Ì ạch tiến độ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An

Xã Diễn Thọ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao đất thực địa từ lâu nhưng đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ, nhiều điểm đứt đoạn.

0
Đại công trường đang ngổn ngang trăm mối. Ảnh: Khôi An.

Dự án trọng điểm chậm tiến độ

Ngày 2/6/2023 Ban quản lý dự án 6 (BQLDA6) có Văn bản số 122/BC-BQLDA6 báo cáo Cục quản lý đầu tư xây dựng và Thanh tra Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020.

Dự án có chiều dài 50km qua địa phận 2 tỉnh Thanh Hóa (6,5km) và Nghệ An (43,5km). Tổng cộng 23 cầu được xây dựng trên tuyến, bao gồm 14 cầu trên tuyến chính, 8 cầu trên các tuyến đường ngang và 1 cầu trong nút giao liên thông, cùng với đó là 3 nút giao liên thông (QL48D, QL48B và QL7).

Dự án là công trình giao thông đường bộ cấp I, có tổng mức đầu tư trên 7.293 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, BQLDA6 chịu trách nhiệm quản lý dự án.

Đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020. Ảnh: Anh Khôi.

Số liệu báo cáo từ BQLDA6 thể hiện nhiều vị trí vướng giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết, nổi cộm là khu vực huyện Diễn Châu với 5 hộ ở mố M0 và 14 hộ khác ở mố M1 tại phạm vi đường dẫn đầu cầu vượt ngang Diễn Đoài.

Ngoài ra, tại huyện Yên Thành vướng 1 vị trí đường điện cao thế phạm vi cầu vượt Đô Thành.

Ghi nhận đến ngày 2/6/2023 toàn tuyến mới thi công cấp phối đá dăm loại I đạt 39/50km; cấp phối gia cố xi măng được trên 32/50km; bê tông nhựa rỗng (lớp 1) được 17km; bê tông nhựa chặt C19 (lớp 2) được 5km…

Lũy kế giải ngân cùng thời điểm đạt trên 4.900 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị trên 3.000 tỷ; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 166 tỷ; giải phóng mặt bằng đạt hơn 1.600 tỷ. Đáng chú ý, năm 2023 dự án được bố trí trên 1.675 tỷ, tập trung chủ yếu là phần vốn xây lắp (1.468 tỷ), dù vậy đã qua nửa năm mới giải ngân được trên 320 tỷ, tương đương 21%.

Ngày 1/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Để đảm bảo tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương và chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Từ những số liệu nêu trên, có thể khẳng định Dự án đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu trên cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 chậm tiến độ.

Tuy nhiên, việc viện dẫn “5 hộ ở mố M0 và 14 hộ ở mố M1 tại phạm vi đường dẫn đầu cầu vượt ngang Diễn Đoài” là một trong những nguyên nhân xem ra không thực sự thuyết phục.

Chi tiết hơn, sau khi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất làm rõ nội dung cắm mốc lộ giới cầu vượt ngang Diễn Đoài tại Km414+208, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau: “Quốc lộ 48 đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1991, hiện trạng là đường cấp III, có giới hạn hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ là 13m tính từ đất của đường bộ, đã thực hiện cắm mốc lộ giới ngoài hiện trường theo Quyết định 301/QĐ-SGTVT ngày 17/5/2016 của Sở Giao thông vận tải.

Như vậy, việc xác định giới hạn hành lang an toàn đường bộ đối với QL48 đã được pháp luật quy định cụ thể, bao gồm cả đoạn đường bộ dự kiến thay thế bằng cầu cạn vượt đường cao tốc tại Km414+208 khi triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu.

Đối với phần đất nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền”.

Công tác xác định mốc giới hành lang giao thông quá chậm góp phần nảy sinh những vấn đề tranh cãi không đáng có. Ảnh: Khôi An.

Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, việc xây cầu cạn vượt đường cao tốc tại Km414+208 thực chất là hoàn trả lại đoạn tuyến đường bộ trên QL48, là hạng mục thuộc công trình đường bộ. Mặt khác, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy mô QL48 không đổi với giới hạn hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi cột mốc lộ giới đã cắm ngoài hiện trường.

Từ ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, thấy rằng “5 hộ ở mố M0 và 14 hộ ở mố M1 tại phạm vi đường dẫn đầu cầu vượt ngang Diễn Đoài” nằm ngoại phạm vi giải phóng mặt bằng, không liên quan đến quá trình thu hồi đất phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, đồng nghĩa không thuộc đối tượng được hỗ trợ, đền bù.

Tuy nhiên, chính vì công tác xác định “giới hạn hành lang an toàn giao thông” quá chậm kéo theo những vấn đề phát sinh không đáng có đã dồn cả tấn áp lực lên vai chính quyền sở tại.

Những dấu hỏi xoay quanh quá trình thi công

Đi qua địa giới hành chính huyện Diễn Châu có 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam, riêng tuyến Diễn Châu – Bãi Vọt trải dài qua 4 xã Diễn Thọ, Diễn Cát, Diễn Lợi, Diễn Phú đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án 6 và Doanh nghiệp dự án triển khai thi công cả năm trời. Dù vậy quá trình thực hiện không đảm bảo và không kịp thời.

Xã Diễn Thọ là một trong những đơn vị hoàn thành công tác GPMB sớm nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Anh Khôi.

Phần lớn diện tích bị ảnh hưởng là đất nông nghiệp, lại có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Diễn Thọ được đánh giá là xã đi đầu về hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Có điều dù đã bàn giao đất thực địa từ lâu nhưng đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ, nhiều điểm đứt đoạn.

Không chỉ có thế, quá trình thi công dự án cao tốc Bắc – Nam còn gián tiếp chia cắt hệ thống mương tưới, khiến việc cung cấp nước cho gần 1ha “bờ xôi ruộng mật” của bà con xã Diễn Thọ bị chặn đứng hoàn toàn. UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức làm việc với các bên liên quan, trực tiếp BQLDA6 cũng đề xuất phương án lắp tạm đường ống nước và bơm phục vụ sản xuất trước ngày 30/12/2022. Thế nhưng hơn 1,5 năm trôi qua, những lời hứa hẹn mỹ miều đã bay theo gió.

Nhằm đảm bảo canh tác lâu dài, địa phương cũng đề nghị BQLDA6 bổ sung thêm 1 cống D1,25 vị trí Km433+650 để cấp nước ổn định cho những điểm bị tắc nghẽn, cũng như có phương án hỗ trợ chi phí cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng dựa trên thực tế. Những đề xuất này rất sát sườn, tuy nhiên mọi thứ vẫn đang nằm ở chế độ chờ.

Hơn 1.000m2 “bờ xôi ruộng mật” của xã Diễn Thọ không thể canh tác khi dự án cao tốc Bắc – Nam được triển khai. Ảnh: Khôi An.

Ở diễn biến khác, 2 tuyến Diễn Châu – Bãi Vọt và Nghi Sơn – Diễn Châu qua địa bàn xã Diễn Cát ảnh hưởng đến 45ha diện tích đất các loại của khoảng 500 hộ dân. Xuyên suốt quá trình thi công các đơn vị nhà thầu chưa quan tâm đến công tác môi trường, tương tự là những nút thắt xoay quanh công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đơn cử là trường hợp của hộ ông Lê Huy Hạnh, công dân xóm 2B. Ông Hạnh khẳng định thửa ruộng của gia đình ở vùng Cửa Bồng với quy mô diện tích hơn 1.000m2 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do công trình đường gom cao tốc đi qua, nước từ đường xả trực tiếp xuống ruộng làm xáo trộn môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình sinh trưởng của lúa. Gia đình đã cấy lại nhiều lần nhưng lúa vẫn bị chết.

Thực trạng lúa chết đã được chứng thực, bản thân ông Hạnh đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tuy nhiên nhà thầu thi công (Công ty CP xây dựng Trường Sơn) bác bỏ trách nhiệm. Trực tiếp lãnh đạo xã Diễn Cát xác nhận, đến thời điểm này các bên liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo Nhóm PVĐT

Link gốc: https://nongnghiep.vn/i-ach-tien-do-cao-toc-bac–nam-doan-qua-nghe-an-d353836.html