Hà Tĩnh: Đóng cửa, thu hồi nhiều mỏ khoáng sản vi phạm trong quá trình hoạt động
Tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành nhiều quyết định đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp vi phạm trong quá trình hoạt động.
Thời gian qua, trước loạt sai phạm trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của một số doanh nghiệp. Ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, trong đó kiên quyết đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, dù chưa hết thời hạn khai thác.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh này vừa ban hành Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 26/8 về viêc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản số 1280 ngày 14/04/2015 để khai thác mỏ đá xây dựng ở núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) và xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) với diện tích 3,68ha, trữ lượng khai thác 599.086 m3 đá xây dựng, 26.050 m3 đất san lấp. Thời hạn khai thác là 10 năm (14/4/2015 – 14/4/2025).
Nguyên nhân việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 là do doanh nghiệp này đã vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản.
Trước đó, vào năm 2019 đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, phát hiện đơn vị này khai thác khoáng sản không đúng thiết kế mỏ. Trên cơ sở hồ sơ sai phạm, Thanh tra Sở này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80 triệu đồng.
Vào đầu tháng 7/2023 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 có hành vi khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo bề mặt và chiều sâu cho phép. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với tổng số tiền 103 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 còn liên tục chậm trễ trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Cụ thể, đến năm 2022 doanh nghiệp vẫn nợ hơn 7,1 tỷ đồng, tới đầu tháng 7/2023, doanh nghiệp này mới chỉ nộp 5,071 tỷ đồng, còn nợ tới 2,059 tỷ đồng (967 triệu đồng thuế tài nguyên và 1,092 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường).
Cũng liên quan đến lĩnh vực khai thác đá, trước đó vào ngày 21/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 1976/QĐ-UBND đóng cửa mỏ đá xây dựng trên núi Nam Giới tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà đã cấp cho Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1442 ngày 7/6/2016.
Được biết, quá trình hoạt động, mỏ đá này cũng có nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư xung quanh. Tháng 3/2020, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 80 triệu đồng, bị đình chỉ khai thác 3 tháng vì khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt từ đầu; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng trình tự, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải liên tiếp bị người dân phản ánh về việc doanh nghiệp này thường xuyên nổ mìn tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong 10 năm qua, đất đá trong quá trình khai thác đã tuồn xuống, gây cản trở, bồi lắng dòng chảy trên lạch Cửa Sót, gây khó khăn, cản trở quá trình tàu thuyền của ngư dân qua lại.
Trước đó, ngày 11/7 UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-UBND về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản số 536 ngày 8/2/2021 đã cấp cho Công ty TNHH Cường Trường.
Công ty TNHH Cường Trường được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản để khai thác mỏ đất thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc với diện tích khai thác 1,7ha, trữ lượng khai thác 199.733 m3, thời hạn khai thác 3,5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất khu vực khai thác khoáng sản, không bảo đảm điều kiện hoạt động khai thác theo quy định được xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ, chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Dù đã bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng và được yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm nêu trên nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện đầy đủ. Đến nay, đơn vị chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định. Đến ngày 15/3, còn nợ ngân sách Nhà nước và tiền ký quỹ môi trường 366 triệu đồng.
Theo ông Trần Hữu Tình – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường), từ năm 2022 đến nay Sở đã kiểm tra tại 54 mỏ của 52 đơn vị khai thác trên địa bàn. Quá trình khai thác, một số doanh nghiệp vẫn còn có các tồn tại, hạn chế như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; khai thác vượt công suất; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép hay chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tổ chức hoạt động khai thác tại khu vực mỏ…
Qua đó, căn cứ lỗi vi phạm của các đơn vị khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 đơn vị, tổng số tiền xử phạt gần 700 triệu đồng. Trong số này có 2 đơn vị khai thác không đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt, 4 đơn vị khai thác vượt công suất được phép khai thác, 3 đơn vị khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác và 2 đơn vị khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm (đất san lấp) khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép theo quy định.
Qua số liệu thống kê, trên toàn địa bàn Hà Tĩnh hiện có 21 mỏ đất, 8 mỏ cát và 38 mỏ đá đang hoạt động. Năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định đóng 10 mỏ vật liệu xây dựng, trong đó có 5 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp, 1 mỏ sét trắng làm gạch, trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên.
Cũng theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện 21 vụ với 35 đối tượng (trong đó có 4 tổ chức và 31 cá nhân), vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản. Qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm và xử phạt hơn 317 triệu đồng, tịch thu 250m3 cát, 71,5m3 đất và 40m3 đá…
Tác giả: Lam Hoàng
Nguồn: congthuong.vn