Để dịch tả lợn châu Phi lây lan, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

0
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho các hộ dân ở Nghệ An. Ảnh: Hải Đăng

Ngày 26.11, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đã ban hành chỉ thị số 35 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương; hiện có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, các huyện tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình.

Huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường. Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y.

Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại chó mèo…); đẩy mạnh việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt) đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỉ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn