngày.
Những nỗ lực hiện nay tập trung vào lợn, loài được coi là nguồn hiến tặng lý tưởng cho con người vì kích thước cơ quan nội tạng tương đồng, tốc độ tăng trưởng nhanh và sinh sản dễ.
Tháng 1/2022, các bác sĩ phẫu thuật tại Trường Y Đại học Maryland thực hiện ca cấy ghép từ lợn sang người đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân còn sống, với một quả tim. Người tiếp nhận qua đời sau 2 tháng vì virus cytomegalo.
Tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc xuất bản bài báo khẳng định họ đã thành công trong việc tạo ra thận lai giữa lợn và người, một phương pháp thay thế có tiềm năng một ngày nào đó sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương pháp này đặt ra các vấn đề về đạo đức, nhất là khi tế bào của con người cũng xuất hiện trong não lợn.
Tác giả: Bình Giang
Nguồn: tienphong.vn