“Dẹp loạn” nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật – Cần thêm chế tài đủ mạnh

Trước hiện trạng các nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội “tiếp tay” cho các quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, theo chuyên gia, để “dẹp loạn” cần thêm chế tài đủ mạnh…

0

Thời gian qua, không ít nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tự đánh mất uy tín khi “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, trong đó, có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và thậm chí là tiền ảo. Đây là hành vi không chỉ lừa dối người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho người sử dụng.

Tình trạng các nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội “tiếp tay” cho quảng cáo sai sự thật dẫn đến không ít bức xúc cho dư luận thời gian qua – Ảnh minh họa: ITN

Trước hiện trạng đã nêu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đã và đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lập danh sách các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo không trung thực và xây dựng quy trình xử lý các trường hợp không tuân thủ các quy định về quảng cáo.

Trong đó, dựa trên quy tắc ứng xử đối với người tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lập danh sách và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xử lý nghệ sĩ vi phạm căn cứ trên vi phạm về chuẩn mực đạo đức quy định trong Bộ quy tắc ứng xử. Hai Bộ sẽ thông tin đến các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm kiểm soát hình ảnh của nghệ sĩ vi pham trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các hoạt động công tác xã hội và hoạt động quảng cáo.

Cùng với hoạt động đã nêu, hiện tại, hai Bộ cũng phối hợp xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm hoạt động quảng cáo. Dự thảo quy trình này đang được lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ có liên quan, sau khi hoàn thiện, hai Bộ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền. Danh sách các nghệ sĩ vi phạm cũng như quy trình xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo sẽ được hai Bộ thường xuyên trao đổi, cập nhật và sẽ cung cấp sớm cho các cơ quan báo chí.

Theo đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi mong muốn, khi quy trình này được ban hành sẽ cùng với các quy định pháp luật hiện hành về xử lý các vi phạm quảng cáo sẽ tác động lớn đến các nghệ sĩ, từ đó các nghệ sĩ sẽ có ý thức hơn về hành vi, sứ mệnh của mình khi tham gia hoạt động quảng cáo cũng như cẩn trọng hơn trong các phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng xã hội.

Theo chuyên gia, bên cạnh các giải pháp được đưa ra, vẫn cần thêm những chế tài đủ mạnh – Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá về những động thái đã nêu từ phía cơ quan quản lý, chuyên gia cho rằng, việc lập danh sách đen cảnh báo đối với nghệ sĩ góp phần làm cho môi trường nghệ thuật được “sạch hóa”. Những nghệ sĩ đích thực, sống và cống hiến hết mình cho văn hóa nước nhà có thêm cơ hội được làm nghề, được tỏa sáng. Việc này không chỉ góp phần hạn chế những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thông qua con đường livestream bán hàng của các diễn viên, nghệ sĩ đến được với tay người dùng trong xã hội, mà từ đó còn tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng đối với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo yêu cầu đo lường của cơ quan chức năng. Cùng với các biện pháp đã nêu thì cần thiết phải có thêm các chế tài đủ mạnh.

Thông tin với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa – Ngô Hương Giang với việc lập danh sách đen, công chúng sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá vai trò xã hội của người nghệ sĩ, kiên quyết loại bỏ hình ảnh “người nghệ sĩ xấu xí” không phù hợp ra khỏi “thế giới của người hâm mộ”.

“Mặc dù việc lập danh sách đen đối với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật mới chỉ dừng ở mức độ cảnh báo và cảnh cáo, song đây sẽ là tiền đề cơ bản để tiến tới “phong sát”, cấm sóng vĩnh viễn trên mọi mặt trận truyền thông nếu như những nghệ sĩ được cảnh báo đó vẫn cố tình bất chấp vượt qua quy định pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp để kinh doanh, trục lợi”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo nhà văn hóa, nhà biên kịch – Chu Thơm, việc nghệ sĩ làm quảng cáo là công việc tay ngang. Ở một góc độ nào đó, có thể cảm thông cho các nghệ sĩ bởi họ cũng cần phải có thu nhập để lo toan cho cuộc sống, thế nhưng, khi chưa có kiểm chứng, chưa có thông tin một cách đầy đủ mà đã thổi phồng các chức năng của sản phẩm một cách quá đà gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng thì cần phải nghiêm khắc xử lý.

Xoay quanh vấn đề nghệ sĩ “tiếp tay” cho quảng cáo sai sự thật, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan quản lý đã nhìn thấy và cũng đã đưa ra các giải pháp xử lý, nhưng thực chất làm chưa quyết liệt, chưa đủ sức để răn đe nên các hanh vi vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại, tuy nhiên, quảng cáo sai sự thật, khiến công chúng tin theo, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Đây là hành vi vi phạm luật, sai các quy định về hoạt động quảng cáo, mà đã sai đã vi phạm quy định của pháp luật thì phải có chế tài đủ mạnh để xử lý, thậm chí có thể truy tố theo Bộ luật Hình sự.

Tác giả: Gia Nguyễn

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn