Cụ thể vì sao nhiều giám đốc doanh nghiệp ở Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh?

Như báo Nghệ An đã đưa tin, thời gian vừa qua, một số giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An nợ tiền thuế đã bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Theo cơ quan thuế, đây là những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng kéo dài trong nhiều năm liền.

0

Đại diện Chi cục Thuế khu vực Sông Lam 1 phụ trách các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương cho biết: Hiện tại đơn vị đang còn khoảng trên 10 tỷ đồng tiền nợ đọng tiền thuế do các doanh nghiệp nhiều năm chưa trả. Từ ngày 26/10, Chi cục Thuế khu vực Sông Lam cũng đã có các thông báo về việc tạm hoãn xuất, nhập cảnh với 2 lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm: Ông Tô Anh Phương – Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương và ông Trần Đình Hải – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Quý Vân (Tân Kỳ).

Khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực đang bị thất thu thuế ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Hải An

Công ty TNHH Kiều Phương kinh doanh các lĩnh vực xây dựng, chăn nuôi bò…; do làm ăn thua lỗ nên đã nợ đọng thuế hơn 10 năm qua với số tiền trên 1 tỷ đồng. Các khoản thuế nợ gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất. Trong những năm qua, cơ quan thuế đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng như thông báo nợ, cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp hành nộp số nợ thuế còn lại.

Theo đại diện Chi cục Thuế khu vực Sông Lam 1, ngoài việc thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các doanh nghiệp nợ thuế trên, nếu doanh nghiệp không chấp hành nộp thuế, thời gian tới, cơ quan thuế sẽ triển khai biện pháp mạnh như kiến nghị thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp.

Tại Chi cục Thuế Bắc Nghệ II (Cục Thuế Nghệ An) cũng có khá nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài; ngày 27/10 cơ quan thuế cũng đã có các thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các doanh nghiệp.

Đại diện Chi cục Thuế Bắc Nghệ II cho biết: Điển hình như ông Hoàng Quốc Hưng (SN 1984 – huyện Yên Thành), Giám đốc Công ty TNHH Ly Hưng kinh doanh lĩnh vực xăng, dầu tại xã Hợp Thành (Yên Thành). Sau 120 ngày hiện đang nợ thuế 630 triệu đồng, gồm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt, tiền chậm nộp. Mặc dù cơ quan thuế tháng nào cũng thông báo nợ, thực hiện cưỡng chế tài khoản ngân hàng… nhưng doanh nghiệp này không chịu nộp.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác thuế tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: P.V

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp do Chi cục Thuế Bắc Nghệ II quản lý đang còn nợ đọng trên 14 tỷ đồng. Sắp tới, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp khác, như tăng cường các biện pháp thu hồi nợ, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, hóa đơn, mời các doanh nghiệp làm việc do UBND các huyện liên quan chủ trì.

Đối với hình thức thông báo tạm hoãn xuất cảnh với các doanh nghiệp nợ đọng, là biện pháp cần thiết, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách, chứ cơ quan thuế không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh do ngành Thuế quản lý đang nợ thuế là 1.511 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu 1.361 tỷ đồng, nợ khó thu, 146 tỷ đồng…

Được biết, nguyên nhân khó khăn trong công tác thu hồi nợ đọng thuế trong thời gian qua một phần là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu đạt thấp, hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chi phí đầu vào lớn, sản phẩm sản xuất ra chưa tiêu thụ được nhiều, nhưng vẫn phải vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất dẫn đến thua lỗ, không có tiền để nộp thuế.

Theo Hải An

Link gốc: https://baonghean.vn/cu-the-vi-sao-nhieu-giam-doc-doanh-nghiep-o-nghe-an-bi-tam-hoan-xuat-canh-post261103.html