Đầu năm chưa kịp vận động xã hội hóa, hiệu trưởng ‘mượn’ bàn ghế mới cho lớp 1 ngồi học

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho biết bàn ghế học sinh lớp 1 đang sử dụng là đi "mượn", nếu không vận động xã hội hóa thành công khoản tiền mua bàn ghế thì sẽ đem trả.

0

Theo phản ánh của phụ huynh Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh), các lớp 1 của trường đã tổ chức họp lớp dịp đầu năm học mới.

Trong buổi họp lớp, nhà trường thông báo mỗi học sinh lớp 1 phải đóng 1.680.000 đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên… Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú.

Một phụ huynh có con năm nay học lớp 1 tại Trường Tiểu học Thạch Linh cho biết tại buổi gặp mặt đầu tiên, nhà trường đã ra thông báo miệng mỗi học sinh phải đóng hơn 1,6 triệu tiền cơ sở vật chất gồm bàn ghế học sinh và giáo viên, tủ đựng tài liệu của giáo viên… Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.

“Giáo viên chủ nhiệm nói trưởng ban phụ huynh lớp đến phòng họp nghe nhà trường phổ biến kế hoạch. Sau đó, trưởng ban phụ huynh về lớp thông báo mỗi học sinh phải đóng chừng đó tiền.

Tôi thắc mắc vì sao số tiền đó không ghi rõ các mục cụ thể như thế nào. Tôi nộp vẫn được nhưng phải nêu rõ chi cho bàn ghế bao nhiêu, bảng bao nhiêu, ti vi bao nhiêu… Trưởng ban phụ huynh cũng hỏi xem có ai phản đối không, nhưng thực tế không ai dám phản đối vì sợ con em bị ghét bỏ. Nhà trường bảo phụ huynh tự nguyện nhưng đây là tự nguyện kiểu ép buộc” – vị phụ huynh này chia sẻ quan điểm.

Cũng theo phản ánh của phụ huynh thì “Phụ huynh không được bàn luận đóng những khoản gì, bàn ghế phụ huynh bỏ tiền ra mua nhưng không được bàn luận hay lựa chọn nhà thầu. Mà thực tế, trường đã bưng bàn ghế về từ lúc nào phụ huynh không hay biết.

Ngoài ra, tủ đựng tài liệu của giáo viên tại sao vẫn phải là phụ huynh đóng tiền?

Hơn nữa, bàn ghế học sinh lớp 5 sau khi ra trường tại sao không để học sinh khóa sau dùng tiếp hay thanh lý, mà nhà trường bảo đó là tài sản của trường, cất vào kho. Nếu cứ năm nào cũng chất kho thì kho đâu chứa cho hết bàn ghế cũ?”…

Không xã hội hóa được tiền mua, nhà trường đem trả bàn ghế đã “mượn”? 

Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh – cho hay năm học 2022-2023 có 5 lớp 1 với 185 học sinh, vì vậy cần mua sắm thêm 90 bộ bàn ghế.

Theo bà Thủy, năm nay, nhà trường đã làm tờ trình và được UBND phường Thạch Linh đồng ý cho vận động gần 326 triệu đồng bao gồm 90 bộ bàn ghế trị giá hơn 143 triệu đồng, 5 bảng viết 30 triệu đồng, 5 tủ đựng đồ dùng, tài liệu học sinh và giáo viên là 20 triệu đồng, 5 Smart tivi 97,5 triệu đồng và 84 triệu đồng tiền mái che lợp tôn phía nhà vệ sinh nối nhà đa chức năng.

Tủ đựng tài liệu của giáo viên được đưa vào mục tờ trình vận động phụ huynh đóng do… lỗi đánh máy?

Đáng chú ý, trong danh mục các khoản cần kinh phí tài trợ có cả tủ đựng tài liệu của giáo viên. Đây là khoản theo quy định của Bộ GD-ĐT là không được phép vận động tài trợ.

Bà Lê Thị Thủy cho rằng: “Nhà trường vận động tự nguyện chứ không cào bằng. Chúng tôi biết quy định chỉ được phép vận động những khoản phục vụ trực tiếp cho học sinh như bàn ghế, ti vi…

Nhà nước không cung cấp bàn ghế, còn TP Hà Tĩnh thì đầu tư những cái rất cơ bản, ví dụ sân trường đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nhà vệ sinh hơn 500 triệu đồng.

Còn bàn ghế giáo viên hay tủ đựng tài liệu của giáo viên là thuộc về ngân sách, phụ huynh không phải mua và kể cả vận động cũng không đúng. Cái này chắc kế toán đánh máy nhầm và giáo viên chủ nhiệm phổ biến sai”.

Liên quan đến phản ánh về việc phụ huynh đóng tiền bàn ghế nhưng đã thấy có bàn ghế mới và không được tự chọn nhà thầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho hay: “Năm nay, nhà trường có thêm 4 phòng đa chức năng mới, tôi đã cho lấy bàn ghế cũ đưa lên 4 phòng đó nên thiếu bàn ghế cho học sinh.

Việc vận động 90 bộ bàn ghế đó là vận động chung toàn trường chứ không riêng gì lớp 1, nhưng học sinh lớp 1 được ưu tiên dùng bàn ghế mới.

Mới đầu năm học, nhà trường chưa thu tiền nên chưa mua được, tôi chưa làm hợp đồng với công ty nào cả. Nhưng làm gì thì làm vẫn phải ưu tiên bàn ghế cho học sinh ngồi học trước. Do tuần học đầu tiên học sinh lớp 1 thiếu bàn ghế nên tôi phải đi mượn của Công ty Thiết bị trường học Sông Lam, chứ không thể ngồi chờ vận động xong rồi mới có bàn ghế cho học sinh được”.

Bà Thủy cũng cho biết “Tôi bảo với họ nếu vận động không thành công thì nhờ công ty bưng bàn ghế về cất cho nhà trường, nhà trường trả lại và họ đồng ý”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho biết đã “mượn” bàn ghế mới cho học sinh lớp 1 ngồi học

Bà Lê Thị Thủy cho rằng chương trình vận động xã hội hóa khiến giáo viên gặp không ít khó khăn khi thông tin tới phụ huynh, nhưng triển khai nhiều năm nay nên đa phần phụ huynh đã thấu hiểu và chia sẻ với nhà trường.

“Theo tôi, một là làm như trường tư, ví dụ tư thục đóng 6 triệu đồngmà chẳng cần biết nhà trường làm cái gì cả. Hai là đã trường công mà nhà nước cho hẳn cơ sở vật chất, tuyệt đối không sắm, không mua, không phải đóng gì cả thì rất khỏe.

Thế nhưng, chúng ta cũng phải chia sẻ với nhà nước vì vẫn còn khó khăn, không thể làm một lúc hết như thế được” – bà Thủy nói thêm.

Theo Thiện Lương

Link gốc: https://vietnamnet.vn/dau-nam-chua-kip-van-dong-xa-hoi-hoa-hieu-truong-muon-ban-ghe-cho-lop-1-2062146.html