Đề xuất phạt tù khi có nồng độ cồn quá giới hạn

Theo luật sư, nên phạt tù đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép để răn đe mạnh tay hơn. Nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng chế tài này.

0
Hiện trường vụ tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn dẫn đến cái chết thương tâm của 3 nạn nhân trong một gia đình. Ảnh: Công an Bắc Giang.

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) bày tỏ, đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc, đầy đau xót xảy ra do uống rượu lái xe. Chẳng hạn như vụ nữ lao công thiệt mạng do một chiếc Mercedes, hay 3 người một gia đình phải bỏ mạng một cách thảm khốc ở Bắc Giang do một chiếc Audi…

“Tôi biết, văn hóa rượu bia ở nước ta là thứ rất khó để bỏ, nhưng hãy nhìn sang cả những quốc gia có nền văn hóa tương đồng Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Các nước này đã có những chế tài xử phạt cực kỳ nghiêm khắc với những tài xế vi phạm về nồng độ cồn. Ở đây, tôi nhấn mạnh một điều là kể cả chưa gây ra tai nạn, uống rượu lái xe vẫn có thể bị truy tố. Có thể hiểu, họ không có tư tưởng ‘mất bò mới lo làm chuồng’ mà đợi thêm những người dân vô tội phải bỏ mạng do những kẻ thiếu ý thức ngồi sau vô-lăng” – ông Đô bày tỏ.

Vị chuyên gia pháp lý lấy ví dụ, ở Trung Quốc, những trường hợp có nồng độ cồn dưới 80mg/100ml máu sẽ bị phạt từ 1.000 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ (3 triệu – 6 triệu đồng) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng. Nếu nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu, chủ xe sẽ bị phạt tối đa 3 năm tù và bị cấm lái xe trong vòng 5 năm.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), nồng độ cồn từ 5mg đến dưới 11mg/100ml máu sẽ khiến người lái bị phạt tiền từ 15.000 Đài tệ đến 90.000 Đài tệ. Nồng độ cồn từ 11mg/100ml máu trở lên thì đình chỉ giấy phép lái xe 1 năm và án tù tối đa 2 năm. Nếu người lái xe bị kết án gây ra tai nạn, hình phạt sẽ tăng thêm gấp rưỡi. Trường hợp nạn nhân thương tích nghiêm trọng hay tử vong, người lái xe có nồng độ cồn bị tước bằng lái suốt đời, thậm chí bị tử hình.

Còn tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15mg/l khí thở, người lái sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm và phạt hành chính 500.000 Yên. Ở mức độ cao hơn, lái xe có thể bị truy tố 5 năm tù cùng 1 triệu Yên tiền phạt.

Bao quát hơn, ở các nước phương Tây, chế tài xử phạt nồng độ cồn cũng mạnh tay không kém. Ở Anh, lái xe uống rượu có thể bị phạt, cấm lái xe hoặc thậm chí bị tù. Những hình phạt này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Nồng độ cồn trong máu từ 1,1mg trở lên ở Đức sẽ bị xem là tội phạm hình sự và phải đối mặt với án tù, tái phạm có thể bị cấm lái xe vĩnh viễn.

Ở châu Đại Dương, tại bang New South Wales (Australia), các vi phạm như nồng độ cồn từ 0.15mg/1 lít khí thở trở lên, từ chối đo khí thở, xét nghiệm máu hoặc nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt 3.300 – 5.500 AUD. Tái phạm lần hai, phạt tù lên đến 2 năm, tước bằng 1-2 năm.

“Tôi cho rằng nên áp dụng án phạt tù vào quy định xử phạt nồng độ cồn, kể cả chưa gây tai nạn. Tất nhiên, nồng độ thế nào cần phải có một định lượng nhất định, và bắt buộc phải bằng một con số cụ thể là bao nhiêu, không được chung chung.

Nồng độ cồn đó phải đủ cao ở một giới hạn được quy định cụ thể như luật định ở nhiều quốc gia, có như vậy, mới đủ sức răn đe. Như ở Trung Quốc, từ khi áp dụng truy tố tài xế uống rượu, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm 70%. Tôi e sẽ còn nhiều hồi chuông nữa nếu chúng ta không đưa ra chế tài mạnh mẽ hơn… Chúng ta đã có Điều 260 Bộ luật Hình sự, và cần phải bổ sung thêm chế tài mà không cần phải có hậu quả gây ra” – luật sư Đô nói.

Tác giả: Ngọc Thiện

Nguồn: laodong.vn