Cuộc sống chật vật của những giáo viên gần 20 năm dạy hợp đồng ở Nghệ An
Với hơn 400 giáo viên hợp đồng, huyện Yên Thành là địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất tỉnh, trong đó có nhiều giáo viên đã bám trụ gần 20 năm. Với mức lương ít ỏi, họ đành phải làm thêm nhiều nghề khác, với hy vọng một ngày nào đó được nhận vào biên chế.
Giáo viên kiêm “thợ đụng”
Hơn 1 tháng nay, thầy Nguyễn Duy Trình (44 tuổi, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành), chìm trong tuyệt vọng, kể từ khi nhận được tin bị trượt trong đợt tuyển dụng đặc cách giáo viên do huyện Yên Thành tổ chức. Dành cả thanh xuân cho nghề sư phạm, nhưng tình yêu với nghề giáo của thầy Trình đến nay đã bị giảm đi sau bao nhiêu năm nỗ lực nhưng vẫn không được ghi nhận.
“Lần này khiếu nại xong nếu vẫn không được, có lẽ tôi sẽ nghỉ việc luôn. Vì điều kiện không cho phép nữa”, thầy Trình nói. Tốt nghiệp Cao đẳng Thể dục – thể thao Đà Nẵng năm 2004, thầy Trình về dạy hợp đồng môn Thể dục tại Trường Tiểu học Hùng Thành từ đó đến nay. Thời điểm đó, mức lương của một giáo viên hợp đồng như thầy Trình chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng/tháng. Bố là thương binh già yếu, mẹ cũng thường xuyên bệnh tật, cuộc sống chỉ dựa vào vài sào ruộng ít ỏi kèm khoản trợ cấp cho người có công của bố. Chính vì vậy, họ đặt rất nhiều hy vọng vào cậu con trai hiếm hoi trong gia đình được ăn học đàng hoàng, với mong muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
Tuy nhiên, kể từ khi thầy Trình đi dạy, cuộc sống của gia đình vẫn chẳng khấm khá lên là bao. Bởi mức lương của một giáo viên hợp đồng còn không đủ để bản thân tiêu vặt, thì việc hỗ trợ cho bố mẹ là một điều xa xỉ. Đi dạy không lâu, thầy Trình lấy vợ, làm một giáo viên mầm non. Cuộc sống càng trở nên chật vật khi 2 người con lần lượt ra đời. Vì không có tiền để dựng nhà ra ở riêng, vợ chồng thầy Trình cho đến nay vẫn phải sống chung với bố mẹ trong căn nhà lụp xụp, rộng hơn 50m2, thậm chí còn không có phòng riêng.
Dù cuộc sống khó khăn là vậy nhưng thầy Trình vẫn rất luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại trường. Được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Ngoài là giáo viên môn Thể dục, thầy Trình còn có 10 năm làm Bí thư Chi đoàn của nhà trường. Để sớm được vào biên chế, thầy còn dành thời gian vừa dạy, vừa đi học, đến nay đã có bằng đại học. Trong suốt 18 năm đi dạy, thầy Trình vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến Chủ tịch UBND huyện… Thầy Trình cũng là nhân vật nổi tiếng trên báo chí 3 năm trước, khi liều mình cứu được một nam sinh đuối nước, sau đó được nhiều đơn vị tặng Bằng khen.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Duy Trình cho biết, mức lương hiện tại của thầy chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng. “Nhiều lúc cũng thấy xấu hổ với gia đình, vì mức lương quá thấp, chẳng giúp đỡ được gì nhiều. Mỗi tháng chỉ đủ tiền xăng xe, nếu phát sinh thêm vài đám cưới thì hết trơn”, thầy Trình nói. Để phụ giúp gia đình, nhiều năm nay nam giáo viên này phải làm nghề “thợ đụng”. Tức là đụng gì làm nấy, ai thuê gì cũng làm. Những ngày không có tiết dạy, thầy Trình xin đi làm thợ hồ, có khi thì đi sửa điện. Những ngày hè, thầy còn mở lớp dạy bơi cho đám trẻ trong làng, để kiếm thêm chút thu nhập.
“Bây giờ chắc tôi không thể theo đuổi nghề giáo được nữa, dù rất yêu nghề. Sắp tới con tôi vào đại học rồi, đi học cũng cần nhiều tiền, mức lương của tôi chắc không lo được. Phải kiếm nghề khác mà làm để còn nuôi con ăn học”, thầy Trình ngậm ngùi nói.
Nói về trường hợp của thầy Nguyễn Duy Trình, cô Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thành cho biết, dù mức lương chỉ hơn 2 triệu/tháng, nhưng định mức lao động của thầy Trình cũng giống như các giáo viên biên chế khác, cũng mỗi tuần 23 tiết dạy. Nhưng lương các giáo viên biên chế cao gấp nhiều lần lương giáo viên hợp đồng. “Thầy Trình rất nhiệt tình, vì đang hợp đồng nên thầy rất phấn đấu, rất nỗ lực, với hy vọng được vào biên chế. Ban giám hiệu và các đồng nghiệp trong trường cũng muốn thầy được ghi nhận, được vào biên chế. Bởi thầy dành cả thanh xuân để theo đuổi nghề giáo, bây giờ tuổi đã lớn, nghỉ dạy để đi làm nghề khác cũng khó”, cô Nga nói.
Mòn mỏi chờ biên chế
Cùng cảnh ngộ với thầy Trình, thầy Phan Tất Tuấn (41 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Quang Thành) cho biết, bản thân cũng đang có ý định bỏ cuộc, sau gần 20 năm theo đuổi nghề giáo. Thầy Tuấn cũng đã có bằng đại học, về dạy Thể dục tại ngôi trường này từ năm 2004. Tuy nhiên, đến nay mức lương của thầy cũng chỉ vỏn vẹn 1,9 triệu đồng/tháng. Vợ cũng chỉ là nhân viên ở trạm y tế, nên mỗi tháng tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Vì vậy mà kết hôn đã lâu, 2 vợ chồng thầy Tuấn vẫn chưa thể ra ở riêng.
“Lúc đầu cứ tưởng là đi dạy rồi một thời gian cũng được ghi nhận, được vào biên chế. Nên cứ theo đuổi mãi, chờ hết năm này qua năm khác. Giờ thì hết cả thanh xuân luôn rồi. Cũng may là ở chung với bố mẹ còn có đồng lương thương binh của bố mà nhờ cậy. Ngoài ra, gia đình còn phải làm thêm cả mẫu ruộng thì mới đủ sống được, dù chật vật”, thầy Tuấn nói.
Tại huyện Yên Thành, ngoài thầy Trình, thầy Tuấn, còn có rất nhiều giáo viên lâm vào cảnh tương tự. Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Yên Thành, thời điểm hiện tại, toàn huyện có 415 giáo viên hợp đồng. Đây là địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất của tỉnh Nghệ An. Trong số này, có những giáo viên đã 51 tuổi. Để nuôi giấc mơ vào biên chế, họ phải làm thêm đủ nghề.
Trao đổi về việc này, lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Yên Thành cho biết, lãnh đạo huyện cũng rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, địa phương cũng rất ít chỉ tiêu biên chế. “Trong đợt đặc cách tuyển dụng mới đây, nhiều giáo viên bị trượt cũng băn khoăn, có ý kiến. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng của huyện làm đúng. Đảm bảo không có tiêu cực”, vị này khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, công tác tuyển dụng ở huyện Yên Thành “có vấn đề”. Đặc biệt là trong đợt đặc cách tuyển dụng mới đây, hầu hết các giáo viên con thương, bệnh binh đều bị trượt. Mới đây, 12 giáo viên là con thương binh đã gửi đơn khiếu nại tập thể lên Thanh tra tỉnh Nghệ An. Các giáo viên này hầu hết đều có thâm niên từ 15 năm dạy hợp đồng trở lên. Nhưng hiện mức lương cũng chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Trong đơn, các giáo viên cho biết, họ thuộc đối tượng con thương, bệnh binh, gia đình chính sách, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, có nhiều cống hiến và thành tích trong các phong trào cho huyện nhà, và đều tham gia đóng bảo hiểm trước năm 2015. “Chúng tôi là những giáo viên hợp đồng lâu năm với đồng lương ít ỏi cùng bao khó khăn vất vả. Nhưng vì lòng yêu nghề và hy vọng vào tương lai nên chúng tôi vẫn hết sức cố gắng và bám trụ với nghề, Luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi tiếp nhận Công văn số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước. Chúng tôi đã rất vui mừng và phấn khởi”, các giáo viên nêu trong đơn.
Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, quá trình tuyển dụng làm không đúng. Đó là hội đồng xét tuyển không lấy xét tuyển làm chủ đạo mà tiến hành thi tuyển là chính nên dẫn đến tình trạng một số giáo viên trẻ tuổi được vào trước, trong khi đó những người có cống hiến, có thâm niên lại không được tuyển dụng.
“Theo Công văn 5378 / BNV –CCVC ngày 5/11/2019, những người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì mới đủ điều kiện dự tuyển. Trong khi đó, trong đợt xét tuyển vừa rồi chúng tôi thấy, có một số giáo viên đang là hợp đồng trường – là những người đóng bảo hiểm theo tinh thần tự nguyện nhưng vẫn được tham gia dự tuyển. Như vậy là sai với tinh thần công văn này”, các giáo viên nói thêm.
Theo Tiến Hùng – Mỹ Hà
Link gốc: https://baonghean.vn/cuoc-song-chat-vat-cua-nhung-giao-vien-gan-20-nam-day-hop-dong-o-nghe-an-post256902.html