HĐND tỉnh Nghệ An: Bạo lực học đường ‘nóng’ phiên chất vấn

Những vấn đề về giải pháp, công tác phòng chống bạo lực học đường đã được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, đặt câu hỏi. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã trả lời những giải pháp, biện pháp về vấn đề này trong phiên chất vấn.

0

Trong nội dung chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vào chiều 6/7 đã diễn ra phiên chất vấn về công tác phòng chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em. Nhiều đại biểu, cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề này và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Trước khi diễn ra phiên chất vấn, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã nêu những giải pháp về phòng chống bạo lực học đường.

Theo đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy chính quyền địa phương, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; thực hiện hiệu quả mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh để kịp thời phát hiện tư vấn, hỗ trợ, ngăn ngừa bạo lực học đường; nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc, ngăn chặn để không xảy ra tình trạng bạo lực học đường; tăng cường biện pháp an ninh an toàn, chủ động nắm bắt tình hình, đối tượng gây bạo lực học đường và có nguy cơ gây bạo lực học đường kể cả trên không gian mạng để có biện pháp giáo dục răn đe.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An báo cáo và trả lời tại phiên chất vấn chiều 5/7.

Trong thời gian qua, ngành giáo dục cơ bản đã xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng được nhiều mô hình trường học tốt, qua đó đã góp phần đưa giáo dục Nghệ An đứng thứ nhì cả nước về giáo dục mũi nhọn, đứng thứ 20/63 tỉnh thành về giáo dục toàn diện, giáo dục miền núi từng bước được nâng lên, đạt được những kết quả tốt.

Trước vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi: “Bạo lực hiện nay không chỉ đánh nhau, chửi bới, công kích hay còn gọi là “bạo lực nóng” mà còn diễn ra “bạo lực trắng” với hành vi tẩy chay, gây áp lực trong môi trường thực và cả trên không gian mạng. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ở tỉnh Nghệ An. Cần có giải pháp gì ngăn chặn vấn đề này?”.

Đại biểu Hồ Văn Đàm đặt câu hỏi về vấn đề bạo lực học đường, bạo lực trắng.

Trả lời đại biểu Hồ Văn Đàm, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, vấn đề này rất mới, đây là thực trạng chung của cả nước, trong đó có Nghệ An.

“Về giải pháp giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã đưa nội dung giáo dục, mặc dù bộ chưa có chương trình chính thức trong nhà trường, nhưng Sở đã chủ động dạy cho các cháu cấp 2, cấp 3 về hành vi ứng xử trong không gian mạng và những giải pháp để đảm bảo an ninh trên môi trường mạng khi giao tiếp với môi trường mạng”, ông Thái Văn Thành nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ thêm, ngành đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông để tuyên truyền trong nhà trường, giúp học sinh nhận thức được về tác hại, hậu quả của những hành vi của “bạo lực trắng” trên môi trường mạng.

Ngoài ra, trong nhà trường cũng tăng cường các mô hình giáo dục, tổ tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong trường học và xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Cuối cùng là để học sinh có các kỹ năng sống, giá trị sống và các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Theo đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc), bạo lực học đường ảnh hưởng không chỉ thể xác mà còn ảnh hưởng đến tâm hồn, đạo đức, nhân cách lối sống, an ninh an toàn trong trường học, tạo không khí bất an cho gia đình cha mẹ học sinh và xã hội. “Bây giờ còn có tình trạng trên lớp trò không sợ thầy, không tín thầy. Ra đường người già sợ trẻ nhỏ. Về nhà cha mẹ nịnh con cái. Cần giải pháp nào để loại trừ hiện tượng này?”

Với câu hỏi này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, đã thực hiện tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng môi trường nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Các nhà trường qua sinh hoạt với các phụ huynh, trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp với nhà trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, học sinh tích cực. Chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục xây dựng các kế hoạch và công khai để cha mẹ học sinh, cộng đồng cùng giám sát và hỗ trợ để cùng với nhà trường xây dựng được môi trường giáo dục tốt kể cả trong và ngoài nhà trường.

Với những học sinh có những xúc phạm, hành vi đối với nhà giáo, nhà trường thì đã có những giáo dục tích cực. Ngoài tổ tư vấn tâm lý thì có các tổ chức đoàn, đội, hội, các đường dây nóng, hộp thư “Điều em muốn nói” để bày tỏ mong muốn, phản ánh, tố giác những bạo lực, xúc phạm đối với các thầy cô giáo. Ngành đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, công an tỉnh, đoàn thanh niên, các hội để xây dựng một môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường đảm bảo cho nhà giáo.

“Đối với cha mẹ học sinh, chúng tôi có những chuyên đề sắp tới. Cha mẹ học sinh cần có phương pháp giáo dục con, ngoài việc chăm lo quan tâm đến con thì không nên nuông chiều, lúc thì nghiêm khắc khắt khe, lúc thì phải mềm dẻo, lúc thì cứng, lúc mềm đối với các cháu khi ở độ tuổi đang phát triển. Giáo dục con phải có phương pháp phải quan tâm, theo dõi chú ý, việc rèn luyện học tập của các cháu, nắm bắt tâm tư tình cảm nguyện vọng của các cháu để có định hướng. Phối hợp với nhà trường để có những định hướng về giá trị nhân cách đúng đắn cho các cháu. Từ đó các cháu sẽ có hành vi, cư xử đúng đắn, trở thành một công dân tốt và loại trừ được hiện tượng này”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói.

Theo Phú Hưng – Cảnh Huệ

Link gốc: https://tienphong.vn/hdnd-tinh-nghe-an-bao-luc-hoc-duong-nong-phien-chat-van-post1549269.tpo