Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tại huyện Đô Lương: Đồng thuận vì một tương lai phát triển

Phấn đấu trở thành trung tâm vùng, mạnh về kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, nông thôn đổi mới, đô thị văn minh, thời gian qua, huyện Đô Lương tập trung đẩy mạnh thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, dự án trọng điểm trên địa bàn. Quyết tâm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại bộ phận nhân dân, tuy nhiên, vẫn còn có một vài trường hợp cá biệt…

0

Những “điểm nghẽn”

Tuyến đường Mỹ Sơn đi Trù Sơn có bề mặt chỉ rộng 3,5m, không có lề đường, đã xuống cấp và thường xuyên có phương tiện trọng tải lớn tham gia giao thông nên thường trực ẩn họa mất an toàn, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân trong vùng.

Chính bởi vậy, từ nhiều năm qua cử tri các xã Trù Sơn, Mỹ Sơn đã thường xuyên có kiến nghị lên HĐND các cấp, đề nghị chính quyền huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường.

Nguyện vọng của cử tri có cơ hội trở thành hiện thực vào cuối tháng 10/2019, thời điểm UBND huyện Đô Lương ban hành Quyết định số 668/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đề xuất, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trù – Mỹ, huyện Đô Lương”. Theo Quyết định này, tuyến đường Trù – Mỹ với chiều dài tuyến 1,3km sẽ được mở rộng để có bề mặt nền đường rộng 6,5m, kết cấu bê tông xi măng với độ dày 25cm, thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2021.

Đường giao thông quy hoạch 45m, đoạn Km0+950 – Km1+200 từ thị trấn Đô Lương đi xã Đà Sơn đã hình thành. Ảnh: Nhật Lân

Vậy nhưng đi trên tuyến đường Trù – Mỹ ngày 28/6/2022, chưa hề thấy dấu hiệu của việc sửa chữa, nâng cấp. Đường vẫn nhỏ hẹp, xuống cấp, vẫn có những xe trọng tải lớn kềnh càng ngang qua trong nỗi lo mất an toàn của người dân. Thắc mắc hỏi, chính quyền sở tại cho hay, dù mong lắm những dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trù – Mỹ vẫn đang bị “treo”, do còn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 3 hộ gia đình, đoạn đấu nối Quốc lộ 15.

Tháng 9/2021, UBND huyện Đô Lương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông quy hoạch 45m, đoạn Km0+950 – Km1+200 từ thị trấn Đô Lương đi xã Đà Sơn. Theo thiết kế, đây là một tuyến đường đẹp với chiều dài tuyến khoảng 257m (phần nối tuyến đường quy hoạch 36m có chiều dài 57m), bề rộng nền đường 45m, bề mặt đường mỗi bên 9m, giữa có bồn hoa và thảm cỏ cây xanh, bên cạnh đó, còn có vỉa hè và các công trình phụ trợ trên tuyến.

Với mục tiêu “Nhằm đảm bảo nhu cầu giao thông đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường được thuận tiện, đi lại dễ dàng, tránh được ngập nước trong mùa mưa lũ, bên cạnh đó, tạo được cảnh quan, không gian thông thoáng, sạch đẹp, giảm thiểu được tai nạn và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng để mở rộng đô thị cho thị trấn Đô Lương”; tuyến đường được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quyết tâm hoàn thành tiến độ cuối năm 2022.

Đến nay, tuyến đường này dù đã được hình thành, nhưng vẫn còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với đất sản xuất của 2 hộ gia đình.

Thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình còn có vướng mắc ở dự án đường giao thông từ thị trấn Đô Lương đi xã Đà Sơn. Ảnh: Nhật Lân

Để cụ thể hóa quy hoạch mở rộng thị trấn Đô Lương, ngày càng chỉnh trang hoàn thiện hạ tầng, tiến tới đạt chuẩn đô thị loại 4, trở thành thị xã trong tương lai gần, UBND tỉnh đồng ý cho huyện Đô Lương được tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm để lập quy hoạch xây dựng một số khu chia lô đất ở dân cư, và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các vùng đất giáp ranh thuộc các xã Thịnh Sơn, Đông Sơn, Đà Sơn.

Từ chủ trương này, trong các năm 2020 – 2021, UBND huyện Đô Lương được các sở, ngành liên quan hướng dẫn, thực hiện các bước trình tự để lập quy hoạch, thực hiện các khu chia lô đất ở dân cư tại các vùng Đồng Cừa – Chùa Diệc (xóm Đại Đồng, xã Thịnh Sơn); vùng Khang Hạ – Sao Vang – Cửa Rú – Bàu Nếp (xã Đà Sơn); vùng Hội Lục – Đìa Su (xã Đông Sơn); vùng Bãi Dâu (xóm 10, xã Đà Sơn)… Cho đến nay, với cách làm chỉn chu, bài bản, thực hiện đúng, đủ các chính sách Nhà nước đã ban hành nên trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Đô Lương ở các dự án này cơ bản có được sự thuận lợi, chỉ gặp vướng mắc ở một vài trường hợp.

Như ở khu chia lô đất ở vùng Đồng Cừa – Chùa Diệc có 2 trường hợp; vùng Khang Hạ – Sao Vang – Cửa Rú – Bàu Nếp có 2 trường hợp; vùng Hội Lục – Đìa Su có 1 trường hợp; vùng Bãi Dâu có 1 trường hợp…

Ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đô Lương đang triển khai thực hiện 68 công trình, dự án. Để thực hiện các công trình, dự án này, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Đô Lương đã thu hồi 497.692,68m2 đất; tổng số đối tượng bị ảnh hưởng là 927 người; tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 55.301.589.800 đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Đà Sơn, ông Trần Quốc Toàn trao đổi nguyên nhân những vướng mắc của các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Hà Giang

Thấu hiểu, vì một tương lai phát triển

Tìm hiểu, về nguyên nhân dẫn đến việc có một số trường hợp hộ gia đình còn chưa nhất trí với chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án là vì cho rằng đơn giá mà Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương xây dựng thấp, nên chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ.

Như ở dự án khu chia lô đất ở dân cư vùng Đồng Cừa – Chùa Diệc, hai hộ dân chưa bàn giao mặt bằng đã được Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện; UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thịnh Sơn; Ban cán sự và Ban công tác Mặt trận xóm Yên Thế tổ chức gặp gỡ trao đổi, giải thích về quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước; thậm chí, UBND xã Thịnh Sơn còn đưa ra thêm phương án đổi đất tại vị trí tương đương để có thêm sự lựa chọn. Vậy nhưng hai hộ này vẫn không chấp thuận.

Theo ông Thái Đình Phúc, cán bộ địa chính xã Thịnh Sơn cho biết: “Dự án khu chia lô đất ở dân cư vùng Đồng Cừa – Chùa Diệc liên quan đất sản xuất nông nghiệp của hơn 40 hộ gia đình. Hầu hết các hộ đều đồng tình phương án bồi thường, hỗ trợ, duy chỉ còn 2 gia đình có vướng mắc, cho rằng mức giá bồi thường thấp, phải xem xét lại thì mới ký hồ sơ”.

Sở dĩ vì họ nghĩ đây là dự án chia lô đất ở, dù là dự án Nhà nước thì cũng phải thỏa thuận bồi thường như dự án do doanh nghiệp thực hiện…”.

ÔNG THÁI ĐÌNH PHÚC – CÁN BỘ ĐỊA CHÍNH XÃ THỊNH SƠN

Tuyến đường Trù – Mỹ chật hẹp, xuống cấp, mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: Hà Giang

Với dự án khu chia lô đất ở dân cư vùng Hội Lục – Đìa Su, phải thực hiện thu hồi đất sản xuất của 21 hộ dân. Đến nay, đã có 20 hộ dân đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trường hợp hộ dân còn lại chưa đồng ý ký hồ sơ cũng vì cho rằng, mức giá bồi thường về đất còn thấp; bên cạnh đó, đề nghị hoàn trả diện tích đất nông nghiệp đã hiến trước đây để UBND xã Đông Sơn xây dựng đường giao thông nội đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, cán bộ địa chính xã Đông Sơn đã trao đổi: “Việc xây dựng đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án được căn cứ theo quy định, không cấp nào có thể làm trái. Việc đề nghị hoàn trả lại diện tích đất đã hiến, xã không thể thực hiện, vì luật đã quy định không xem xét trả lại diện tích đất đã hiến tặng. Những điều này, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện; UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đông Sơn đã trao đổi rất cụ thể nhưng hộ dân này vẫn chưa đồng ý…”.

Ở dự án “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trù – Mỹ, huyện Đô Lương”, diện tích mở rộng đường theo quy hoạch là 14. 342m2. Hiện nay, chỉ có vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng đất ở và đất vườn của 3 hộ gia đình, với diện tích khoảng 400m2. Nhưng dù vậy, do phần đất phải thu hồi của 3 hộ gia đình tiếp giáp Quốc lộ 15, là điểm đầu của tuyến đường Trù – Mỹ nên ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Tại nơi này, bà Đặng Thị Bích – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Sơn cho biết, đã từ lâu nhân dân mong muốn huyện mở rộng, nâng cấp tuyến đường nên cơ bản đồng tình, thực hiện bàn giao đất khi Nhà nước thu hồi. Với các gia đình còn vướng mắc, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc xã được tham gia một số cuộc họp và phối hợp thực hiện công tác vận động tuyên truyền nên biết đơn giá bồi thường đã được xây dựng đúng theo quy định.

Quan điểm của tổ chức mặt trận là sẽ tiếp tục vận động để các hộ dân thấu hiểu, đồng thuận chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện bàn giao đất. Trường hợp các hộ dân vẫn không có sự chia sẻ, cũng cần có các biện pháp để dự án được thực hiện, đáp ứng sự mong mỏi đã nhiều năm của đông đảo nhân dân…”.

BÀ ĐẶNG THỊ BÍCH – CHỦ TỊCH MẶT TRẬN TỔ QUỐC XÃ MỸ SƠN

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Sơn, bà Đặng Thị Bích trao đổi về quan điểm của tổ chức mặt trận trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công cải tạo tuyến đường Trù – Mỹ. Ảnh: Hà Giang

Theo ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn là để phấn đấu đạt được 2 mục tiêu lớn. Đó là, huyện Đô Lương đạt chuẩn nông thôn mới, và, các vùng trung tâm 14 xã đã được quy hoạch đô thị đạt được các tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.

Đạt được những mục tiêu này, tựu trung lại sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của huyện, nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt của nhân dân.

Vì vậy, mong muốn các hộ gia đình nơi thực hiện các công trình, dự án, nhất là những gia đình còn có vướng mắc, cần hiểu đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận để các công trình, dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ.

Theo Nhật Lân

Link gốc: https://baonghean.vn/giai-phong-mat-bang-cac-du-an-trong-diem-tai-huyen-do-luong-dong-thuan-vi-mot-tuong-lai-phat-trien-post255693.html