Đề xuất giá khởi điểm 200 triệu đồng với nhóm biển số đẹp bắt buộc đấu giá

“Số lượng của nhóm số này chiếm 2,42% tổng kho số, có thể có ý kiến nhiều số trong nhóm này chưa chắc đã đẹp nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến nhiều người trên cả nước muốn đấu giá cao cho những biển số trong nhóm này”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu.

0
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh Như Ý

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nên bổ sung quy định về cách xác định biển số đẹp, giúp tăng thu từ đấu giá. Qua quan sát, ông nhận thấy, người dân chia số đẹp thành 2 nhóm: Nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899…

“Tôi đề nghị bổ sung vào nghị quyết nội dung Bộ Công an được quyền chọn các biển số từ kho bắt buộc đấu giá để tổ chức đấu giá trực tiếp tại các sự kiện đặc biệt về an toàn giao thông. Số tiền thu được sẽ dành để hỗ trợ cho hệ thống an toàn giao thông trên cao tốc và quốc lộ, như thay các biển báo không có phản quang, in giới hạn tốc độ tối đa lên mặt đường, bổ sung bản hướng dẫn ra khỏi cao tốc từ xa, xóa các điểm đen giao thông”, ông Nguyễn Văn Cảnh.

Nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển số 999.99 đã bán lại 1,7 tỷ”, ông nói và đề nghị bổ sung vào nghị quyết những số bắt buộc đấu giá, gồm: 5 chữ số giống nhau, 5 chữ số tiến đều; có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối tiến đều, hay các số như 56679, 12333, 44455…

“Số lượng của nhóm số này chiếm 2,42% tổng kho số, có thể có ý kiến nhiều số trong nhóm này chưa chắc đã đẹp nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến nhiều người trên cả nước muốn đấu giá cao cho những biển số trong nhóm này”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói và đề nghị “những số bắt buộc phải đấu giá” sẽ có mức giá khởi điểm 200 triệu đồng.

“Đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đến 40 tỷ, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đến 2 tỷ, nên mức giá 200 triệu là hợp lý”, ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng, biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do Nhà nước quản lý. “Không có văn bản nào quy định nhưng số máy điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thì tại sao chúng ta lại hạn chế quyền của người trúng đấu giá đối với biển số xe ô tô?”, ông Thịnh nêu.

Do vậy, ông Thịnh đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô để họ có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế, điều này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, quy định điều này như trong tờ trình.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) băn khoăn về quy định cấp biển số xe “không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay nữa”. Như vậy, liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của thành phố Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác?

“Bởi vì, nếu như tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc thì tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có thêm biển số Hà Nội. Điều này là một thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện hiện nay. Tôi chưa thấy được đánh giá trong báo cáo đánh giá tác động kèm theo hồ sơ của sự dự án này”, bà Thuỷ nêu.

Qua thảo luận tại đoàn Hà Nội về nội dung này, bà Thuỷ cho biết, ngay lãnh đạo thành phố cũng chưa nắm được chủ trương này và chưa có những biện pháp để thay thế, thích ứng với những thay đổi này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà)

“Rất vui và thấy số tiền mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng”

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phản ánh, năm 2008, một phiên đấu giá biển số phương tiện giao thông được người dân Nghệ An đặc biệt quan tâm, bởi chỉ sau một đêm với 10 biển số, Công an Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng, bổ sung vào Quỹ vì người nghèo.

“Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát xe ô tô 37S-9999 được bán với giá 700 triệu đồng, cao gấp 14 lần so với giá sàn được đưa ra là 50 triệu đồng. Người trúng đấu giá hân hoan khi mua xe mua được biển số đẹp đúng ý của mình. Ông này chia sẻ, mặc dù 700 triệu cũng là một gia tài nhưng đi xe biển đẹp là mong ước nhiều năm của ông. Vì vậy, mua được biển số trên ông rất vui và thấy số tiền mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng”, ông Bình kể.

Trước Nghệ An, Công an Hải Phòng cũng từng tổ chức đấu giá biển số xe nhưng sau đó phải dừng vì vướng luật. Mặt khác, mỗi vùng miền có quan niệm về biển số đẹp rất khác nhau, chúng ta quá quen với khái niệm biển tứ quý, ngũ quý, tiến đều, lộc phát, phát lộc, tuy nhiên, với nhiều người số đẹp là số tôi thích, là số riêng của tôi.

Chính vì vậy, ông khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn có nhiều người có nhu cầu được cấp biển số xe ô tô theo ngày, tháng, năm sinh, chẳng hạn như tôi sinh ngày 28/9/1978, nên rất cần biển số 280978 hoặc là theo 5 số cuối của của thuê bao điện thoại hoặc ngày thành lập doanh nghiệp.

“Đây là nhu cầu có thật và những biển số này có thể không nằm trong kho số chưa được cấp, cũng có thể không nằm trong kho số đưa ra đấu giá”, ông đề nghị quy định cấp biển số xe ô tô theo nhu cầu của cá nhân, bao gồm cả giá khởi điểm theo hướng cao hơn giá đăng ký biển số bình thường”, ông nói.

Theo Luân Dũng

Link gốc: https://tienphong.vn/de-xuat-gia-khoi-diem-200-trieu-dong-voi-nhom-bien-so-dep-bat-buoc-dau-gia-post1484399.tpo