Kết đắng sau màn ‘phù phép’ dự án khủng; doanh nghiệp khốn khổ với ngân hàng

Ngân hàng 'trói chân' doanh nghiệp, vay vốn khó như lên trời; Dự án bất động sản tai tiếng khiến chủ tịch LDG bị bắt; Một ngân hàng giảm lãi suất thấp kinh ngạc... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Ngân hàng ‘trói chân’ doanh nghiệp, vay vốn khó như… lên trời

Tại cuộc họp chiều 30/11 với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 8,35%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những “cục máu đông” khiến huyết mạch tín dụng của nền kinh tế bị tắc nghẽn là các quy định “trên trời” của Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là những bất cập Khoản 6, Điều 22.

Theo quy định trên, các khoản vay để thực hiện nghĩa vụ (ký quỹ, đặt cọc…) của doanh nghiệp sẽ bị “phong tỏa” tại TCTD, trong khi đây là “phao cứu sinh” để doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nếu muốn sử dụng khoản vay này, doanh nghiệp phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo. Nói cách khác, với cùng 1 khoản vay nhưng doanh nghiệp phải gấp đôi tài sản đảm bảo.

Quy định vô lý này đang dồn nhiều doanh nghiệp vào bước đường cùng bởi đã khó khăn chồng chất lại càng khốn đốn hơn khi vay vốn mà không được sử dụng.

Hàng rào quy định NHNN đưa ra như đánh đố doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chồng chất (ảnh minh họa).

‘Vén màn’ dự án bất động sản tai tiếng khiến chủ tịch LDG bị bắt

Ngày 30/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (LDG Investment – mã chứng khoán: LDG) – về tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xảy ra tại dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức thi hành Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bị can Nguyễn Khánh Hưng.

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh có diện tích hơn 18 ha, được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm vào năm 2016. Diện tích đất của dự án có nguồn gốc từ 402 thửa đất của Nông trường cao su An Viễng và các hộ gia đình, cá nhân. LDG Investment đã sử dụng các thửa đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ủy quyền sử dụng đất và mua bán đất bằng giấy viết tay không đúng quy định của pháp luật.

Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đến nay, Công ty LDG Investment không thực hiện báo cáo tình hình triển khai dự án theo quy định, chưa thực hiện thủ tục trình Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và giáo dục. Riêng công trình nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư không cung cấp được giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng và chưa có thông báo thời điểm khởi công xây dựng, kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định.

Đến thời điểm thanh tra vào tháng 6/2021, LDG Investment chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Thế nhưng, từ năm 2018 – 2020, Công ty LDG Investment đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó có 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong; 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở. Ngoài ra, đã thi công hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, công viên cây xanh.

Trong khi dự án chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì LDG Investment đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Trong số này, đã thanh toán cho công ty từ 25 – 95% giá trị hợp đồng, có 7 hộ chuyển đến sinh sống. Ngoài ra, qua thanh tra cũng xác định hàng loạt sai phạm về đất đai, xây dựng có liên quan đến cán bộ của nhiều đơn vị 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Một ngân hàng giảm lãi suất thấp kinh ngạc

Ngày 30/11, ngân hàng Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn. Theo đó, tại kỳ hạn 12 tháng xuống còn 4,8%/năm, mức thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này và thấp nhất trong nhóm Big 4 (quốc doanh).

Cụ thể, ngày hôm nay, ngân hàng Vietcombank giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 3,7%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng chỉ còn 4,8%/năm.

Bảng lãi suất ngân hàng Vietcombank ngày 30/11 (ảnh: Ngọc Mai).

Với đợt điều chỉnh lãi suất nói trên, Vietcombank là ngân hàng trong nhóm Big 4 đưa lãi suất huy động có kỳ hạn thấp nhất thị trường hiện chỉ còn 2,4%/năm.

Thanh Hóa gửi ‘trát’ xử phạt Tập đoàn FLC

Cơ quan chức năng thành phố Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chấp hành nghiêm quyết định xử phạt hành chính, do để xảy ra vi phạm tại Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị xử phạt hành chính do vi phạm về xây dựng tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa.

Cụ thể, do vi phạm về xây dựng tại Lô C4, C5 Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hoá ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá, ngày 20/10/2023, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với số tiền 90 triệu đồng.

Đến nay đã quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chưa tiến hành nộp tiền xử phạt vào Kho bạc Nhà nước theo quy định, chưa tổ chức khắc phục hậu quả, chưa nộp hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền cấp phép, lập hồ sơ xin điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Bất ngờ về một tỉnh có năng suất lao động hơn 560 triệu đồng/người

Ngày 30/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023.

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của các vùng kinh tế có sự phát triển không đồng đều. Kéo theo đó, năng suất lao động cũng phân cực mạnh. Một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa – Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người/năm), TPHCM (305,5 triệu đồng/người/năm), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người/năm).

Trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người/năm), Bến Tre (75 triệu đồng/người/năm). Sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn.

Có lao động mất việc nhận hơn 23 triệu đồng mỗi tháng bảo hiểm thất nghiệp

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, tính tới hết tháng 10/2023, đã giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 142.700 lao động mất việc làm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 10/2023, Trung tâm tiếp nhận 14.227 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 17% so với tháng 9.

Người lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê, hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất của người lao động trên địa bàn TPHCM là 23,4 đồng/tháng; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp nhất hơn 1,1 triệu đồng/tháng; bình quân mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn hơn 5,5 triệu đồng/tháng; thời gian hưởng trợ cấp bình quân 6 tháng mỗi người.

Người hưởng trợ cấp thất nghiệp cao thường rơi vào nhóm những người có trình độ chuyên môn cao, làm công việc văn phòng hoặc quản lý, với mức đóng cao.

Tác giả: Duy Phạm

Nguồn: tienphong.vn