Hơn 1.000 lao động Nghệ An ngậm ngùi mất việc, mất thưởng Tết dịp cuối năm

Từ đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An có 1.948 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 452 lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Trong đó, có hơn 1.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động vào thời điểm cuối năm nhưng không được hưởng chế độ Tết.

0

Không việc làm, không thưởng Tết

Gắn bó với Công ty TNHH Matrix Vinh từ ngày đầu thành lập, chị Đậu Thị Vinh (sinh năm 1981) đã có 11 năm làm việc, cống hiến với vai trò công nhân may với tay nghề vững vàng. Vậy nhưng, vào ngày 5/12 vừa qua, chị buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty do công ty tạm ngừng hoạt động.

Trở thành người thất nghiệp khi đã 41 tuổi, chị Vinh quá chật vật để tìm được một công việc mới. Lý do lời từ chối của các công ty trên địa bàn là bởi tuổi chị đã cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp hầu như không nhận thêm lao động vào thời điểm trước Tết, nhất là khi ngành may mặc đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Chị Đậu Thị Vinh (sinh năm 1981) có 11 năm gắn bó với Công ty TNHH Matrix Vinh bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 5/12 vừa qua. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trước thực trạng đó, chị Vinh buộc phải trở thành lao động tự do, ai thuê gì làm nấy để có tiền nuôi 3 con, trong đó, đứa con út chưa tròn 2 tuổi. Chị Vinh cho biết, không chỉ riêng bản thân mình mà rất nhiều người trong Công ty TNHH Matrix Vinh sau khi bị sa thải đều chưa tìm được việc làm. Tết đã cận kề nhưng đây chắc chắn là cái Tết buồn đối với những người lao động này khi bước sang năm mới mà không việc làm, không thưởng Tết.

Được biết, ngày 5/12 vừa qua, Công ty TNHH Matrix Vinh chấm dứt hợp đồng với 410 lao động và ra thông báo tạm ngừng hoạt động do tình hình công ty không có đơn hàng để tiếp tục sản xuất. Công nhân bị sa thải sẽ được hưởng 2 tháng lương tối thiểu vùng 2 để đền bù hợp đồng (tổng là 8.160.000 đồng). Dù nghỉ việc vào thời điểm cuối năm nhưng số công nhân này không được thưởng Tết, bởi công ty đang trong thời điểm khó khăn.

Công ty TNHH Matrix Vinh phải tạm ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Về với huyện Thanh Chương, nơi có 460 lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động Tại Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC – Chi nhánh Nghệ An (huyện Thanh Chương) thì tình hình còn ảm đạm hơn.

Theo đó, công ty thông báo tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 10/2022 cho tới cuối tháng 2/2023 do không có đơn hàng. Nhiều công nhân không đợi được thời gian tạm hoãn trên nên buộc phải tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động của mình. Với lý do đó, họ không được đền bù mà chỉ được trả đến tháng lương mà mình làm việc. Tính đến nay, công ty này có 460 lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và 105 lao động sẽ tạm hoãn hợp đồng tới đầu năm 2023.

Báo động tình trạng cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động

Không chỉ có 2 công ty nêu trên, mà trong thời gian ngắn vừa qua, việc cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động đã diễn ra nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại huyện Diễn Châu, những doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc phải giảm giờ làm với 294 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với 140 lao động, tạm hoãn hợp đồng với 294 lao động. Công ty may Nam Thuận buộc phải giảm 1.500 lao động (trên tổng số lao động công ty) và chấm dứt hợp đồng lao động với 120 người.

Đối với địa bàn huyện Yên Thành, Công ty An Hưng buộc phải giảm giờ làm với 1.360 lao động, chấm dứt hợp đồng 13 lao động; Công ty Cổ phần Vinatex Hoàng Mai buộc phải cắt giảm giờ làm với toàn bộ 700 công nhân, người lao động đang làm việc tại công ty.

Đại diện Thị ủy, UBND thị xã Hoàng Mai tìm hiểu, nắm bắt tâm tư người lao động tại một công ty trên địa bàn phường Quỳnh Xuân. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tính trên bình diện toàn tỉnh, hiện đã có 31 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chủ yếu thuộc ngành may mặc, giày da, những đơn vị xuất khẩu thị trường Mỹ và châu Âu, với 26.858 lao động bị ảnh hưởng.

Trong đó, có 22 doanh nghiệp dân doanh với 13.603 lao động; 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 13.255 lao động. Số lao động bị giảm giờ làm là 20.342 người.

Cùng đó, 1.948 lao động bị chấm dứt hợp đồng và dự kiến chấm dứt hợp đồng; 105 lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Đây là lúc người lao động cần công đoàn nhất

Tại Công ty TNHH Matrix Vinh, sau khi đơn vị này thông báo tạm ngừng hoạt động thì công đoàn các cấp đã kịp thời có mặt để tiến hành đối thoại nhằm đảm bảo những lợi ích chính đáng của người lao động. Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam cũng đã hỗ trợ mỗi công nhân 500.000 đồng sau khi mất việc.

Đối với các công ty còn lại trên địa bàn tỉnh, vai trò của công đoàn cũng đã được phát huy tối đa nhằm hạn chế việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Đồng chí Kha Văn Tám – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tại những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Đồng thời, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thấu hiểu những khó khăn của người lao động, Công đoàn các cấp luôn nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động để mang về Tết ấm cho công nhân, người lao động. Ảnh chụp tại “Ngày hội Công nhân – Chào Xuân Quý Mão năm 2023”. Ảnh: Đình Tuyên

Trong 1.948 lao động bị chấm dứt hợp đồng trong năm 2022 thì công đoàn các cấp cũng đã kết nối với các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm mới.

Tuy nhiên, đối với những lao động mất việc trong thời điểm cuối năm thì vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động được xem là yếu tố then chốt để giải quyết những vấn đề thực tiễn./.

Theo Thanh Quỳnh

Link gốc: https://baonghean.vn/hon-1000-lao-dong-nghe-an-ngam-ngui-mat-viec-mat-thuong-tet-dip-cuoi-nam-post263433.html