Đề xuất mở rộng trường hợp CSGT không phải chào: Làm rõ nội hàm ‘hành vi thiếu văn hóa’

Xung quanh nội dung dự thảo thông tư của Bộ Công an mở rộng các trường hợp CSGT thực hiện nhiệm vụ không phải chào theo Điều lệnh Công an nhân dân khi dừng phương tiện, nhiều ý kiến đồng tình áp dụng với trường hợp người có “hành vi thiếu văn hóa” như dự thảo nhưng đề nghị làm rõ nội hàm của khái niệm này.

0

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó, một nội dung được dư luận quan tâm là tại Điều 17 Dự thảo Thông tư, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân. Với trường hợp CSGT biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.

Nêu quan điểm về Dự thảo, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Cty luật ICC cho biết, tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 65/2020/TT-BCA đã quy định CSGT khi làm nhiệm vụ thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, truy nã).

“Như vậy, nội dung trên là không mới mà chỉ mở rộng thêm về phạm vi CSGT không phải chào hỏi đối với các đối tượng có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát” – luật sư Tùng phân tích.

Luật sư Tùng cho rằng, việc quy định như vậy là hợp lý vì việc chào nhằm thể hiện sự tôn trọng của lực lượng CSGT với người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với các đối tượng không tôn trọng pháp luật và lực lượng CSGT, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối,… thì việc chào là không đảm bảo mục đích này.

Theo luật sư Tùng, trong thực tế cũng có một số đối tượng lợi dụng việc chào để hạch sách, gây khó khăn cho CSGT trong quá trình xử lý vi phạm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh – Cty luật Minh Bạch cho rằng, cần làm rõ thêm về nội hàm của “hành vi thiếu văn hóa” một cách cụ thể và xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa giao thông sẽ tạo được sự đồng tình của dư luận.

Một số hình ảnh người vi phạm chống đối, cản trở lực lượng CSGT

“Đối với những đối tượng phạm tội, chống đối hay các hành vi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… diễn ra rất nhanh, nếu cứ giữ đúng điều lệnh phải đứng nghiêm chào hỏi thì rõ ràng không đủ đảm bảo việc khống chế các đối tượng” – luật sư Tuấn Anh phân tích.

Theo luật sư Tuấn Anh, việc dừng phương tiện không chỉ nhằm mục đích xử phạt hành chính mà còn đem lại sự bình an cho những người khác và đây là việc cần làm, cần thực hiện ngay của lực lượng CSGT mà không cần đứng chào người vi phạm.

Mọi công dân cần tôn trọng pháp luật

Cũng chia sẻ về đề xuất trên, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ – nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm – Đội CSGT đường bộ số 1 (Công an Hà Nội) cho rằng, việc chào hỏi là nét văn hóa ứng xử mà CSGT phải tuân thủ trong quá trình làm nhiệm vụ.

Theo thượng tá Quỹ, trên thực tế, có những trường hợp vi phạm bị CSGT ra hiệu lệnh dừng phương tiện đã xuống xe, có những hành vi không đúng mực, thiếu văn hóa như gây sự, thách thức, có lời nói thiếu tôn trọng người thi hành công vụ, thậm chí là chửi tục.

Hay có trường hợp người vi phạm chưa xuống xe đã giơ máy ảnh, điện thoại lên chĩa thẳng vào mặt CSGT ghi hình rồi nói “tôi vi phạm cái gì”, “anh kiểm tra cái gì”, “chuyên đề đâu” “anh chào tôi chưa” hoặc xưng hô mày, tao rồi đưa lên mạng.

“Lúc này thay vì chào hỏi thì CSGT phải giải thích cho người vi phạm chấp hành Luật giao thông và hiệu lệnh của cảnh sát như đỗ xe vào lề đường đảm bảo an toàn giao thông và xuất trình giấy tờ tùy thân, phương tiện để kiểm tra” – thượng tá Quỹ chia sẻ.

“Quy định như vậy là hợp lý vì việc chào nhằm thể hiện sự tôn trọng của lực lượng CSGT với người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với các đối tượng không tôn trọng pháp luật và lực lượng CSGT, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối,… thì việc chào là không đảm bảo mục đích này”

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng

Thượng tá Quỹ ủng hộ đề xuất trên và cho rằng cán bộ CSGT chỉ chào theo Điều lệnh Công an nhân dân với những người tham gia giao thông vi phạm do ý thức chủ quan như không biết mình vi phạm gì hoặc cố tình vi phạm và nhận thức được hành vi của mình là sai, cũng như tuân thủ hiệu lệnh của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ.

Nêu quan điểm cá nhân, một cán bộ CSGT Hà Nội cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tại Dự thảo Thông tư nêu trên và cho biết: “Trong quá trình làm việc sẽ có những trường hợp biết mình vi phạm thường tìm cách trốn tránh việc xử lý bằng cách bắt bẻ từ cái nhỏ nhất như “anh chào không đúng điều lệnh”, “chào không đúng cách”… gây ức chế cho cán bộ, chiến sĩ”.

Tuy nhiên, vị cán bộ này cho rằng, ngoài việc chào hỏi, CSGT cũng cần thể hiện những hành động đẹp, lời nói đúng mực, cách giao tiếp ứng xử… giúp đỡ, hướng dẫn người dân chứ không phải sau câu chào đó là những lời nói cứng rắn gây phản cảm.

Theo Thanh Hà

Link gốc: https://tienphong.vn/de-xuat-mo-rong-truong-hop-csgt-khong-phai-chao-lam-ro-noi-ham-hanh-vi-thieu-van-hoa-post1480193.tpo