Dân “khát” bên những dự án nước sạch ì ạch thi công

Chậm tiến độ kéo dài, đội vốn, thay đổi thiết kế, vừa đưa vào vận hành đã gặp sự cố… là những tồn tại đang xảy ra tại các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có cả dự án sử dụng vốn vay từ nước ngoài. Trong khi đó, người dân vẫn luôn trong tình trạng “khát” nước sạch, phải mua nước trôi nổi với giá cao để sử dụng.

0

Ngày 14/6/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1827 phê duyệt công trình Tiểu dự án nước sạch cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh (BIIG2), vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Theo đó, dự án bao gồm 2 gói thầu HT01.1 Xây dựng Trạm tăng áp xã Thạch Hạ và mạng lưới 3 xã phía Nam và gói thầu HT01.2 Xây dựng trạm xử lý xã Cù Lây và mạng lưới 6 xã phía Bắc. Dự án có số vốn đầu tư hơn 215,6 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Trong đó, gói thầu HT01.1, xây dựng trạm tăng áp tại TP Hà Tĩnh và mạng lưới 1 để cung cấp nguồn nước cho 3 xã phía Nam huyện Lộc Hà gồm: Thạch Châu, Mai Phụ và Thạch Mỹ với công suất 2.500m3/ngày đêm. Gói thầu HT01.2, xây dựng nhà máy cung cấp nước tại hồ Cù Lây, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc và mạng lưới 2 để cấp nước cho 6 xã gồm: Thuần Thiện, Tùng Lộc (huyện Can Lộc), Ích Hậu, Hồng Lộc, Phù Lưu và Bình Lộc cũ (nay là xã Bình An) thuộc huyện Lộc Hà với công suất 7.100m3/ngày đêm. Khi đưa vào vận hành, có khoảng 17.300 hộ dân sẽ được thụ hưởng nước sạch và theo kế hoạch, đến tháng 6/2022 sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến nay cả hai gói thầu đều đang dở dang. Trong đó, ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, tính đến cuối tháng 6/2023, nghĩa là sau đúng 1 năm kể từ thời điểm buộc phải về đích, các hạng mục của gói thầu HT01.2 vẫn đang ngổn ngang. Từ việc xây dựng nhà máy tại khu vực đập Cu Lây đến hệ thống đường ống dẫn nước ở đầu nguồn về tận các khu dân cư, vẫn chưa lắp đặt xong.

Nhà xử lý dự án công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt vùng Trà Sơn thi công dở dang.

Riêng tuyến đường ống dọc theo Huyện lộ 7 (đường Thạch Kênh – Hồng Lộc) chiều dài 5.080m chưa thể triển khai thi công do chưa được địa phương bàn giao mặt bằng. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đã nhiều lần làm việc với các đơn vị liên quan như UBND huyện Lộc Hà, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà, UBND xã Ích Hậu và Hồng Lộc để xử lý vướng mắc công tác GPMB nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Hà, do tổng mức kinh phí GPMB vượt 23,5 tỷ so với quyết định phê duyệt dự án nâng cấp huyện lộ 7 nên chưa có kinh phí để chi trả GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, đất vườn. Do đó, chưa có mặt bằng để thi công đường và lắp đặt đường ống nước sạch. Đến nay, dự án đã được gia hạn nhiều lần, điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng nhưng vẫn chưa biết đến khi nào mới về đích. Trong khi đó, người dân các xã nằm trong vùng thụ hưởng vẫn mòn mỏi chờ đợi nước sạch.

Ông Phan Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc cho biết, nhiều năm trở lại đây, người dân xã Thuần Thiện phải bỏ tiền ra mua nước thô chưa qua xử lý tại đập Cu Lây về để sử dụng. Mong mỏi của bà con nhân dân là dự án sớm hoàn thiện để cấp nước sạch, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày.

Tương tự, dự án công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt ngày 2/10/2020, với tổng mức đầu tư 48,99 tỷ đồng, do UBND xã Mỹ Lộc làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm này, dự án không những chậm tiến độ mà còn nhiều lần điều chỉnh, thay đổi thiết kế dẫn đến đội vốn thi công. Trong đó, có phát sinh việc điều chỉnh trạm bơm đặt trong lòng hồ Cửa Thờ – Trại Tiểu theo thiết kế ban đầu từ nhà trạm bơm sang trạm bơm nổi; điều chỉnh bổ sung một số hạng mục tại nhà xử lý…

Vấn đề này, ngày 21/4/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn 1986 yêu cầu UBND huyện Can Lộc chỉ đạo UBND xã Mỹ Lộc và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Can Lộc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để dẫn đến chậm tiến độ dự án và xử lý nghiêm theo quy định.

Nghiêm trọng hơn cả là dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước và hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Hương Khê và 8 xã vùng phụ cận thuộc huyện Hương Khê. Dự án được phê duyệt ngày 09/5/2016, với tổng mức đầu tư là 229,465 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu xây lắp là Liên danh Khánh Môn – Hà Huy, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tấn Đạt là đơn vị thầu phụ của Công ty CP Hà Huy. Dự án được khởi công vào ngày 23/2/2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần xin gia hạn, dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Mới đây nhất, ngày 21/4/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có văn bản cho phép gia hạn tiến độ thi công và điều chỉnh giá hợp đồng dự án. Đồng thời, giao UBND huyện Hương Khê kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để dẫn tới chậm tiến độ dự án. Ngày 26/4/2023, UBND huyện Hương Khê đã tổ chức họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm tiến độ và kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo thông tin từ UBND huyện Hương Khê, ngày 28/4/2023, UBND huyện có văn bản đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án hệ thống đường ống công trình Nhà máy nước sạch.

Ngày 03/5/2023, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tấn Đạt có văn bản cam kết hoàn thành 13 tuyến ống với tổng chiều dài 4,554km trước ngày 15/5/2023. Tuy nhiên đến nay, công ty chỉ thi công hoàn thành 6 tuyến với chiều dài 2,32km; còn lại 7 tuyến với chiều dài 2,234km chưa thi công, việc thi công các tuyến ống truyền tải đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện, huyện đang yêu cầu nhà thầu hoàn thành toàn bộ khối lượng theo hợp đồng xong trước ngày 15/7/2023.

Ngoài việc chậm tiến độ, một số dự án nước sạch trên địa bàn Hà Tĩnh có dấu hiệu thi công đường ống không đúng với hồ sơ, thiết kế đã được phê duyệt. Một số dự án khác đã hoàn thiện, đưa vào vận hành nhưng chưa thể quyết toán hoặc vừa vận hành đã gặp sự cố về đường ống. Đơn cử là dự án thay thế nguồn cấp nước thô cho Nhà máy nước Bắc Thạch Hà từ sông Già sang hồ Trại Tiểu tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc. Dự án do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng mức 15,9 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 12 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 4/2021, bao gồm 1 trạm bơm cấp 1 tại hồ Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc và 12,6km tổng chiều dài đường ống dẫn nước đi qua 4 xã của các huyện Can Lộc và Thạch Hà. Năm 2022, dự án đưa vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 đến nay, đường ống đoạn qua địa bàn xã Mỹ Lộc liên tiếp gặp sự cố khi vị trí khớp nối giữa các đoạn ống với nhau bị bung bật, dẫn đến đứt đường ống, gây mất nước trên diện rộng.

Điều đáng nói, tại các dự án nhà máy nước nói trên, đều có “dấu ấn” của các nhà thầu quen mặt, bao gồm Công ty CP Xây dựng và đầu tư phát triển kiến trúc Đô thị (trụ sở tại Lô 14 BT8 khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội); Công ty CP Hà Huy (trụ sở tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) và Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tấn Đạt (địa chỉ tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) trúng thầu và đảm nhận thi công.

Câu hỏi đặt ra là, năng lực của các nhà thầu này liệu có đảm bảo khi dự án chậm tiến độ chồng chéo nhau nhưng vẫn liên tiếp trúng các gói thầu có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng? Trong khi đó, người dân hết năm nay sang năm khác, mòn mỏi “khát” nước sạch bên những dự án nhà máy nước chậm tiến độ kéo dài.

Theo Thiên Thảo

Link gốc: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dan-khat-ben-nhung-du-an-nuoc-sach-i-ach-thi-cong-i698949/