Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc – tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực

Hôm nay (23/2), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực luôn hết lòng phấn đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm hỏi, tri ân gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Bưởi, đồng chí đã từ chối không nhận học bổng đi du học tại Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính. Tại đây, đồng chí vẫn giữ quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở Trường Bưởi là Trần Quang Huyến ở phố Công sứ Miriben (nay là phố Trần Nhân Tông), Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích ở phố Bạch Mai.

Chính từ nhóm bạn này, Nguyễn Phong Sắc đã được ông Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và đồng chí đã lấy tên mới là Nguyễn Phong Sắc – mang ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng giành độc lập, thoát khỏi đời nô lệ.

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, chỉ đạo các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Đồng chí là linh hồn của phong trào này và luôn thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo kiên cường, bất khuất, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, tin tưởng sắt đá vào tương lai của cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, hy sinh quên mình cho lý tưởng cộng sản.

Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương họp tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), nhận nhiệm vụ của Trung ương, trên đường ra Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã phổ biến Nghị quyết của Hội nghị Trung ương cho Xứ ủy Trung Kỳ, tiếp đó ở Bắc Kỳ và thành phố Hải Phòng. Chiều tối 3/5/1931, trên đường từ Hải Phòng về tới Ga Hà Nội thì đồng chí bị mật thám Pháp theo dõi, ập tới bắt tại khách sạn Nam Lai (95 Hàng Lọng). Hiểu được vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là ở Trung Kỳ, ngày 25/5/1931, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí tại đồn Song Lộc, thuộc Cửa Hội (Nghệ An).

Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương ngời sáng của người cộng sản kiên trung
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc – tấm gương ngời sáng của người cộng sản kiên trung (Ảnh tư liệu: Tuyengiao.vn)

Quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành người cộng sản tiền bối tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Từ một trí thức yêu nước chân chính trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực, là kết quả của một chặng đường phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, hy sinh.

Dù hy sinh khi tuổi đời còn trẻ nhưng tinh thần kiên trung của người cộng sản Nguyễn Phong Sắc đã trở nên bất tử trong đồng bào, đồng chí và bao thế hệ cách mạng Việt Nam; Mãi là tấm gương sáng về tinh thần hết lòng vì nước, vì dân, vì cách mạng, để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.

Tấm gương sáng cho cán bộ, Nhân dân Thủ đô noi theo

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại cho Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô là rất to lớn và vẻ vang, nhất là những kinh nghiệm trong tư duy, trong hành động quyết liệt, khoa học với mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, tự do cho Nhân dân.

Đặc biệt, dưới ánh sáng của bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trình Đại hội VI của Quốc tế cộng sản (năm 1928) và đường lối giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đến tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) để thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ 5D Hàm Long.

Tháng 6/1929, hơn 20 đại biểu của các tổ chức cộng sản mới được xây dựng ở Bắc Kỳ và nhiều đồng chí trong Chi bộ 5D Hàm Long đã họp ở nhà số 312 phố Khâm Thiên, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm ủy viên, sau đó được phân công vào Trung Kỳ xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở của Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô noi theo.

PGS. TS Hoàng Trang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có quá trình hoạt động gắn liền với sự chuẩn bị những điều kiện để Đảng ra đời. Ông là người đứng đầu các tổ chức thanh niên Hà Nội, là thành viên của Ban lãnh đạo Thanh niên Bắc Kỳ, hoạt động rất tích cực, đã nhận thấy rất rõ, rất sớm những yếu tố của phong trào cách mạng Việt Nam từ tự phát đã đến tự giác; Đã đến tự giác, tức là tự thân nó đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản.

Đặc biệt, giai đoạn 1930-1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc góp phần quan trọng thành lập chính quyền Xô Viết trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ những hạn chế của phong trào Xô Viết là đưa ra khẩu hiệu “trí, phú, địa hào – đào tận gốc, trốc tận rễ”, sau này, với bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của đồng chí và các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, đặc biệt thế hệ trẻ nguyện noi gương các bậc cách mạng tiền bối tiêu biểu dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

                                                                                                          theo Anh Đức(TTTĐ)

Link gốc: https://tuoitrethudo.com.vn/ong-chi-nguyen-phong-sac-tam-guong-dao-duc-cach-mang-mau-muc-190361.html