“Cuộc chiến” giành lại cuộc sống cho người nhiễm HIV ở vùng cao xứ Nghệ

Quế Phong (Nghệ An) là một huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào. Đây là địa bàn có 72.000 người dân của 6 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Kinh sinh sống. Hơn 10 năm trước, cơn lốc ma túy đã cuốn qua những bản làng xa xôi. BS Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ với chúng tôi về những gian nan tại “điểm nóng” ma túy, HIV này.

0
Nhóm Sao Va (nhóm đồng đẳng) hỗ trợ, giúp đỡ người mắc bệnh. (Ảnh: PV)

Số người nghiện heroin có xu hướng giảm, nhưng vẫn đáng lo

Quế Phong từ nhiều năm nay vẫn là “điểm nóng” về nạn ma túy, HIV. Công tác lâu năm ở đây, theo ông, đâu là những cơn cớ của thực trạng đau lòng này?

– Quế Phong là một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với chiều dài biên giới lên đến 72km, tội phạm ma túy lợi dụng đi thăm thân qua các đường tiểu ngạch để buôn bán, vận chuyển chất cấm. Nơi đây hiện nay được gọi là vùng “trung chuyển” của những chuyến hàng vận chuyển ma túy, hồng phiến, heroin qua các đường tiểu ngạch phân phối xuống miền xuôi.

Cùng với đó, Quế Phong cũng là một “điểm nóng” về số lượng người nghiện ma túy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số nguyên nhân dẫn đến việc người dân sa vào con đường nghiện. Thứ nhất, họ là những người gặp phải sang chấn về tinh thần. Thứ hai, nhận thức của người dân chưa đồng đều, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đông. Cuối cùng, nhiều thanh niên bỏ học sớm, thiếu công ăn việc làm, “đua đòi” và dần sa vào con đường nghiện ngập.

Thực tế, những năm gần đây, số lượng người nghiện heroin tại huyện đang có xu hướng giảm. Tổng số hồ sơ người nghiện heroin được quản lý là hơn 1.000 hồ sơ. Tuy nhiên, những năm qua, lại phát sinh ma túy tổng hợp, cám dỗ rất nhiều người trẻ. Chúng tôi lập đoàn khảo sát, phát hiện ra nhiều cháu trong độ tuổi học sinh đã sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá, hồng phiến,…). Độ tuổi trung bình người dân trong huyện nghiện là 18 tuổi, thậm chí có trường hợp người dùng heroin ở tuổi 11. Được biết, nguyên nhân do bố mẹ đều đã đi tù, không ai quản lý, dạy bảo.

Ông có thể nói cụ thể hơn về việc số người nghiện ở đây hiện đang trẻ hóa?

– Một trong những khó khăn của huyện là giải quyết vấn đề thế hệ trẻ bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Không ít cháu đi học nội trú, đi làm lại rời xa gia đình từ sớm, đang ở tuổi dễ bị kích động… Việc ở xa gia đình, sống tập trung, khiến cho các cháu dễ dàng a dua theo nhau.

Khó khăn tiếp theo do địa bàn huyện quá rộng lớn, có những xã cách nhau từ 10 – 40km. Đường đi lại xa xôi, nhiều rừng núi, rất khó quản lý việc buôn bán và vận chuyển chất cấm. Bởi thế, có những người từ miền xuôi lên đây chơi 1 – 2 ngày, nhưng cơ quan chức năng đã bắt được ma túy tàng trữ trong người họ.

Có trường hợp do các cô gái, chàng trai trong huyện lên rừng hoặc đi kéo gỗ cả tháng, công việc nặng nhọc, mệt mỏi trong thời gian dài. Họ được “con nghiện” mời một chút “thuốc” để tăng cường thể lực. Cứ như vậy, sau một thời gian, những thanh niên này vô tình bị HIV và phải uống Methanone để điều trị.

Hiện nay, người dân cũng ý thức được vấn đề này, nên các “con nghiện” heroin đa phần là người già (đã nghiện từ nhiều năm về trước), thanh, thiếu niên bị sang chấn về tinh thần. Các trường hợp nhiễm mới gần như bằng không. Bây giờ, ở huyện Quế Phong, người trẻ chủ yếu dùng ma túy tổng hợp.

Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn khi điều trị Methadone cho người bệnh đa số là đồng bào DTTS?

– Chương trình điều trị Methadone trong cai nghiện ma túy rất nhân văn, gần như bao cấp, miễn phí cho bệnh nhân. Với bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo chỉ mất 15.000 đồng/tháng để hỗ trợ công tác xét nghiệm, với bệnh nhân không thuộc hộ nghèo chỉ mất 300.000 đồng/tháng. Chương trình này được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, ngành Y tế huyện nhà quan tâm thực hiện. Song một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã lại chưa thật sự quan tâm, vào cuộc. Ở địa phương, người nào nghiện thì xóm, bản nắm được ngay nhưng vẫn đang “phó thác” cho ngành Y tế.

Thành viên nhóm Sao Va hỗ trợ đưa bệnh nhân đi uống Methadone. (Ảnh: PV)

Nhiều người vẫn chưa hiểu về chương trình nên còn tình trạng bệnh nhân và người nhà giấu bệnh. Ngoài ra, Methadone mới chỉ thay thế được dạng chất thuốc phiện chứ không hiệu quả cho ma túy tổng hợp. Trong khi đó, xu hướng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng lên.

Người nhiễm HIV đã không còn e ngại, thu mình

Methadone là phương pháp cai nghiện heroin mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay. Nếu tuân thủ dùng Methadone mỗi ngày với liều lượng được kiểm soát, người nghiện heroin sẽ có cơ hội tự tin hòa nhập với cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới cho chính mình và cả gia đình. Hiệu quả thực tế hiện nay ra sao, thưa ông?

– Methadone tác dụng rất mạnh mẽ đến người nghiện. Có những người nghiện mỗi ngày cố gắng “xoay xở” được 300.000 đồng để mua một liều heroin. Nhưng sau khi uống Methadone, ý chí của họ dần tỉnh táo trở lại, không dám ăn trộm, ăn cắp. Họ rũ bỏ vẻ uể oải, thất thần, mỗi người nghiện đến uống thuốc đều mặc quần áo chỉnh tề. Sau một thời gian điều trị, họ trở thành con người nghiêm túc, kỷ luật, đúng ngày, đúng giờ đến uống thuốc, cử chỉ, nói năng đều lịch sự, hòa đồng. Các y, bác sĩ ở trạm y tế của các bản, các làng xã và điểm uống Methadone được bà con tin tưởng và có “tiếng nói” đối với họ và bản làng.

Nghiện thường đi kèm với nghèo đói, bệnh tật. Đặc biệt, bệnh HIV khiến người mắc càng thu mình, cuộc sống của họ như chìm trong bóng tối. Trước đây thì người dân rất sợ và sống thu mình khi biết mình mắc bệnh. Nhưng giờ thì khác rồi, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến tận từng bản, từng người dân nên họ dần hiểu rõ về căn bệnh cũng như cách phòng tránh.

Ngoài ra, mỗi tháng Trạm y tế xã xuống bản một lần để giám sát dịch bệnh kết hợp tuyên truyền. Cùng với đó là nhóm Sao Va (nhóm đồng đẳng viên) hoạt động rất năng nổ, tiếp cận từng người nghiện, mắc bệnh HIV, hỗ trợ đưa bệnh nhân có HIV làm giấy tờ, đưa bệnh nhân đi uống thuốc…

Dù các dự án về HIV/AIDS không còn nhưng chính quyền cũng như đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn luôn cố gắng vượt khó để phát hiện, điều trị những người nhiễm HIV. Chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì CLB Phòng, chống HIV do Bí thư đoàn xã làm Chủ tịch. Hay lồng ghép tuyên truyền về bệnh HIV cũng như cách phòng tránh, điều trị vào các cuộc truyền thông khác như phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Đặc biệt, để có những “điểm sáng” và chuyển biến mạnh mẽ, cần nhiều giải pháp đồng bộ như cần nhiều hoạt động hỗ trợ công ăn việc làm cho thanh, thiếu niên, xây dựng khu vui chơi lành mạnh, tăng cường hoạt động thể thao để giúp thế hệ trẻ tránh xa ma túy…

BS Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV)

Với địa hình đi lại khó khăn, vài chục cây số để đi lại uống thuốc hàng ngày, bệnh nhân có dễ dàng bỏ điều trị?

Hiện việc điều trị ARV ở huyện Quế Phong vẫn được triển khai thường xuyên theo mô hình của các tổ chức phi chính phủ trước đây. Việc điều trị, phát thuốc được các điểm y tế thực hành nghiêm chỉnh. Trung tâm y tế có 20 người được mang thuốc về nhà uống theo tuần, cấp mười ngày một. Việc phát thuốc được xét theo các tiêu chí như tuân thủ điều trị, có ý thức kỷ luật, chí tiến thủ. Một tháng các cán bộ trong trung tâm sẽ đến từng nhà để kiểm tra.

Đến nay, tỷ lệ đồng nhiễm nam HIV vẫn còn, nhưng tỷ lệ không cao như trước. Việc này do quá trình uống ARV chưa đạt chuẩn hoặc bệnh nhân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị.

Ở Nghệ An, chương trình Methadone được đưa vào điều trị cho bệnh nhân từ năm 2012. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số bệnh nhân bỏ trị còn cao. Do đặc thù riêng của bệnh nhân nghiện ma túy nên công tác tư vấn cho bệnh nhân bỏ trị quay lại điều trị còn chưa thực sự hiệu quả. Việc phối hợp với người nhà và chính quyền địa phương trong quản lý bệnh nhân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Trên toàn huyện có hơn 1.000 hồ sơ của người nghiện được chính quyền quản lý, số uống Methadone hiện mới chiếm khoảng hơn nửa. Người nghiện có ở 13 xã thị trấn, điểm chính uống Methadone là ở Trung tâm Y tế huyện. Chúng tôi đã xin thêm một điểm uống Methadone ở xã Đồng Văn (phía Tây Bắc), xã Châu Thôn (phía Tây Nam). Cái khó của người nghiện là hộ nghèo, nên không có phương tiện đi lại, đường sá xa xôi, cách trở.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyệt Thương (t/h)

Nguồn: phapluatplus.vn