Dầu khí Phương Đông của ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản báo lãi gấp 440 lần so với cùng kỳ

Trong quý II/2023, PDC có doanh thu thuần đạt hơn 11,8 tỷ đồng, giảm trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này báo lãi hơn 440 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

0
Khách sạn Mường Thanh Phương Đông của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông ở TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (UPCoM: PDC) gắn liền với gia tộc “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản vừa công bố BCTC quý II/2023. Theo đó, doanh thu thuần PDC đạt hơn 11,8 tỷ đồng, giảm trừ đi các chi phí công ty này báo lãi hơn 2,6 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PDC đạt 24,6 tỷ đồng, lãi ròng hơn 4,4 tỷ đồng.

Theo PDC, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ biến động giảm nhưng tác động không đáng kể nên lợi nhuận thuần về hoạt động sản xuất kinh doanh tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do quý II/2022, đơn vị ghi nhận một khoản chi phí tài chính hơn 2.2 tỷ đồng là khoản tiền lãi vay từ Oceanbank, làm cho BCTC quý II/2023 biến động tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Khoản lãi vay biến mất này cũng là nguyên nhân chính giúp PDC báo lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng, gấp gần 440 lần so với cùng kỳ 2022 (6 triệu đồng).

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của PDC hơn 267,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 93,4 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 59,5 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 95,9 tỷ đồng…

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của PDC hơn 131,5 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 131,3 tỷ đồng, trong đó phải trả cho người bán ngắn hạn hơn 127,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 136,1 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 150 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần hơn 22,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (-36,8 tỷ đồng)…

Trong giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu thuần của PDC có biến động lớn, khi đạt đỉnh ở năm 2019 với doanh thu hơn 53 tỷ đồng, giảm xuống 42,6 tỷ đồng năm 2020 và giảm sâu xuống 21 tỷ đồng vào năm 2021 trước khi lội ngược dòng lên 49,5 tỷ đồng năm 2022. Lợi nhuận thuần của PDC cũng tỷ lệ thuận với doanh thu, khi năm 2019 nằm ở mức 1,7 tỷ đồng, năm 2020 – 2021 báo lỗ lần lượt là 8,5 – 14,8 tỷ đồng và ngược dòng báo lãi hơn 4,8 tỷ đồng năm 2022.

Đồ hoạ: Văn Dũng

PDC tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An với tên gọi Khách sạn Phượng Hoàng. Năm 2007, PDC được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản với hoạt động chính là kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.

Năm 2009, cổ phiếu PDC chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau khi lên sàn không lâu, PVN chuyển nhượng hơn 60% cổ phần của PDC cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS).

Tháng 8/2011, PVS tiếp tục sang tay lô cổ phiếu trên cho hai pháp nhân thuộc Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) là Ocean Hospitality và Ocean Bank. Sau đó, PVN thoái toàn bộ vốn còn lại tại PDC cho Tập đoàn Đại Dương.

Đến giữa năm 2015, PDC một lần nữa “đổi chủ” khi các nhà đầu tư cá nhân thuộc “hệ sinh thái” ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh, bao gồm bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản) và ông Đỗ Trung Kiên (con rể ông Thản) nắm giữ hơn 51% cổ phần PDC từ tay Tập đoàn Đại Dương, đồng thời ông Lê Thanh Thản giữ chức Chủ tịch HĐQT của công ty này.

Tuy nhiên, kể từ ngày 26/4/2023, ông Lê Thanh Thản không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của PDC nữa mà thay vào đó là ông Đỗ Trung Kiên (con rể ông Thản); bà Phan Thị An được bầu bổ sung vào Thành viên BKS. Ngoài ra, một số thành viên HĐQT, thành viên HĐQT độc lập và thành viên BKS được bầu tiếp tục đảm nhận chức vụ trong nhiệm kỳ mới (2023-2028).

Hiện, PDC có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 20% cổ phần, ông Đỗ Trung Kiên (19%CP), và bà Lê Thị Hoàng Yến (9,37%CP) và cổ phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Theo Văn Dũng

Link gốc: https://nhadautu.vn/dau-khi-phuong-dong-cua-dai-gia-dieu-cay-le-thanh-than-bao-lai-gap-440-lan-so-voi-cung-ky-d78781.html