Du lịch khó “cất cánh” nếu giá vé máy bay vẫn cứ tăng cao

Vừa chớm hồi phục sau những năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam tiếp tục đối mặt với xu thế bất lợi, bởi tình trạng giá vé máy bay tăng cao đang ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi đi “chữa lành” của du khách Việt.

0

Huỷ kế hoạch đi “chữa lành” vì giá vé máy quá đắt

Dịp hè năm nay, chị Nguyễn Thuỳ Trang (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch tại Côn Đảo, nhưng chị đã phải huỷ bỏ ý định này và chọn địa điểm du lịch gần hơn sau khi không tìm đặt được vé máy bay phù hợp với túi tiền.

Theo chị Trang, giá vé máy bay hiện tại tăng quá cao, với chặng bay Hà Nội – Côn Đảo, giá vé một chiều dao động từ 3,2 triệu cho đến 5,6 triệu đồng/chuyến. Thay vì đi xa, việc chọn những địa điểm du lịch quanh miền Bắc sẽ giúp gia đình chị tiết kiệm được 1 khoản chi phí không nhỏ.

Du lịch khó “cất cánh” nếu giá vé máy bay vẫn cứ tăng cao - Ảnh 1
Nhiều lo ngại giá vé máy bay tăng cao sẽ cản trở du lịch phát triển.

Chia sẻ trên báo Dân trí, một độc giả đặt vấn đề: “một tour du lịch 5 ngày 4 đêm đến Thái Lan có hơn 7 triệu đồng, xuất phát từ Sài Gòn. Cũng một tour du lịch Sài Gòn – Hà Nội 4 ngày 3 đêm hiện giá hơn 10 triệu đồng. Vậy bảo sao ngành du lịch khó cạnh tranh”.

Đại diện một công ty du lịch tại Nha Trang (Khánh Hoà) cho hay, các chuyến bay từ các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng đến Khánh Hòa hiện nay khá cao, tầm 3,5 – 4,5 triệu đồng. Cộng thêm chi phí ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ, khiến du khách đến địa phương du dịch phải bỏ ra số tiền không nhỏ, điều này làm nhiều du khách chọn phương án đi du lịch nước ngoài, như Thái Lan, với chi phí phù hợp hơn.

Theo người này, việc giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi quyết định đi du lịch của du khách Việt.

Trả lời báo VTC News, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, phân tích khi giá vé máy bay nội địa tăng cao đến một ngưỡng nào đó, du khách thay vì đi du lịch trong nước sẽ có nhu cầu đi nước ngoài nhiều hơn, làm tổng cầu du lịch trong nước giảm.

Điều này không tốt vì có thể khiến Việt Nam phải “nhập khẩu” các tour du lịch của nước ngoài về để bán cho khách trong nước.

Theo chuyên gia, như vậy, một nguồn thu lớn sẽ bị đưa ra nước ngoài. Cơ hội để những dịch vụ tại các địa phương trong nước phát triển cũng sẽ chuyển sang nước ngoài. Điều này ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Giá vé máy bay còn tăng nữa không, ảnh hưởng đến du lịch thế nào?

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội vào ngày 13/5, vấn đề giá vé máy bay tăng cao đã được các đại biểu quan tâm và nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: “Bây giờ người dân TP.HCM mua vé sang Thái Lan, sau đó đi từ Thái Lan về Hà Nội cho rẻ. Việc này diễn ra nhiều tháng rồi chứ không phải mới. Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay còn tăng đến kịch trần không, phải trả lời dứt khoát”.

Ông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính trả lời dứt khoát là giá vé máy bay còn tăng nữa không và đến bao giờ hết tăng. Việc này ảnh hưởng đến kinh tế du lịch thế nào?

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, vừa qua du lịch phục hồi rất ấn tượng, trong đó, có vai trò của việc sửa đổi thể chế, công tác xuất, nhập cảnh; có nhiều giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch cùng nhiều chính sách khác… Ông  đề nghị, cần chú ý việc điều tiết giá dịch vụ hàng không khi du lịch dịp nghỉ lễ, đường bộ thu hút du khách rất đông, còn phần các cơ sở du lịch phải di chuyển bằng đường hàng không thì khó khăn hơn.

“Dịp lễ 30/4 và 1/5 cũng như cuối năm vừa rồi di chuyển rất sôi động. Du lịch nội địa thu hút khách rất đông, nhưng với những cơ sở phải di chuyển xa bằng đường hàng không thì gặp khó khăn hơn. Hàng không trong đại dịch có khó khăn, họ phải lo việc của họ, tuy nhiên hai bên nên có sự hợp tác để hiệu quả cao hơn”, ông Vinh góp ý.

Giải trình về vấn đề giá vé máy bay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, giá vé máy bay trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ GTVT, Bộ này quy định trần giá, vừa rồi đã ban hành Thông tư 34 năm 2023, có hiệu lực từ 1/3/2024 quy định về khung giá, dịch vụ, tăng bình quân 3,75% so với mức cũ. Qua đó, có tác động thị trường và thủ tục do ngành hàng không quyết định giá dịch vụ vận tải, phải thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Đề cập nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Danh Huy cho rằng, do có việc tăng giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, cộng với thực tế thiếu tàu bay. Toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không có 65-70% là từ nhiên liệu.

Bên cạnh đó, do thiếu máy bay nên buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công nên chi phí tăng cao. Một nguyên nhân khác là do người dân mua vé sát giờ bay.

“Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm 1-2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, còn mua càng sát ngày giá vé càng cao”, ông dẫn chứng.

Về thực tế giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT giải thích, do Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không. Còn theo xu hướng chung, giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Về ảnh hưởng đến du lịch, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định là có. Tuy nhiên, Bộ này cũng đưa ra giải pháp về tăng cường khai thác vận chuyển đường sắt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã ban hành quy định rà soát lại toàn bộ chi phí kê khai giá, yêu cầu tăng các chuyến bay về đêm, dùng máy bay thân rộng. “Chúng tôi đã yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí, nghiên cứu giảm các loại phí để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân với mức hợp lý nhất”, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Danh Huy thông tin.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Trước tình trạng trên, Cục Hàng không khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.

Tác giả: H.A

Nguồn: Kinhtemoitruong.vn