Doanh nghiệp than phiền quy định “đo đạc từng lóng gỗ”
Cty TNHH MTV Anh - Pháp - Việt (Diễn Châu, Nghệ An) than phiền quy định yêu cầu kiểm tra chi tiết 100% lô hàng thuộc Danh mục CITES đang là một rào cản mà DN khó có thể vượt qua để hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) như bình thường.
Trước đó, nhằm tăng cường kiểm soát với hàng hóa XNK nằm trong Danh mục CITES, ngày 08/2/2022, Tổng cục Hải quan (TCHQ) ban hành Văn bản 383/TCHQ-GSQL hướng dẫn.
TCHQ yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành trong quá trình thực hiện thủ tục XNK chú ý một số nội dung như: Công chức hải quan thực hiện kiểm tra Giấy phép CITES đảm bảo: Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin (số giấy phép, ngày cấp phép, chủng loại (tên loài), số lượng, mục đích, trường hợp xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu thì ghi rõ hàng xuất khẩu là hàng nhập khẩu của tờ khai hải quan nào trước đây); dán tem CITES hoặc mã hóa; ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Thông tin ghi trên giấy phép CITES thống nhất với thông tin ghi tờ khai Hải quan.
TCHQ còn yêu cầu khi kiểm tra thực tế, chuyển luồng kiểm tra thực tế với các lô hàng thuộc danh mục CITES xuất khẩu có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa đã được nhập khẩu trước đây. Trường hợp qua kiểm tra thực tế, nếu nghi ngờ lô hàng tái xuất không đúng Giấy phép CITES, không đúng là hàng đã nhập khẩu thì tiến hành điều tra xác minh.
Một số DN hoạt động XNK lĩnh vực gỗ cho rằng văn bản hướng dẫn trên có nhiều điểm chưa phù hợp, vô tình trở thành rào cản, gây khó khăn với hoạt động kinh doanh bình thường của DN.
Là DN chuyên kinh doanh XNK gỗ nhiều năm, tự đánh giá luôn chấp hành nghiêm túc pháp luật về hải quan, thuế, góp phần vào số thu ngân sách hàng năm của Nghệ An và các tỉnh có cửa khẩu; bà Nguyễn Thị Hoan, GĐ Cty TNHH MTV Anh – Pháp – Việt (huyện Diễn Châu) cho rằng: Hơn 10 năm qua, DN của bà là một trong số các DN nhập khẩu gỗ trắc thuộc Danh mục quản lý CITES từ Lào về. Đến nay số gỗ tồn đọng lớn, không thể làm thủ tục xuất khẩu cho bạn hàng phía Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ mặt hàng này do hướng dẫn nói trên.
Theo bà Hoan, mặt hàng nằm trong danh mục CITES phải quản lý chặt chẽ về khối lượng, trọng lượng là cần thiết; nhưng quy định đưa ra cũng cần thực tế và tránh tình trạng gây khó khăn cho DN. Việc Văn bản 383/TCHQ-GSQL hướng dẫn các Cục Hải quan kiểm tra chi tiết 100% lô hàng thuộc Danh mục CITES đang là một rào cản mà DN XNK gỗ không thể vượt qua để hoạt động như bình thường.
Bà Hoan nói: “Có đa dạng của các thanh, cành, ngọn, khúc, lóng gỗ trong từng lô hàng; nhưng với hướng dẫn mới, cơ quan Hải quan phải dùng thước đo chi tiết từng lóng gỗ, đối chiếu bản kê chi tiết (khoảng 700 lóng gỗ cho 1 container) rất mất thời gian. Hơn nữa, khi đối chiếu có một phần nhỏ lóng gỗ không phù hợp với bản kê thì theo hướng dẫn là không cho phép thông quan, dù lô hàng hoàn toàn chính xác về khối lượng và trọng lượng”.
Bà Hoan nói thực tế nhiều DN nhập khẩu qua nhiều năm, gỗ tồn đọng khá lớn, trong quá trình lưu giữ phải bảo quản, phun khử côn trùng, xáo trộn vị trí các lô hàng theo kích cỡ các lóng gỗ; nên việc xác định chính xác các lóng gỗ trong cùng một lô hàng nhập khẩu trước đó theo bản kê chi tiết như yêu cầu của TCHQ là “không thể thực hiện”.
“Quy định hiện nay như một “vòng kim cô” treo trên đầu DN, lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp sợ bị quy là vi phạm pháp luật Hải quan do sai số đo đạc chiều dài hay đường kính lóng gỗ, đo ở gốc hay ngọn. Chúng tôi nhập khẩu đúng quy định, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, không gian lận về thuế. Việc tìm được đối tác mua hàng đã khó, nhưng với quy định trên thì có thể không được làm thủ tục hải quan để xuất khẩu”, bà Hoan nói.
Trong đơn kiến nghị gửi đến một số cơ quan, Cty TNHH MTV Anh – Pháp – Việt mong muốn Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT và Cơ quan CITES có ý kiến, xem xét tháo gỡ quy định trên theo hướng: Thay vì đo đếm chi tiết từng lóng gỗ thì cho phép cơ quan quản lý xác định chủng loại trọng lượng lô hàng nhân với tỷ trọng để tính ra khối lượng cụ thể với các lô hàng. “Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi được biết phía Hải quan Trung Quốc cũng thực hiện việc kiểm tra trọng lượng lô hàng, không quan tâm việc kiểm đếm chi tiết từng thanh gỗ”, bà Hoan nói.
Theo Gia Khánh/Báo Pháp luật
Link gốc: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-than-phien-quy-dinh-do-dac-tung-long-go-post449860.html