Hướng đến một ASEAN không ma túy
ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò trung tâm của khối trong các diễn đàn khu vực và cơ chế hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về ma túy một cách hiệu quả và bảo đảm lợi ích chung của ASEAN để giải quyết vấn đề ma túy một cách đồng bộ và toàn diện….
Sáng 11/8, tại Thủ đô Vientiane, CHDCND Lào đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 8 (AMMD 8).
Tham dự buổi lễ có Đại tướng Vilay Lakhamphong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào; các Bộ trưởng, Trưởng đoàn 10 nước ASEAN và Timo Leste; ông Kao Kim Hourn, Tổng Thư ký ASEAN, cùng các quan chức cấp cao về phòng chống ma túy của ASEAN.
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Công an Lào Vilay Lakhamphong cho biết, tình hình tội phạm ma túy đang lan rộng tới mọi ngóc ngách trên thế giới, làm gia tăng mức độ nguy hiểm, gắn liền với tội phạm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền và tội phạm có vũ trang, có xu hướng gia tăng theo từng năm, trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như sự ổn định về mặt chính trị và an ninh của cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Vilay Lakhamphong, ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò trung tâm của khối trong các diễn đàn khu vực và cơ chế hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về ma túy một cách hiệu quả và bảo đảm lợi ích chung của ASEAN để giải quyết vấn đề ma túy một cách đồng bộ và toàn diện….
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, AMMD 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhất là những tác động tiêu cực sau thời kỳ đại dịch COVID-19 làm gia tăng sự phức tạp của tình hình ma túy khu vực. Thị trường ma túy ngày càng liên kết chặt chẽ và đa dạng hóa hoạt động sản xuất, mua bán trái phép các chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.
Cùng với đó, các băng nhóm tội phạm đã triệt để lợi dụng không gian mạng, các sàn thương mại điện tử và những sơ hở trong công tác kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia để gia tăng các hoạt động phạm tội cả về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tội phạm và tệ nạn ma túy đang là thách thức nghiêm trọng tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tiếp tục là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, đe dọa đến an ninh chính trị, kinh tế xã hội của Cộng đồng chung ASEAN.
Để đấu tranh có hiệu quả với hiểm họa ma túy, Chính phủ Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp; giảm cung cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra. Việt Nam đã tiến hành sửa đổi và thông qua Luật phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách tầm vĩ mô với những mục tiêu dài hạn như Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 và chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn tầm nhìn đến năm 2030.
Triển khai lồng ghép các kế hoạch và sáng kiến hợp tác chung của ASEAN vào chương trình quốc gia phòng, chống ma túy. Trong đó, dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa. Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam đang đổi mới triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, công tác xác định tình trạng nghiện và quản lý sau cai nghiện; quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Ngoài những nỗ lực trong nước, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực. Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là không khoan nhượng với ma túy, kiên quyết không để trở thành địa bàn trung chuyển ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế – xã hội, nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy; đồng thời, chú trọng vào hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.
Với trách nhiệm của một nước thành viên, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động chung của khu vực như Hội nghị quan chức cấp cao các nước ASEAN lần thứ 43, 44; phối hợp xây dựng báo cáo đánh giá Kế hoạch hợp tác ASEAN về đấu tranh mua bán và sản xuất ma túy trái phép tại khu vực Tam giác vàng 2020 -2022; báo cáo giám sát ma túy ASEAN năm 2022; Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN tại Phiên họp cấp cao của Hội nghị CND lần thứ 67 tại Viên, Áo năm 2024 và Tuyên bố của ASEAN tại Hội nghị này. Qua đó, thúc đẩy đối thoại và tạo điều kiện chia sẻ thông tin về tình hình ma túy bất hợp pháp trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy trên toàn cầu và hạn chế thấp nhất hậu quả mà nó để lại cho xã hội đòi hỏi các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục thể hiện một tinh thần hợp tác và chia sẻ trách nhiệm cao hơn nữa.
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, thời gian tới, các quốc gia thành viên ASEAN cần tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống ma túy.
Ở cấp độ khu vực, các nước cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như: AMMD, Tổ công tác phòng, chống ma túy qua đường hàng không, cảng biển hoặc xem xét xây dựng các cơ chế hợp tác khác để đạt được hiệu quả hơn nữa. Tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động tác chiến xuyên quốc gia; triển khai các giải pháp kiểm soát và phòng, chống thất thoát tiền chất, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy; tăng cường triển khai trạm kiểm soát ma túy tại các tuyến trọng điểm; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường và mở rộng hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO).
Ở cấp độ quốc gia, các bên cần chủ động nâng cao chất lượng trao đổi thông tin qua cơ quan đầu mối; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm về ma túy xuyên quốc gia.
Các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác với các nước đối tác, đối thoại của ASEAN trong lĩnh vực nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống ma túy. Đồng thời, tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong việc thể hiện quan điểm, lập trường đối với chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu, đóng góp tiếng nói xây dựng nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Kết thúc bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, Việt Nam tin tưởng rằng, sự nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ mang lại kết quả như mong muốn. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm chung với các nước thành viên ASEAN trong phòng, chống ma túy và mong muốn các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công trong công tác này, góp phần xây dựng một khu vực phát triển thịnh vượng và hướng đến một ASEAN không ma túy. Việt Nam tin tưởng rằng, kết quả của Hội nghị AMMD lần thứ 8 sẽ thể hiện cam kết chính trị cấp ASEAN trong phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 -20125.
*Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã có các cuộc gặp song phương với Trưởng đoàn một số nước để trao đổi phương hướng hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Theo Khổng Hà
Link gốc: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/huong-den-mot-asean-khong-ma-tuy-i703459/