Điểm đúc bê tông không phép mọc tràn lan

Quá trình tổ chức thi công gói thầu số 17.XL, Dự án cải tạo, nâng cấp QL.8C với tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Tĩnh đã “ngó lơ” để các nhà thầu tự ký hợp đồng sai quy định với chính quyền và người dân để tổ chức các điểm đúc bê tông tràn lan dọc tuyến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn lao động và trật tự ATGT.

0

Ngày 11/1/2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy ký Quyết định số 24/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn từ Thiên Cầm – Quốc lộ 1A và đoạn từ Quốc lộ 8A đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 268/QĐ-BGTVT ngày 3/3/2022, giao Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 27,7km. Bao gồm 2 tuyến: đoạn từ thị trấn Thiên Cầm đến Quốc lộ 1A dài 11km và đoạn từ Quốc lộ 8A đến đường Hồ Chí Minh (từ nút giao tại xã Sơn Long đến nút giao với đường Hồ Chí Minh tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) có chiều dài 16,7km. Dự án có tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

UBND xã Nam Phúc Thăng cho Công ty CP Nam Khánh thuê sân vận động dưới hình thức “ký hợp đồng cho sử dụng mặt bằng”.

Trong đó, gói thầu số 17.XL thi công xây dựng đoạn từ Thiên Cầm – Quốc lộ 1A trị giá hơn 252,5 tỷ đồng, do 9 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thi công, bao gồm 8 đơn vị xây lắp và một đơn vị thi công điện chiếu sáng. Theo hồ sơ thiết kế BVTC, dự toán đối với đoạn tuyến Thiên Cầm – Quốc lộ 1A thiết kế chỉ có 1 bãi đúc cấu kiện tại Km3+660, với diện tích là 400m2. Tuy nhiên, quá trình thi công, từ tháng 10/2023 đến nay, các đơn vị thi công đã tổ chức kí hợp đồng, thuê 8 bãi đúc cấu kiện dọc hai bên tuyến, mỗi bãi đúc có diện tích từ 1.000m2 – 7.000m2, khối lượng thực tế lớn hơn rất nhiều so với khối lượng thiết kế. Trong đó, tại thị trấn Thiên Cầm và thị trấn Cẩm Xuyên, mỗi địa phương có 1 bãi đúc cấu kiện, còn 6 bãi đúc khác nằm trên địa bàn xã Nam Phúc Thăng, chạy dọc theo Quốc lộ 8C.

Cụ thể, ngày 25/10/2023, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông (Nghệ An) đã ký hợp đồng kinh tế số 40 với UBND thị trấn Thiên Cầm, thuê mặt bằng diện tích khoảng 5.000m2 tại Km3+500 QL8C thuộc tổ dân phố Tây Long, thị trấn Thiên Cầm để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc và đúc cấu kiện bê tông trong thời gian 24 tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng. Ngày 22/11/2023, đại diện UBND xã Nam Phúc Thăng là ông Hoàng Kim Túy, Phó Chủ tịch xã đã ký hợp đồng cho sử dụng mặt bằng để đúc cấu kiện với Công ty CP Nam Khánh (TP Hà Tĩnh), cho thuê mặt bằng sân vận động xã Cẩm Phúc (cũ) để đúc và tập kết cấu kiện trong thời gian 6 tháng. Cùng thời gian này, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 38 (TP Hà Tĩnh) thuê nhà của ông Hoàng Văn Ngọc tại thôn Tân Cường, xã Nam Phúc Thăng trong thời gian 12 tháng, mỗi tháng 1,5 triệu để tập kết vật tư và đúc cấu kiện.

Công ty TNHH Khánh Môn (TP Hà Tĩnh) thuê đất của ông Hoàng Bá Quyết tại xã Nam Phúc Thăng để làm lán trại, kho bãi tập kết vật tư trong thời gian 2 năm. Công ty TNHH Xây dựng 169HT (TP Hà Tĩnh) ký hợp đồng thuê đất của bà Hoàng Thị Lan trên diện tích 700m2 trong thời gian 6 tháng; Công ty CP ĐTXD&TMDV Việt Anh (Nghệ An) thuê 400m2 đất của ông Hoàng Bá Tùng trong thời gian 5 tháng kể từ ngày 20/11/2023; Công ty CP 484 (Nghệ An) thuê nhà, vườn của ông Nguyễn Tiến Dũng với giá 6,5 triệu đồng/tháng và Công ty CP Minh Anh Thành Sen (TP Hà Tĩnh) thuê đất của ông Bùi Quang Phú tại tổ dân phố 6 thị trấn Cẩm Xuyên với giá 5 triệu đồng/tháng. Ngoài hai hợp đồng cho thuê đất với chính quyền, các hợp đồng còn lại với người dân, UBND xã Nam Phúc Thăng đều đóng dấu, ký xác nhận.

Ghi nhận của phóng viên tại các bãi đúc cấu kiện bê tông tự phát này, vấn đề vệ sinh an toàn lao động và trật tự ATGT không được đảm bảo, các bãi đúc nằm ngay cạnh Quốc lộ 8C, nơi có mật độ người và lưu lượng phương tiện lưu thông lớn. Ngoài ra, dọc hai bên tuyến, cấu kiện bê tông được tập kết hai bên nhưng không có cảnh báo hay rào chắn. Đặc biệt, địa điểm Công ty CP Nam Khánh thuê lại sân vận động nằm ngay cạnh 2 trường mầm non và THCS xã Nam Phúc Thăng, gần ngã tư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, nhất là giờ cao điểm, tan tầm. Tại báo cáo số 1295 ngày 29/12/2023 của Ban QLDA Đầu tư công trình xây dựng giao thông Hà Tĩnh cho rằng, từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, Ban đã có 2 văn bản đôn đốc, chỉ đạo tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công; đã chỉ đạo các nhà thầu lắp đặt các biển cảnh báo, biển chỉ dẫn; bố trí rào chắn, dây báo hiệu và người điều tiết giao thông; các vị trí tập kết cấu kiện rãnh dọc đúc sẵn chỉ xếp chồng tối đa 2 cấu kiện, không tập kết cấu kiện trong phạm vi đất dành cho đường bộ và các vị trí tập kết có dây báo hiệu bao xung quanh. Tuy nhiên, thực tế phóng viên ghi nhận tại hiện trường lại không như báo cáo khi nhiều điểm tập kết không có dây báo hiệu, cấu kiện chất lộn xộn, ngổn ngang và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư công trình xây dựng giao thông Hà Tĩnh thừa nhận, trong hồ sơ thiết kế chỉ có một bãi đúc cấu kiện, nhưng diện tích quá nhỏ nên không đáp ứng được. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về đẩy nhanh tiến độ thi công, các đơn vị thi công đã chủ động bố trí 8 bãi đúc cấu kiện tương ứng với phạm vi thi công của 8 nhà thầu. Các bãi đúc đều có hợp đồng thuê mặt bằng có ký xác nhận với người dân và chính quyền địa phương. Riêng đối với bãi đúc tại sân vận động xã Cẩm Phúc và trong khu dân cư của Công ty CP Nam Khánh, Công ty CP 484 và Công ty CP Minh Anh Thành Sen thuê đều có cam kết đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và ANTT trong hợp đồng. Về tính pháp lý của việc thuê các bãi đúc cấu kiện bê tông này, ông Bình cho biết đơn vị Tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn 6 (Nghệ An) đã có báo cáo cho biết, các bãi đúc này đã được tư vấn giám sát kiểm tra, chấp thuận đủ điều kiện triển khai thi công. Cụ thể, theo báo cáo số 08 ngày 29/12/2023 của Văn phòng tư vấn giám sát thuộc Liên danh Tecco6 và Gia Việt thì các vị trí bãi đúc đã được BQL Dự án và tư vấn giám sát kiểm tra, chấp thuận. Tuy nhiên, trong văn bản đề nghị được chấp thuận các bãi đúc này không có ý kiến của chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Tĩnh. Do đó, việc phát sinh các bãi đúc cấu kiện chỉ là sự thỏa thuận giữa tư vấn giám sát, nhà thầu, chính quyền địa phương và người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Kim Túy, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng cho biết, chính quyền địa phương chỉ ký hợp đồng cho sử dụng mặt bằng đối với sân vận động, không cho thuê nên không lấy tiền đối với Công ty CP Nam Khánh. Ông Túy cũng thừa nhận, việc cho doanh nghiệp “mượn” mặt bằng để thi công công trình là không đúng, nhưng do trước đó, đơn vị này tổ chức đúc bê tông phía bên ngoài đường, gây mất trật tự ATGT và vệ sinh môi trường nên xã đã tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển vào bên trong sân vận động để dựng lán trại, đúc và tập kết cấu kiện bê tông. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm lại cho rằng, chính quyền chỉ cho thuê trong thời gian ngắn chứ nếu thuê lâu dài thì không đúng. Về số tiền 72 triệu doanh nghiệp trả trong thời gian thuê 24 tháng, ông Tuệ cho biết sẽ nộp vào ngân sách.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, đã nắm được sự việc và các đơn vị cũng đã có báo cáo, gửi hợp đồng liên quan cho huyện. Hiện, huyện Cẩm Xuyên đang giao Phòng Kinh tế – Hạ tầng rà soát, kiểm tra về tính pháp lý của các hợp đồng này cũng như quá trình thi công dự án của các nhà thầu có đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường hay không để có hướng xử lý.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn: cand.com.vn