Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên

Biên chế giáo viên đã được Trung ương phân bổ cho Nghệ An. Vậy cơ chế, nguyên tắc tuyển dụng như thế nào? Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ về một số nội dung liên quan.

0

P.V: Thưa đồng chí! Vừa qua, Trung ương đã bổ sung cho Nghệ An 2.820 biên chế giáo viên công lập năm học 2022 – 2023. Đồng chí có thể cho biết, việc bổ sung đó dựa trên cơ sở nào?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Hiện nay số giáo viên/lớp của 4 bậc học ở Nghệ An thấp hơn so với quy định định mức tối đa tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, về nhóm trẻ, bình quân 12,5 trẻ bố trí 1 giáo viên hoặc 2 giáo viên/nhóm trẻ, trong khi Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ quy định 10 trẻ bố trí 1 giáo viên hoặc 2,5 giáo viên/nhóm trẻ. Lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mẫu giáo 3-4 tuổi bố trí 1,6 giáo viên/lớp; mẫu giáo 5 tuổi bố trí 2 giáo viên/lớp, trong khi Thông tư số 06 quy định tối đa là 2,2 giáo viên/lớp.

Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Tương tự, cấp tiểu học, lớp dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí 1,1 giáo viên/lớp, trong khi Thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 1,2 giáo viên/lớp; lớp dạy học 2 buổi trong ngày được bố trí 1,35 giáo viên/lớp, trong khi Thông tư số 16 quy định 1,5 giáo viên/lớp. Định mức mà tỉnh phân bổ này bao gồm cả giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và nếu tính trừ giáo viên Tổng phụ trách Đội thì chỉ đạt tỷ lệ 1,05 giáo viên/lớp dạy học 1 buổi trong ngày và 1,3 giáo viên/lớp dạy học 2 buổi trong ngày. Bậc trung học cơ sở, tỉnh bố trí 1,9 giáo viên/1 lớp (bao gồm cả giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) và bậc trung học phổ thông bố trí 2,25 giáo viên/lớp (bao gồm cả giáo viên làm công tác Đoàn).

Từ thực tiễn đó, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục Nghệ An với tổng 7.814 người. Ngày 18/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, sau đó, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 3887 về bổ sung biên chế giáo viên công lập năm học 2022 – 2023 đối với tỉnh Nghệ An là 2.820 người.

Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên ảnh 2
Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

P.V: Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là cơ chế, nguyên tắc phân bổ số biên chế được Trung ương bổ sung như thế nào để đảm bảo minh bạch và công bằng?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Việc thiếu giáo viên ở các bậc học đang làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo áp lực lao động lên đội ngũ giáo viên, làm hạn chế sự sáng tạo của nhà giáo. Bởi vậy, sau khi có Quyết định số 72 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Công văn số 3887 của Bộ Nội vụ, với tinh thần khẩn trương để phân bổ, tuyển dụng biên chế giáo viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có cuộc họp cho ý kiến và UBND tỉnh xây dựng tờ trình trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phê duyệt bổ sung biên chế giáo viên công lập năm học 2022 – 2023 và điều chỉnh tổng biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Hội năm 2022, năm 2023, được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, khóa XVIIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tổ chức vào ngày 12/10/2022.

Liên quan đến việc tuyển dụng biên chế giáo viên trong tổng 2.820 người được Trung ương bổ sung, vấn đề được dư luận quan tâm cũng chính là điều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo phải đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch, công bằng, khắc phục thừa – thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương. Từ chỉ đạo đó, sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, Sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ, tuyển dụng biên chế giáo viên theo các nguyên tắc cụ thể.

Thứ nhất, dựa vào đặc trưng vùng miền, thuận lợi – khó khăn (đã được xem xét, nghiên cứu kỹ khi xây dựng Nghị quyết số 23 về phê duyệt tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và tổ chức năm 2023, ban hành ngày 14/7/2022) để phân bổ, thêm hoặc bớt phù hợp với thực tiễn, chia sẻ với những nơi, vùng có điều kiện khó khăn.

Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên ảnh 3
Cần phân bổ biên chế phù hợp với thực tiễn, chia sẻ với những nơi, vùng có điều kiện khó khăn. Trong ảnh: Giờ học tại Trường Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh tư liệu: Đức Anh

Thứ hai, đối với từng bậc học, gồm bậc mầm non phân bổ theo nhóm trẻ và lớp mẫu giáo của từng đơn vị huyện, thành phố, thị xã, trong đó chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh là ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng hết giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09, ban hành ngày 11/03/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và Nghị định 06 của Chính phủ, ban hành ngày 05/01/2018, trên phạm vi toàn tỉnh. Trong trường hợp giáo viên mầm non 06, 09 chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn, nhất là bằng cấp thì vẫn phân bổ biên chế cho các đơn vị có giáo viên hợp đồng để giáo viên hoàn thiện tiêu chuẩn, chứ không tuyển dụng giáo viên mới để đưa vào biên chế được bổ sung lần này. Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở phân bổ theo số lớp của từng huyện, thành phố, thị xã. Bậc trung học phổ thông phân bổ trên cơ sở số lượng giáo viên còn thiếu của các trường và ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

P.V: Như vậy, công tác tuyển dụng và thời gian tuyển dụng được tiến hành như thế nào? Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Trong tổng số 2.820 biên chế được bổ sung, Trung ương đã phân bổ cụ thể ở 4 bậc học, gồm 2.164 biên chế giáo viên mầm non; 498 biên chế giáo viên tiểu học; 142 biên chế giáo viên trung học cơ sở; 16 biên chế giáo viên trung học phổ thông. Đối với 3 bậc học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nguyên tắc phân bổ khá rõ, qua nắm bắt, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non.

Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên ảnh 4
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non. Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Như đã chia sẻ ở trên, tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh là tuyển dụng hết giáo viên hợp đồng theo diện 06 và 09. Tính ở thời điểm 1/4/2022, qua phối hợp rà soát của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục – Đào tạo, toàn tỉnh có 1.777 giáo viên hợp đồng thuộc diện này, song đến thời điểm đầu tháng 10/2022, do các địa phương khi được giao biên chế đã tổ chức tuyển dụng giáo viên 06, 09 vào biên chế hoặc một số giáo viên đã thôi làm việc, nên chỉ còn 1.330 giáo viên.

Như vậy, trong tổng 2.164 biên chế giáo viên mầm non được bổ sung, trừ tuyển dụng hết 1.330 giáo viên hợp đồng 06, 09, còn 834 biên chế sẽ tuyển dụng thêm. Cụ thể, hiện nay ở một số đơn vị đang có giáo viên hợp đồng huyện, hợp đồng trường, mặc dù hợp đồng không đúng quy định, tuy nhiên đội ngũ này vẫn đang hàng ngày đóng góp cho ngành Giáo dục và Đào tạo.

Đây là vấn đề được các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm. Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đang phối hợp xây dựng bộ tiêu chí, khung điểm để tuyển dụng, trong đó ưu tiên những người có đóng góp nhiều về mặt thời gian, người có thành tích xuất sắc, nổi trội trong quá trình công tác, con em gia đình chính sách…

Trên cơ sở bộ tiêu chí tỉnh ban hành, vai trò, trách nhiệm các địa phương, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu – Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải nghiên cứu và triển khai thực hiện tuyển dụng công khai, minh bạch, rõ ràng; đảm bảo tuyển dụng vừa có chất lượng, vừa khắc phục thừa – thiếu cục bộ.

Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về cơ chế, nguyên tắc phân bổ và tuyển dụng biên chế giáo viên ảnh 5

Về thời gian tuyển dụng, do liên quan đến nguồn ngân sách đảm bảo chi trả lương cho đội ngũ này khi được tuyển dụng vào biên chế, cho nên hiện Sở Nội vụ đang tiếp tục phối hợp cùng Sở Tài chính xây dựng tờ trình trình Bộ Tài chính cấp ngân sách chi trả lương cho 2.820 biên chế mà Trung ương bổ sung để tiến hành tuyển dụng và chi trả lương cho giáo viên. Thời gian tuyển dụng sẽ được thực hiện trong năm học 2022 – 2023 ở cả 4 bậc học.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Mai Hoa/Báo Nghệ An

Link gốc: https://baonghean.vn/giam-doc-so-noi-vu-trao-doi-ve-co-che-nguyen-tac-phan-bo-va-tuyen-dung-bien-che-giao-vien-post260368.html