Hàng rong – hiểm họa trước cổng trường

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị ngộ độc do sử dụng đồ chơi, thực phẩm bày bán tại những quầy hàng trước cổng trường. Một lần nữa, các bậc phụ huynh lại bất an vì những hiểm họa rình rập, trong khi đó công tác quản lý lại đang lộ rõ bất cập.

0

Bủa vây trường học

Hơn 16h, những chiếc xe bán hàng rong đã đổ xô đến cổng Trường Tiểu học Hồng Sơn (trên đường Lê Mao, TP. Vinh). Để có được vị trí đẹp, những chủ quầy hàng rất vội vã. Người phụ nữ trung tuổi đến sớm, may mắn giành được vị trí ngay sát nách cổng trường liền nở nụ cười đầy đắc ý. Ngay lập tức, người này tất bật bày ra những mặt hàng thực phẩm, thoạt nhìn khá bắt mắt. Đó là hình ảnh quen thuộc trước cổng Trường Tiểu học Hồng Sơn cũng như các trường học khác trên địa bàn TP. Vinh suốt nhiều năm qua.

Quầy hàng rong ở đây bán đủ loại thức ăn, đồ uống mà học sinh ưa thích. Từ trà sữa, trà tắc đến cá viên chiên, viên thịt, hot dog, khoai chiên, gà rán, xúc xích… Chỉ trong ít phút, những quầy hàng rong di động đã bủa vây kín cổng trường học. Đúng 16h30’, khi tiếng trống tan trường vang lên, những đoàn học sinh vừa bước ra cổng trường đã lập tức sà vào các quầy hàng. Có những nhóm học sinh tự móc tiền túi ra mua, tranh thủ ăn nhanh trước khi được bố mẹ đến đón. Cũng có những em được phụ huynh trực tiếp dẫn tới mua, sau khi nằng nặc đòi hỏi. Người mua, kẻ bán trông rất nhộn nhịp, khiến đám đông tràn xuống cả lòng đường. Các phương tiện qua đây vào giờ này đành phải chen lấn.

Quầy hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Hồng Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Không chỉ có quầy hàng di động bằng xe đẩy, khi cổng trường vừa mở, nhiều chiếc xe máy chở hàng rong cũng lập tức có mặt. Vội bưng thùng hàng nặng trịch từ trên xe xuống, người đàn ông tầm 40 tuổi nhanh nhẹn cầm trên tay những chai nước ngọt, trực tiếp đi chào mời từng em học sinh.

Đắt hàng nhất vẫn quầy của người bán đồ chiên. Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong vòng khoảng 30 phút, người này đã bán được cho hơn 100 em học sinh. Có vẻ như những học sinh cũng đã nắm rõ giá tiền của mọi loại đồ ăn vặt nên không cần hỏi giá, cầm sẵn tiền trên tay, người bán gần như chẳng cần phải thối lại tiền. Vì thế, việc mua bán lại càng nhanh chóng. Sau khoảng nửa tiếng nhộn nhịp, khi học sinh đã tan dần, những chủ quầy hàng lại vội vã đẩy xe đi chỗ khác, để lại khung cảnh bừa bộn ngay trước cổng trường.

Quầy bán bánh chờ học sinh tan trường. Ảnh: Tiến Hùng

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Tương tự ở Trường Tiểu học Hồng Sơn, đoạn đường Đinh Công Tráng ngay trước cổng Trường Tiểu học Lê Mao (phường Lê Mao) cũng thường xuyên có những quầy hàng rong di dộng bán cho các em học sinh. Mỗi lúc tan trường, việc mua bán rất nhộn nhịp. Tại một quầy bán đồ ăn chiên, chỉ quan sát bằng mắt thường, cũng dễ dàng cho thấy lo ngại về đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Khi mà người đàn ông chế biến đồ ăn chẳng dùng bao tay, cũng không đeo khẩu trang. Trong khi đó, dầu trên chảo dùng để chiên có vẻ như đã dùng đi dùng lại nhiều lần, chuyển sang màu đen; còn nguyên liệu thì đặt trong những chiếc thùng nhựa hoen bẩn.

“Nhìn thế này thôi nhưng đảm bảo vệ sinh lắm, em yên tâm. Anh bán nhiều năm nay, có học sinh nào ăn mà bị gì đâu. Bọn anh có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hẳn hoi”, chủ quầy hàng rong khoe. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đơn vị nào chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm thì anh không nói, mà chỉ gượng cười.

Cửa hàng tạp hóa trước cổng Trường Tiểu học Lê Mao. Ảnh: Tiến Hùng

Không chỉ có các quầy hàng rong di động, trước cổng Trường Tiểu học Lê Mao còn có nhiều cửa hàng tạp hóa bày bán đủ mọi loại thực phẩm, đồ chơi cho học sinh. Mặt hàng được bày bán tràn ra cả vỉa hè. Trường học này cũng là nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến 6 em nhập viện sau khi sử dụng súng đồ chơi mua trước cổng trường. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện quầy tạp hóa này bán hàng không có xuất xứ. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu tạm đóng cửa và xử phạt 400.000 đồng, ít ngày sau quầy hàng này đã bán trở lại. Tan trường, học sinh vẫn vây kín để mua hàng, như chưa từng có chuyện gì đã xảy ra.

Cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cho rằng, việc bán hàng trước cổng trường là một trong những lo ngại của nhà trường. Phía nhà trường vì thế cũng đã nhiều lần đề xuất với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. “Còn về trách nhiệm của nhà trường, chúng tôi cũng chỉ có thể tăng cường tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh. Để hạn chế các em mua hàng trước cổng trường, giờ ra chơi chúng tôi không mở cổng. Ngoài ra còn quy định các em không được mang tiền theo, để tránh việc tự ý mua hàng không đảm bảo”, cô Giang nói.

Công an phường Nghi Tân (TX Cửa Lò), kiểm tra cửa hàng tạp hóa trước cổng trường sau vụ học sinh ngộ độc ở TP Vinh. Ảnh: CSCC

Tương tự, tại Trường Tiểu học Quang Trung, nhà trường cũng rất đau đầu vì lo lắng chất lượng của các sản phẩm được bán ngay trước cổng trường. “Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, vì rút kinh nghiệm lần trước nên mỗi lần thấy xe bán hàng rong tới là tôi báo cơ quan chức năng xuống đẩy đuổi ngay”, Hiệu trưởng Từ Thị Thu Hương nói. Tuy nhiên, đẩy đuổi ở trường này, họ lại chuyển qua Trường THCS Quang Trung ngay bên cạnh, tiếp tục bán.

Trường Tiểu học Quang Trung cũng là nơi từng xảy ra ngộ độc khiến nhiều em phải nhập viện khi sử dụng đồ uống phát miễn phí trước cổng. Cô Hương kể, cách đây không lâu, một nhóm người đi ô tô dừng trước cổng trường phát chai nước uống miễn phí cho học sinh. Phát hiện sự việc, dù chưa tới giờ học, hiệu trưởng vẫn phải đánh trống vào lớp, yêu cầu nhóm người trình bày lý do phát nước miễn phí, tuy nhiên họ nhanh chóng rời đi. Để kịp thời ngăn học sinh dùng đồ uống, nhà trường phải dùng loa kêu gọi học sinh giao nộp chai nước. Kết quả thu được 183 chai nước ngọt với hạn sử dụng mờ. Chỉ ít giờ sau, 9 học sinh lớp 4 trong một lớp uống các chai nước cam có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, phải đưa đến trạm y tế.

Súng đồ chơi nghi khiến các học sinh ngộ độc. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Quy – Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những quầy hàng rong bán trước cổng trường học đang thực sự đáng lo ngại. Trong khi đó, công tác quản lý cũng còn nhiều bất cập. “Vào mỗi đầu năm học, chúng tôi đều có những văn bản gửi tới các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề này. Mới đây, chúng tôi cũng có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các trường quan tâm. Theo như phân cấp, phân quyền thì việc này do cấp phường, xã quản lý. Tuy nhiên, nhiều địa phương có vẻ như đang buông lỏng quản lý những quầy hàng rong”, ông Quy nói.

Còn một số lãnh đạo phường thì cho biết, việc kiểm tra, quản lý những quầy hàng rong đang gặp khó khăn do không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này. “Thực tế thì chúng tôi cũng nhận thấy bất cập cũng như lo ngại về những quầy hàng rong. Nhưng không có chuyên môn rất khó chứng minh được vi phạm về an toàn thực phẩm để xử lý. Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra rồi đẩy đuổi. Nhưng đoàn kiểm tra rời đi, họ lại bán tiếp”, một lãnh đạo phường trên địa bàn TP. Vinh nói.

Liên quan đến vụ ngộ độc ở Trường Tiểu học Lê Mao, ông Nguyễn Tam Kỳ – Chủ tịch UBND phường Lê Mao cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, phường cũng đã lập đoàn kiểm tra các cửa hàng tạp hóa trước các cổng trường trên địa bàn. Tuy nhiên, không phát hiện thêm vi phạm nào. Về phần những quầy hàng di động, ông Kỳ cho biết trong thời gian tới, phường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý.

Cũng sau vụ việc ở Trường Tiểu học Lê Mao và hàng loạt vụ ngộ độc khác ở nhiều tỉnh, thành, một số địa phương trên địa bàn Nghệ An cũng đã lập đoàn kiểm tra tại các quầy hàng bán trước cổng trường. Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng đã thông báo cho các trường yêu cầu khuyến cáo đến các phụ huynh. Đồng thời, Phòng cũng báo cáo với UBND TP. Vinh để yêu cầu các phường, xã tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng giả… đặc biệt là các quầy hàng tại các cổng trường.

Sau các vụ học sinh ngộ độc xảy ra ở một số địa phương, Sở Y tế Nghệ An đã có văn bản tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành, thị. Trong đó, có nội dung liên quan đến những quầy hàng rong trước cổng trường.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trước cổng, khu vực xung quanh các trường học. Xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, vào đầu năm học, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành, thị đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học,… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ chất lượng nước uống trực tiếp cho học sinh; giám sát các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán, quà tặng do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực nhà trường. Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo an toàn, yêu cầu tạm dừng sử dụng sản phẩm và thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý.

Theo Tiến Hùng

Link gốc: https://baonghean.vn/hang-rong-hiem-hoa-truoc-cong-truong-post262909.html