Gấp rút bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên
Trước thực trạng thiếu giáo viên ở tất cả cấp học, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và có thông báo bổ sung chỉ tiêu biên chế.
Đồng loạt tuyển dụng
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ mầm non đến THPT cho ngành Giáo dục. Dự kiến đầu tháng 11 tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn.
Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, theo tổng hợp của sở, toàn tỉnh đang thiếu trên 7.800 giáo viên; trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 giáo viên. Tiếp đó là tiểu học, THCS và THPT.
Ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thông tin, UBND tỉnh đã quyết định giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2022 cho ngành Giáo dục. Số lượng tuyển dụng là hơn 1.600 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non là 818 giáo viên; 695 giáo viên tiểu học; 137 giáo viên THCS và 31 giáo viên THPT. Số giáo viên tuyển dụng được phân bổ cho 24/27 đơn vị cấp huyện.
Trước mắt, sở GD&ĐT, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2022; trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ (cấp tiểu học), giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT) để kịp thời đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Việt Đức cho hay: Tổng số biên chế giáo viên thiếu so với định mức quy định của toàn ngành là gần 6.000 người. Sở GD&ĐT cũng đề xuất bổ sung chỉ tiêu viên chức cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. “Tuy nhiên, với đội ngũ biên chế và định mức khoán hiện có, cơ bản bảo đảm đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để thực hiện chương trình của năm học” – ông Đức nhấn mạnh.
Tránh tình trạng “xôi đỗ”
Dự kiến tháng 12, Hòa Bình tổ chức tuyển dụng giáo viên cho năm học 2022 – 2023, với khoảng 200-300 chỉ tiêu các cấp học. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến, sở tiếp tục tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh để có kế hoạch dài hơi trong tuyển dụng, bổ sung chỉ tiêu giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tại kỳ họp thứ 9 – kỳ họp chuyên đề, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố năm 2022 và giao bổ sung viên chức giáo viên năm học 2022 – 2023. Theo đó, bổ sung hơn 2.300 biên chế giáo viên năm học 2022 – 2023 cho sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã, gồm: Giáo viên THPT 452 biên chế, giáo viên THCS trên 1.300 biên chế, giáo viên tiểu học 600 biên chế.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, tổng số giáo viên năm học 2022 – 2023 còn thiếu theo biên chế toàn thành phố là 5.939 chỉ tiêu. Trong đợt tuyển dụng vào tháng 8 mới đây, thành phố đã tuyển được hơn 3.200 giáo viên. Dự kiến thành phố sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10, sau khi các trường học ổn định số học sinh, số lớp, xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng.
Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 – 2026, trong đó có giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 – 2026. Riêng năm học 2022 – 2023, giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), với số lượng được bổ sung như trên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục; trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Các địa phương cần tổ chức tuyển dụng, bổ sung biên chế theo đúng số lượng đã phân bổ ở từng cấp học như Quyết định của Bộ Chính trị và bảo đảm chất lượng” – ông Đức nhấn mạnh, đồng thời thông tin: Trước đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.
Theo bà Hồ Thị Minh – đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị, thực tế tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Có nơi thiếu đến hàng nghìn giáo viên, nhất là với một số môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này đã làm gia tăng áp lực cho các địa phương, nhà trường và cả thầy cô.
“Rất ghi nhận và hoan nghênh nhiều địa phương có phương án tuyển dụng mới và luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Điều này sẽ góp phần làm giảm áp lực cho ngành Giáo dục các địa phương, nhất là với những nơi thừa thiếu cục bộ. Song, cần giải quyết bài toán thiếu giáo viên mang tính căn cơ, dài hơi, tránh tình trạng “xôi đỗ”- bà Minh nhấn mạnh.
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/gap-rut-bo-sung-chi-tieu-bien-che-giao-vien-post608274.html